$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Sứ vụ
»

KHU CÁCH LY, DƯ ÂM THIỆN NGUYỆN

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 242 | Cật nhập lần cuối: 11/1/2021 9:48:54 AM | RSS

KHU CÁCH LY, DƯ ÂM THIỆN NGUYỆN

KHU CÁCH LY, DƯ ÂM THIỆN NGUYỆN

Sáng ngày 31/7 sau khi nghe Bác điều dưỡng Lan Anh, người phụ trách chia công tác cho các tu sĩ thiện nguyện đến các khu cách ly thông báo, khu cách ly trường Mầm Non Sư Phạm Thực Hành cần 4 Sơ đi phục vụ. Vừa nghe xong, liền có 4 cánh tay xung phong: 2 Sơ thuộc Hội dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm: Têrêxa Nguyễn Thị Mộng Điệp, OP, Maria Trịnh Thị Hồng Huê, OP, và 2 Sơ Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục: Têrêxa Ngô Ngọc Huyền Trâm và Maria Đào Thị Bạch Mai.

Chốt sổ. Chiều nay, các Sơ sẽ lên đường!

Đúng 3g chiều, 1 chiếc xe 4 chỗ do chị tài Ngọc Hân cầm lái, chở 4 chị em cùng bác Lan Anh lên đường đến khu cách ly. Chẳng mấy chốc, xe đến nơi. Các Sơ mau mắn vận chuyển từng chiếc balô trong đó chứa đựng những dụng cụ cần thiết cho sứ vụ mới, chắc hẳn chỉ có trong mùa dịch covid, dành để phục vụ bệnh nhân F0.

Khu cách ly Sư Phạm Mầm Non Thực Hành là khu mới được thành lập, cơ sở vật chất còn đơn sơ, thiếu thốn. Cụ thể, đồ bảo hộ dành cho nhân viên rất mỏng manh, không kính bảo vệ, không miếng chắn giọt bắn; vật dụng cá nhân dành cho bệnh nhân chỉ đủ đón khoảng 100 người. Thôi thì có bao nhiêu dùng bấy nhiêu vậy.

Tối 31/7, khu cách ly bắt đầu đón bệnh nhân. Khoảng 20g, các chuyến xe ồ ạt chở người từ nhiều phường thuộc thành phố Biên Hòa đến cách ly. Anh chị em nhân viên nhịp nhàng phân công mỗi người một việc: anh sếp trưởng phụ trách nhận bệnh nhân; các dân quân đeo bình đi khử khuẩn; y sinh dẫn bệnh nhân lên phòng và thu nhận thông tin cá nhân; các Sơ thì chuẩn bị và chuyển đồ dùng cá nhân gồm thau, chiếu, mùng mền… Mọi việc diễn ra cách nhanh chóng và thuận tiện. Do đó, chỉ trong tối 31/7 và ngày 1/8, khu cách ly đã chật kín với trên 200 bệnh nhân. Vì số bệnh nhân đông hơn dự kiến, nên các vật dụng cá nhân dành cho họ bị thiếu hụt. Nhưng rồi, với cách sắp xếp và ứng xử khéo léo của nhân viên:

- Anh chị ơi, thông cảm nhé, vì đồ dùng chưa đủ!

- Dạ vâng.

- Xin mọi người dùng tạm vậy. Khi nào có thêm, nhân viên sẽ cung cấp thêm…

- Dạ vâng ạ…

Vì được cảm thông như thế, nên các nhân viên thiện nguyện, tuy có mệt về thể lý, nhưng lòng lại thấy thênh thang...

  1. Khu cách ly, những công việc thường ngày

Khu cách ly gồm 14 nhân viên:

- Anh Sang, sĩ quan quân đội, chỉ huy trưởng khu cách ly, phụ trách canh cổng, nhận đồ dùng người thân gửi đến, báo cơm, xin mua các đồ dùng cần thiết cho khu cách ly, lo sổ sách báo cáo lên phường số bệnh nhân đến, đi, và tử vong.

- Anh Long điều dưỡng, sếp trưởng, chịu trách nhiệm bao quát và chia công tác cho nhân viên phục vụ trong khu cách ly. Cụ thể, anh phụ trách việc tiếp nhận bệnh nhân, xin chuyển viện những bệnh nhân trở nặng, lo về các vấn đề liên quan đến sức khỏe của bệnh nhân…

- 3 em dân quân: Nghĩa, Sang, Tiến, phụ trách xịt khử khuẩn khi bệnh nhân đến và đi, thu gom rác, mở nước, phụ phát cơm cho bệnh nhân, nước uống, đồ dùng người nhà bệnh nhân gửi.

- 5 em y sinh: Hương, Giang, Trang, Được, Nghĩa, ngoài việc phụ đón bệnh, các em cũng làm công tác giống các dân quân như: phát cơm, nước uống, đồ dùng, thu gom rác...

- 4 Sơ, vì là người mới đến, nên mọi thứ đều rất xa lạ, chẳng quen người, chẳng biết mình sẽ làm gì… Nhưng chỉ ít phút sau, anh Thiện, người bên trung tâm y tế được trung tâm điều xuống khu cách ly mới để hướng dẫn cách làm việc, đã có mặt. Thế là, 4 Sơ đều nhận được những công việc cụ thể!

- Sơ Huyền Trâm (Sơ IT): phụ trách đánh máy báo cáo, nhập dữ liệu số người đến cách ly, bệnh nhân F0 có biểu hiện nặng để chuyển tới nơi khác điều trị;

- Sơ Mộng Điệp (Sơ Cơm): phụ trách cập nhật số liệu bệnh nhân để báo phần ăn gồm: cơm/ cháo tùy theo yêu cầu của bệnh nhân, nhận và phân chia khẩu phần ăn theo từng khu A, B, C;

- Sơ Hồng Huê (Sơ Kho): phụ trách kiểm tra số lượng và phân phát đồ dùng (chăn, gối, mùng, xà bông, khăn tay, chổi, cây lau nhà, bọc đựng rác…) cho bệnh nhân;

- Sơ Bạch Mai (Sơ Y tế): phụ trách thăm bệnh nhân mỗi ngày, cho thuốc uống nếu bệnh nhân có biểu hiện ho sốt nhẹ, nếu bệnh nhân trở nặng thì báo sếp trưởng để xem xét và lo thủ tục chuyển đi các bệnh viện.

Như thế, tuy công việc có khác nhau tí chút, nhưng tất cả đều hướng đến mục đích duy nhất là phục vụ bệnh nhân cách tốt nhất để họ mau chóng bình phục, về lại với cuộc sống bình thường.

  1. Khu cách ly, những lắng lo và sợ hãi

Tâm lý chung của mọi người là, khi được đưa đi cách ly tập trung, ai cũng hoang mang vì sợ rằng mình đang âm tính lại trở thành dương tính do lây nhiễm chéo, và nếu trở thành bệnh nhân F0, thì mình bị chuyển đi điều trị ở đâu? Đến khu cách ly, mình có phải trả tiền lệ phí không, mình có được chăm sóc tử tế, có được ăn uống đầy đủ không, có thuốc để uống không, người nhà có thể tiếp tế thêm không? Cứ thế, rất nhiều băn khoăn lo lắng ám ảnh, lởn vởn trong tâm trí người đi cách ly tập trung. Vậy ai sẽ là người giúp họ giải toả những nỗi lo, những thắc mắc ấy?

Mặt khác, trong bối cảnh đại dịch bùng phát, ai cũng cảm nhận được rằng các bệnh nhân (F0) cũng như những người đi cách ly (F1) họ rất cần sự trợ giúp, không chỉ về mặt vật chất, mà nhất là sự quan tâm, nâng đỡ về mặt tinh thần. Khi mà thuốc đặc trị covid chưa có, thì niềm tin tưởng, hy vọng, và sự lạc quan sẽ là liều thuốc giúp họ có sức để chống trả sự tấn công của con virus corona và hồi phục sức khỏe cách khả quan, và hiệu quả nhất.

Lúc đầu, khu cách ly Sư Phạm thực hành đón hơn 200 bệnh nhân kết quả test PCR hầu hết là dương tính, chỉ có 25 người âm tính, điều này có nghĩa, hầu hết là F0. Kết quả này khiến ai cũng cảm thấy lo sợ. Ngay như chính tôi, một tu sĩ thiện nguyện, cảm nhận rất rõ là mình có nguy cơ để trở thành F0 bất cứ lúc nào, khiến cho động lực muốn dấn thân trong tôi bị chùn lại. Và rồi, tôi tự hỏi mình: Nếu đã là tu sĩ thiện nguyện mà mình cũng sợ thì chuyến đi này của tôi là để làm gì: phải chăng chỉ để nhìn, để thấy, để biết, và để có vậy thôi sao? Không, tôi không thể làm hoen ố hình ảnh người tu sĩ sống lòng thương xót Chúa. Tôi có Chúa. Tôi không thể lùi bước, vì chính Chúa là tình yêu, là sức mạnh và Chúa sẽ giúp tôi chiến thắng tất cả. Tôi sẽ phục vụ các bệnh nhân dù trong những công việc bình thường nhất như: phân phát lương thực, thu dọn vệ sinh thì tôi cũng sẽ làm với tất cả tình yêu thương.

  1. Khu cách ly, tia nắng ấm của niềm vui

Vì sợ bệnh nhân bị lây nhiễm chéo, nên chúng tôi đã đưa ra quyết định là sẽ mang cơm đến từng phòng cho bệnh nhân. Tận dụng cơ hội này, chúng tôi thăm hỏi khích lệ tinh thần và hỏi xem bệnh nhân có cần hỗ trợ gì thêm không, chúng tôi sẽ cố gắng giúp. Khi nghe biết ở khu cách ly có các Sơ phục vụ, bệnh nhân thấy rất vui và an tâm. Nhiều câu hỏi thật thân tình, nhiều lời chia sẻ thật dễ thương:

- Sơ ơi, xin các Sơ cầu nguyện cho gia đình con mau khỏi bệnh để về lại nhà, nha Sơ.

- Sơ ơi, gia đình muốn gửi đồ vào có được không Sơ?

- Sơ ơi, bé nhà con không chịu ăn, con cho Sơ dắt bé đi theo Sơ luôn nè!

- Ừ, bé giỏi nha, giờ con ăn đi cho khỏe, rồi về còn đi chơi công viên! Con có muốn tô màu không? Sơ có giấy và màu vẽ, nếu con thích, ngày mai Sơ mang lên cho con nhá!

Nghe thấy Sơ nói cho màu các bé, các chị cũng chạy lại xin, vì cũng muốn tô màu nữa. vì ở trong khu cách ly, ngồi bấm điện thoại hoài, cũng chán quá rồi.

Thế rồi, nào là bút màu, giấy A4, hình tranh cát, sách chuyện tranh…, những món qùa tuy nhỏ, nhưng đã đem lại niềm vui lớn không chỉ cho các em bé mà ngay cả các chị lớn, cũng thấy rất vui, khi được trở về lại với ký ức tuổi thơ. Sự u uất, buồn bã, được thay thế bằng những tiếng cười giòn giã, những ánh mắt trong veo. Khu cách ly như có thêm nhiều tia nắng ấm áp dọi vào. Con xin tạ ơn Chúa.

  1. Khu cách ly, những nốt nhạc thăng trầm

Nhưng dù thế, khi làm việc tại khu cách ly, cung bậc cảm xúc thay đổi cũng thất thường lắm. Vào trưa ngày 12/8 các Sơ và các em TNV trong đội vẫn mang cơm đi phát cho bệnh nhân như thường lệ, nhưng hôm nay, cảm xúc dâng trào cách lạ thường, 2 dòng lệ cứ thế lăn dài trên gò má… vì sáng nay, có 20 bệnh nhân F0 ở đây được chuyển qua bệnh viện dã chiến để điều trị. Nhìn họ với dáng vẻ mệt mỏi, tay sách nách mang những đồ dùng cá nhân, ngồi chờ xe cứu thương để chở đến nơi chữa trị mới. Thấy thương họ làm sao! Không biết họ rồi sẽ ra sao, tâm lý có ổn định không, họ có được quan tâm chăm sóc chu đáo không?… Nhìn những cánh tay đưa lên chào tạm biệt, cám ơn các Sơ và các nhân viên phục vụ, thấy vui và ấm lòng quá.

Người cũ đi, người mới lại đến. Vào lúc 12 giờ trưa, có một nhóm mới đến gồm cả: người già, người trung niên, thiếu niên và trẻ em. Dịch bệnh hoành hành, mỗi gia đình mỗi cảnh.

- Vừa bước xuống xe, nhìn thấy khung cảnh khu cách ly, 1 chị khoảng trên 40 tuổi đã òa lên khóc! Anh Long, sếp trưởng khu cách ly, liền đến an ủi khích lệ tinh thần chị, rồi đưa gia đình vào phòng. Chỗ ở thì mới, người cũng lạ, chị lo lắng gọi điện báo về cho người thân… Đúng lúc đó, Sơ phát cơm đi đến hỏi thăm, khích lệ và sẵn sàng hỗ trợ. Chị như thấy an tâm hơn, vì gặp được Sơ ở khu cách ly!

- Rồi, một chú trung niên, bước xuống xe, không có bất cứ vật dụng gì bên mình, ngồi co ro ở phía hành lang. Hỏi ra mới biết, chú đang trên đường đi làm thì nhóm y tế gọi lại test nhanh, và có kết quả dương tính nên bị đưa đi cách ly ngay, chú không kịp chuẩn bị gì cả! Người nhà của chú thì cũng bị đưa đi cách ly, nên chú phải nhờ hàng xóm lấy đồ dùm, rồi gửi shiper mang đến đây giúp.

Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, từ khi đại dịch Covid bùng phát, lòng có đau nhưng vẫn có những tấm lòng đầy nghĩa tình. Thức ăn có thiếu, 2 người chia nhau 1 gói mì, 1 quả dưa leo cũng thấy ấm lòng. Ở khu cách ly Sư Phạm này, may mắn cũng nhận được nhiều quà hỗ trợ từ những ân nhân ở nhiều nơi. Khi thi thanh long, chôm chôm, bưởi, lúc thì dưa leo, củ đậu, và cả bánh tét, mì tôm, sữa… Ai nấy đều phấn khởi khi được tiếp tế thêm thực phẩm, nhưng lại càng vui hơn nữa, khi cảm nhận được tình người.

Bốn tuần phục vụ nơi khu cách ly, thời gian tuy không dài nhưng đã giúp tôi có những trải nghiệm rất thực khi được phục vụ bệnh nhân covid. Tôi đã cảm được lời của Thánh Phaolô: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15).

- Khóc khi nghe báo bệnh nhân X trở nặng, phải chuyển đi điều trị ở bệnh viện và đã qua đời.

- Khát khi thấy bệnh nhân chuyển đến khu cách ly mà 1 ngày qua chưa có gì ăn;

- Vui khi thấy nhiều bệnh nhân F0, sau 21 ngày cách ly, test PCR 2 lần âm tính, được trở về nhà, gương mặt phấn khởi với tờ giấy xác nhận âm tính trên tay.

5. Khu cách ly, tâm tình tri ân

Tạ ơn Chúa, mỗi sớm mai thức dậy, con vẫn được bàn tay Chúa gìn giữ chở che.

Tạ ơn Chúa, đã cho con sức khỏe để con yêu thương và hăng hái phục vụ.

Con xin cám ơn Bề Trên Tổng Quyền đã cho chúng con được đại diện cho Hội dòng cùng với các tu sĩ của Giáo phận Xuân lộc tham gia vào mặt trận phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn hết sức khó khăn này;

Con xin cám ơn quí Dì trong Hội dòng và cộng đoàn đã luôn đồng hành với chị em chúng con từng ngày qua lời cầu nguyện, và hy sinh trong thầm lặng;

Và, con cũng xin cám ơn Ba Má, cùng mọi người thân thương đã luôn ủng hộ, khích lệ tinh thần và cầu nguyện cho chúng con trong chuyến thiện nguyện vừa qua.

Nguyện xin Chúa thương ban ơn chữa lành, cho nạn dịch mau qua, để mọi người sớm được trở về với cuộc sống bình thường như trước đây.

Nguyện xin Chúa chúc lành và gìn giữ Hội dòng cùng gia đình con được bình an.

Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Mộng Điệp, OP