$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Sứ vụ
»

ĐỨC GIÊSU, THẦY CỦA GIUĐA

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 196 | Cật nhập lần cuối: 7/4/2022 3:18:50 PM | RSS

ĐỨC GIÊSU, THẦY CỦA GIUĐA

Đức Giêsu đến trần gian để thực hiện kế hoạch cứu độ nhân loại. Ngài đã lập nhóm Mười hai để các ông cùng ở với Ngài, được Ngài huấn luyện tiếp nối sứ mạng khi Ngài về trời. Đức Giêsu đã thức suốt đêm cầu nguyện trước khi chọn các ông. Thế nhưng trong số những người được Ngài tuyển chọn có một người phản bội, bán thầy mình, đó là Giuđa Itcariôt. Phải chăng Đức Giêsu đã thất bại trong cách giáo dục, hay Giuđa đã xấu tự bản chất? Đức Giêsu đã dùng khoa sư phạm nào để giáo dục chúng ta?

I. Đức Giêsu, Thầy Dạy Tuyệt Vời

Trong Tin Mừng, Đức Giêsu rao giảng, làm nhiều phép lạ, kể nhiều dụ ngôn… để củng cố niềm tin, mạc khải một chân lý, tất cả những hành động đó được thể hiện trong bảy phương pháp sư phạm của Đức Giêsu.

1. Đức Giêsu dạy bằng hành động: Lời giảng của Đức Giêsu luôn thuyết phục người nghe, vì lời giảng đó đi đôi với hành động. Nếu Ngài dạy người ta phục vụ thì chính Ngài đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ (Ga 13, 5); khi dạy về sự tha thứ, thì chính Ngài cũng đã tha thứ đến cùng (Lc 23, 34). Ngày nay người ta không tin những lời giảng xa vời, nhưng nhìn vào hành động cụ thể.

2. Đức Giêsu dùng những hình ảnh cụ thể để diễn tả mầu nhiệm Nước Trời, những thực tại thiêng liêng, để người nghe dù là những người bình dân nhất cũng hiểu và thích thú lắng nghe, ví dụ như hạt giống, cây nho, hạt cải…

3. Đức Giêsu minh hoạ bằng những câu chuyện để mạc khải chân lý, những truyện ngụ ngôn ngắn gọn, xúc tích, đầy hình ảnh, để người nghe hiểu, thậm chí nhớ và kể cho nhau nghe, như ngụ ngôn cây vả, người làm vườn nho…

4. Đức Giêsu tóm tắt ý chính trong những câu ngắn gọn. Sau khi giảng giải thật dài, Đức Giêsu luôn đúc kết thành những câu ngắn gọn, giản dị nhưng sâu sắc như: Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng; Ai tin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy…và người nghe không phải cố gắng nhớ hết toàn bài, nhưng ra về với những câu ngắn gọn áp dụng vào cuộc sống.

5. Đức Giêsu dùng cách đặt vấn đề liên quan đến người nghe, kích thích tính học hỏi, tạo sự chú ý theo dõi như: Các ngươi thấy gì trong sa mạc? (Lc 7,24) ; Anh muốn tôi làm gì cho anh? (Lc 18, 14)

6. Đức Giêsu nhắc lại chủ đề bằng nhiều hình thức khác nhau để người nghe dễ hiểu, dễ nắm bắt, ví dụ như một loạt ba dụ ngôn: đồng tiền bị mất, người cha nhân hậu, con chiên lạc để diễn tả một chủ đề: Lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với tội nhân.

7. Đức Giêsu trình bày cụ thể, sinh động, hợp với người nghe vì Ngài luôn đặt mình vào tầm hiểu biết của họ, nói những gì họ có thể hiểu, giải đáp những gì họ thắc mắc, và Ngài nói bằng chính ngôn ngữ của họ.

II. Giuđa Được Đức Giêsu Giáo Dục Như Thế Nào?

Tin Mừng Lc 6, 12-16 cho thấy Đức Giêsu đã tuyển chọn 12 tông đồ. Giuđa cũng là một tông đồ được chính Chúa gọi với ơn gọi ở với Ngài và được sai đi. Giuđa theo Thầy suốt ba năm hành đạo, ông được huấn luyện như bao vị tông đồ khác để trở thành chứng nhân của Chúa. Những lời Chúa dạy, những việc Chúa làm với nghệ thuật giảng dạy tuyệt vời của Đức Giêsu, chắc chắn đã hấp dẫn Giuđa, đã cuốn hút ông theo Thầy, một vị Thầy rất đáng kính phục. Hơn nữa, ta còn thấy vị trí đặc biệt của Giuđa trong cộng đoàn. Ông được Đức Giêsu tín nhiệm trao cho nhiệm vụ quản lý, giữ túi tiền, chăm sóc đời sống cho Thầy và anh em, một nhiệm vụ đòi hỏi phải có sự tinh tế, chu đáo, khôn ngoan và cẩn mật. Như vậy ta thấy được rằng, Giuđa được phát triển sung mãn trong cộng đoàn tông đồ, được dạy dỗ đặc biệt, được đóng góp sức lực qua nhiệm vụ của mình.

III. Giuđa – Kẻ Phản Bội

Trong vở kịch “Siêu sao Giêsu” được diễn ở nhà thờ Đa Minh, Ba Chuông vào mùa chay 2007, nhân vật Giuđa để lại ấn tượng sâu sắc cho nhiều người qua câu nói: “Từ đây cho đến muôn đời, mọi người sẽ thắc mắc về tôi, sẽ muốn biết tôi đang nghĩ gì, nhưng sẽ không ai hiểu được hành động của tôi cả, tôi sẽ đi vào huyền thoại…” Đời sống của Giuđa quá tốt, vậy tại sao Giuđa trở thành kẻ phản bội? Vì ông tham tiền, vì ông mơ tưởng quyền lực?… Đức Giêsu biết Giuđa phản bội không? Tại sao Ngài không ngăn cản?

Nhìn qua bốn Tin Mừng, ta cũng không tìm được câu trả lời. Tin Mừng chỉ cho ta thấy rằng Đức Giêsu biết hết những toan tính của Giuđa, Ngài nhiều lần lên tiếng nhắc nhở, khuyến cáo (Ga 6, 67-71), nhưng ông vẫn làm ngơ, vẫn không nhận ra sứ điệp của Chúa để dừng lại một kế hoạch của tội ác. Thật vậy, Đức Giêsu đã không giữ được Giuđa bên mình, Ngài đành bất lực trước sự cứng đầu của Giuđa. Đức Giêsu tôn trọng phẩm giá và sự tự do của con người, Ngài không áp đặt Giuđa, Ngài kiên nhẫn cảnh tỉnh ông cho đến phút cuối cùng, nhưng Giuđa vẫn tự chọn lựa rời xa Đức Giêsu.

Đức Giêsu có thất bại không? Ngài có lầm không khi chọn Giuđa? Câu trả lời là: Quả thật Đức Giêsu đã thất bại nặng nề, khi Ngài bị bắt, các tông đồ chạy hết, những lời Thầy dạy, những việc Thầy làm, tình nghĩa ba năm thầy trò kể như đổ sông, đổ biển, và chính Ngài cũng thua thảm bại trên thập giá. Đức Giêsu chỉ chiến thắng khi Thiên Chúa cho Ngài chỗi dậy từ cõi chết. Cộng đoàn tông đồ cũng bừng lên sức sống khi Chúa Thánh Thần hiện diện.

Sự nghiệp giáo dục quả là không dễ dàng chút nào. Đời tu chúng ta là sự tự đào luyện chính mình suốt đời. Một ngày trôi đi, biết bao công việc ta thực hiện tốt đẹp, nhưng xét mình, ta lại thấy những cố tật, những giới hạn của mình vẫn còn đó. Qua câu chuyện của Giuđa, cho ta một bài học về lòng thương xót của Chúa, hãy mở lòng để đón nhận ơn tha thứ. Cần kiên nhẫn với chính mình và chấp nhận giới hạn của nhau… đó là thái độ của Đức Giêsu đối với Giuđa, với chúng ta hôm nay.

Như vậy Đức Giêsu là người thầy tuyệt vời vì trong Ngài đầy Thánh Thần. Những gì sức người không thể thành công, thì Chúa Thánh Thần sẽ làm cho trở nên hoàn thiện.

Thi hành sứ vụ giáo dục Kitô giáo, chúng ta được mời gọi dõi bước theo Thầy Chí Thánh, để không chỉ học các phương pháp giảng dạy của Ngài, nhưng sâu xa hơn, còn để mở lòng cho Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn. Vì vậy, mỗi người tu sĩ Đa Minh với linh đạo chiêm niệm và hoạt động, chúng ta cần chìm sâu trong cầu nguyện để thực thi sứ vụ giáo dục Kitô giáo của Giáo Hội.

Nt. Maria Kim Chi, OP