$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Cộng đoàn
»
»
Văn

CHIẾC NHẪN CỦA NGƯỜI NỮ TU

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 79 | Cật nhập lần cuối: 9/30/2023 9:49:35 PM | RSS

CHIẾC NHẪN CỦA NGƯỜI NỮ TU

Theo lẽ thường, con người, nhất là phái nữ, ai ai cũng muốn mình nổi trội, rạng rỡ trước đám đông, ai cũng muốn làm cho bản thân mình được sang trọng, quý phái để có thể nghe được những câu nói đại loại như “cô ấy dễ thương, em ấy dễ mến, dễ gần,...”.

Tuy nhiên, có một số người lại không cùng suy nghĩ như thế, không phải họ không đẹp, không dễ thương, dễ mến nhưng họ lại tự nguyện chấp nhận che đi mái tóc đen óng mượt là nét duyên dáng của người con gái bằng chiếc lúp vải đơn sơ! Họ chấp nhận khoác lên người chiếc tu phục vừa giản dị, vừa kín đáo và như nhiều người nói là “lỗi mốt, lỗi thời”! Họ vẫn có những sở thích cá nhân, có những đam mê bình thường như bao phụ nữ khác, họ cũng muốn thể hiện cái tôi... nhưng họ lại chấp nhận bỏ lại để chọn một cuộc sống khác, chọn đời sống chung của đời tu trì. Họ cũng thích những món trang sức sang trọng, đắt tiền nhưng giờ thì chỉ mong ước ngày nào đó có thể đeo một chiếc nhẫn đơn sơ, mang nghĩa “kết ước” chẳng có giá trị kinh tế! “Họ” là những “nữ tu”.

Chiếc nhẫn có từ bao giờ? Tại sao người ta lại đeo nhẫn? Thật khó để trả lời cách rốt ráo cho các câu hỏi trên. Nhưng thiết nghĩ, chiếc nhẫn cũng có thể là vật khế ước, là dấu chỉ về một lời hứa, lời thề giữa hai người, hai gia đình. Chiếc nhẫn trong đời tu cũng là dấu chỉ của một kết ước giữa con người với Thiên Chúa. Chị thánh Catarina Siêna cũng đã bước vào con đường từ bỏ, chấp nhận đeo vào mình chiếc nhẫn đơn sơ của sự kết ước.

Là nữ tu sống đời tu trì, hẳn ai cũng đã có những giây phút cảm nghiệm dù đã, đang và sẽ mang trên ngón tay áp út mình một thứ nho nhỏ. Tuy bên ngoài không có giá trị kinh tế là bao nhưng bên trong ẩn chứa một tình yêu vô cùng với Đức Giêsu. Hôm nay, tôi muốn được tâm sự với bạn về chiếc “nhẫn cưới” của người nữ tu.

Kinh Thánh có đôi chỗ cũng đề cập đến những ý nghĩa của chiếc nhẫn. Chẳng hạn, nhẫn cai quản, như trong câu Pharaô nói với Giuse: “Này trẫm đặt khanh coi toàn cõi Ai Cập” và rút nhẫn khỏi tay mình mà trao tay cho Giuse (xc. St 41, 39-42). Quyền cai quản tượng trưng trên chiếc nhẫn cũng là dấu chỉ giao ước một đời phục vụ.

Trong sách Sáng thế, chiếc nhẫn được đề cập đến như là dấu hiệu của lòng trung thành (St 24, 22.30.53). Nơi sách Étte và Tin Mừng Luca, chiếc nhẫn được xem như là một dấu chỉ cho một sự chấp thuận nào đó (Et 8, 2.8; Lc 15, 22). Chúng ta có thể thấy ngay cả trong Tân Ước, chiếc nhẫn vẫn chưa là dấu chỉ trong hôn nhân. Ngay của trong thư thứ nhất của thánh Phê-rô tông đồ và trong thư của thánh Phaolô gửi cho Timôthê cũng chỉ nhắc nhở các chị em hãy đừng tìm vẻ duyên dáng ở bên ngoài mà phải tìm vẻ đẹp trong tâm hồn (1Tm 2, 9-10 và 1Pr 3, 3-4). Chiếc nhẫn chỉ bắt đầu được sử dụng như một dấu chỉ trong lễ cưới vào thời Trung Cổ.

Trong hôn nhân, nhẫn cưới được đeo vào tay, biểu tượng cho sự ràng buộc bền vững giữa hai người. Lúc đó, nhẫn không những là đồ trang sức nhưng còn mang ý nghĩa duy nhất là gắn kết hai tâm hồn đang yêu lại với nhau. Chiếc nhẫn không đơn thuần chỉ là một quà tặng mà còn là biểu hiện của tình yêu, sự ràng buộc, lòng chung thủy, sự trung thực, tin tưởng lẫn nhau và quyết tâm gắn bó của hai người đến trọn đời. Sâu xa hơn, chiếc nhẫn là biểu tượng của chủ quyền. Trong nghi thức hôn nhân Kitô giáo, việc trao nhẫn cho người bạn đời tượng trưng cho việc trao quyền làm chủ trên chính cuộc đời của mình cho người kia.

Trong nghi lễ tấn phong giám mục, vị tân giám mục cũng được đeo nhẫn. Chiếc nhẫn này là một biểu tượng về lòng trung thành của giám mục với Thiên Chúa và Giáo Hội. Giám mục luôn luôn đeo nhẫn, biểu tượng của lòng trung thành của ngài và sự gắn bó khăng khít với Giáo Hội, với giáo phận (hôn thê của ngài) mà ngài được đặt làm giám mục. Thời trước, không có việc thuyên chuyển Đức giám mục vì thế chiếc nhẫn lại càng có ý nghĩa hơn nữa trong việc kết ước với giáo phận.

Còn với thánh nữ Catarina, Thiên Chúa đã đi bước trước trong tương quan tình yêu với Catarina. Ngay từ nhỏ, Catarina đã được mời gọi đặc biệt vào cuộc gặp gỡ Thiên Chúa: được thị kiến Chúa Hài Đồng, yêu mến thánh lễ, say mê cầu nguyện, khát khao sống đời tận hiến. Chính ngọn lửa nồng cháy này đã thiêu đốt lòng trinh nữ vượt mọi bước cản để đáp lại tiếng gọi tình yêu từ muôn thuở.

Với chị Catarina thị kiến về Tiệc Cưới Huyền Nhiệm, cuộc đời của chị Catarina đã thay đổi đến tận căn. Trong thị kiến này, Mẹ Maria Đồng trinh trao thánh nữ cho Chúa Giêsu và Chúa Giêsu đã hiện ra với chị, Ngài chạm nhẹ vào chiếc nhẫn trên ngón tay của chị và ngỏ lời với chị:

“Này, Ta sẽ kết hôn với con, Đấng Sáng Tạo và Đấng Cứu Chuộc của con, trong Đức Tin. Con sẽ luôn luôn bảo toàn nguyên vẹn Đức Tin này, tới khi con cử hành hôn lễ đời đời với Ta trên Thiên Đàng. Hỡi con gái của Ta, từ giờ trở đi, hãy hoàn toàn tin tưởng và không được có bất cứ sự do dự nào trong việc thực hiện những điều mà sự quan phòng của Ta sẽ ủy thác cho con. Nhờ vào việc củng cố Đức Tin, giờ đây con đã được trở nên mạnh mẽ, và nhờ thế, con sẽ vượt thắng tất cả mọi đối thủ của con cách hạnh phúc”.

Dưới sự thúc giục của thị kiến trên, thánh nữ Catarina đã rời bỏ căn phòng riêng của mình và bước vào đời sống cộng đoàn. Chị đặt cuộc sống mình vào trong sự phục vụ tha nhân. Giờ đây, những hành vi đánh tội và thống hối về mặt thể xác của chị đã lui vào quá khứ và thay vào đó là những công việc phục vụ. Chị đã đảm trách một phần việc trong gia đình của cha mẹ mình. Cùng với thân phụ của mình, Catarina đã phụ giúp những người nghèo, các bệnh nhân. Chị thường xuyên đến thăm các nhà tù để an ủi các tù nhân, đặc biệt là các tử tù, và đồng hành với họ tới nơi hành hình.

Vậy đâu là chiếc nhẫn huyền nhiệm của người nữ tu? Trong nghi thức vĩnh khấn, cách riêng với người nữ tu, việc Đức Giám mục đeo nhẫn cho từng nữ tu là dấu chỉ các chị em từ nay là “hôn thê”, là “người yêu” của Chúa Giêsu. Qua lời tuyên khấn trọn đời, người nữ tu và Chúa Giêsu được kết nối bằng một sợi dây linh thiêng cao trọng, sợ dây nói lên sự chung thủy như lời ngôn sứ Hôsê nói: “Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa” (Hs 2,22). “Lễ cưới” của các nữ tu không có xe hoa, không có chú rể, vì tân lang là Đức Kitô, tân nương là những người dám nghe tiếng Chúa gọi và đáp lại cách mau mắn.

Và rồi theo dòng thời gian chiếc nhẫn vật chất sẽ bị hao mòn đi, chiếc nhẫn va chạm với thế giới xung quanh và bạc màu theo năm tháng. Thế nhưng, chiếc nhẫn tình yêu của người nữ tu với Chúa Giêsu luôn luôn cần phải được tôi luyện cho đến giây phút cuối cùng để luôn tỏa sáng vẻ đẹp rạng ngời mà bình dị. Vâng phục trong tình yêu, vâng phục trong ý kiến riêng có lẽ là cách thế tốt để giữ mãi chiếc nhẫn luôn trong trẻo. Chiếc nhẫn tình yêu người nữ tu cũng bị những va chạm trong đời sống thường ngày, những thử thách, những hiểu lầm, cũng có lúc người nữ tu cảm thấy cô đơn trong căn phòng riêng của mình, và cũng nhiều lúc ý tưởng, động lực “thuở ban đầu” bị phai nhạt đi.

Càng gắn bó với Thiên Chúa, thánh Catarina càng được Thiên Chúa thử thách và nhào nặn bằng những đau khổ trong cuộc sống thường ngày, và Thiên Chúa cảnh cáo những tu sĩ đã phai nhạt tình yêu của mình: “Chúng hãy trở lại bước đầu của đời sống tu trì, bằng cách tái hôn với đức vâng lời trọn lành, với chiếc nhẫn đức tin thánh thiện”.

Nhưng điều làm cho tôi an ủi đó là chiếc nhẫn vật chất bị hao mòn theo thời gian thì chiếc nhẫn tình yêu càng được thử thách sẽ càng trở nên tinh tuyền: đó là giá trị của những chiếc nhẫn bạc (kỷ niệm 25 năm tuyên khấn), rồi đến chiếc nhẫn vàng (kỷ niệm 50 năm tuyên khấn), sau đó là chiếc nhẫn kim cương (kỷ niệm 60 năm tuyên khấn). Nhưng chiếc nhẫn có giá trị nhất và đạt đến sự hoàn thiện nhất đó là khi một người nữ tu trở về cùng Chúa trong tình yêu của Thiên Chúa và của chị em. Hành trình tôi luyện của người nữ tu chỉ đạt đến trọn hảo khi được kết hiệp mật thiết với Con Chiên.

Ước mong sao ngọn lửa tình yêu của Đức Kitô luôn cháy sáng trong tâm hồn của mỗi người nữ tu, để chiếc nhẫn mà mỗi người đã lãnh nhận trong ngày tuyên khấn sẽ càng tinh tuyền và thanh khiết hơn trong hành trình kết hiệp với Đức Kitô, Đấng mà mọi nữ tu luôn luôn kiếm tìm.

Nt. Anna Bùi Thị Thùy Duyên, OP

(Trích NS. Catarina 45 )