$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Sứ vụ
»

ĐẠI DỊCH COVID-19, NHỮNG TIẾNG NÓI…

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 285 | Cật nhập lần cuối: 11/16/2021 8:14:23 PM | RSS

ĐẠI DỊCH COVID-19, NHỮNG TIẾNG NÓI…

ĐẠI DỊCH COVID-19, NHỮNG TIẾNG NÓI…

Trong con người có nhiều tiếng nói: tiếng nói của thể xác: cơm- áo-gạo- tiền. Tiếng nói sâu thẳm bên trong: tình cảm của con người với con người, tình mẫu tử - phụ tử, người thân, tình yêu nam nữ,… Tiếng nói của trái tim thấu cảm: sự trao ban, lắng nghe, cảm thông, thấu hiểu,...

1. Tiếng nói của thể xác

Những ngày đầu mới lập khu cách ly, khẩu phần ăn dành nhân viên y tế, thiện nguyện viên và bệnh nhân đều giống nhau: Mỗi phần cơm có rất nhiều cơm, đủ để 1 thanh niên khỏe mạnh ăn no, còn thức ăn thì thay đổi thường xuyên, khi thì vài cọng rau xào, 1 chút thịt và 1 quả trứng; hôm thì miếng đậu hũ hoặc cá kho, còn canh giống như “rau bơi trong bể nước” thì ngày nào cũng có. Nói chung, trong tình cảnh thiếu thốn của mùa đại dịch, những bữa ăn như vậy đã là quí lắm rồi.

Reng, reng, reng…! Giờ ăn đã đến, lúc đó cái bụng kêu như biểu tình "Chị ơi! cho cái bao tử chị làm việc chút chứ nhỉ?". Như thường lệ, tôi liền mở hộp cơm, thì hôm nay, cỏ vẻ như có mùi là lạ… hình như cơm đã bị thiu!! Nhưng nếu không ăn, thì mình chẳng có gì khác để ăn cả! Thế là, tôi vẫn cứ tiếp tục ăn hộp cơm có mùi như bị thiu ấy. Và, điều này cũng xảy ra y chang với 6 Sơ thiện nguyện ở cùng nhau trong cùng một khu cách ly!

Tôi tưởng rằng, chỉ có phần cơm của chúng tôi thiu vì cơm để trong hộp quá lâu chăng. Cứ lệ thường, sau khi xe chuyên dụng chở cơm tới, chúng tôi mang cơm phát tận tay bệnh nhân, và còn dành thêm chút thời gian để hỏi thăm sức khỏe và hỏi thăm xem họ có cần gì không, để nếu có thể, chúng tôi cố gắng đáp ứng khả năng của mình. Làm xong việc này, sau đó chúng tôi mới dùng cơm. Nên nếu cơm chẳng may bị thiu, cũng là điều dễ hiểu! Nhưng không phải vậy, các bệnh nhân và các nhân viên y tế cũng đều ăn cơm thiu như vậy cả! Sau 1 thời gian phản ảnh, nhà cung cấp cơm cho các khu cách ly mới khắc phục được tình trạng này. Cuối cùng, nhu cầu cần thiết của thể xác đã được đáp ứng 1 ngày 3 bữa ăn.

2. Tiếng nói sâu thẳm bên trong

Những lần đi thăm bệnh nhân trong các khu cách ly, là bấy nhiêu lần nước mắt thay vì chảy trên gò má, thì lại chảy ngược vào tim.

Ai cũng biết rằng, một trong những triệu chứng của việc nhiễm covid-19 là bị mất vị giác, khiến bệnh nhân không muốn ăn. Trong trường hợp này, với kinh nghiệm nhiều năm làm giáo viên mần non nên các Sơ thiện nguyện dễ dàng khuyên bệnh nhân "cố ăn cho mau lại sức!".

- Có lần Sơ L nói với bà Lý trong khu cách ly trường Cao Đẳng Y Tế: “Bây giờ bà không ăn, chiều Sơ không vào chơi với bà nữa!”. Nghe Sơ nói dỗi, bà Lý liền cầm ngay hộp cơm, ăn một hơi, hết bay hộp cơm!

- Ông An nắm lấy tay Sơ H và nói: Cháu ơi! đây là địa chỉ nhà ông, cháu dẫn ông về với con với cháu của ông đi, ông nhớ con cháu ông lắm. Sơ H liền động viên ông: Ông cố ăn nhiều vào, khi nào ông mập lên 2 ký, cháu dẫn ông về ngay.

Vì mặc đồ bảo hộ nên trông ai cũng giống ai, do đó, có một số bệnh nhân gọi tôi là Bác sĩ: Bác sĩ ơi! tôi khó thở quá, cứu tôi với. Lúc này chúng tôi thấy mình yếu đuối và bất lực, chẳng biết làm gì hơn là rơi nước mắt và rơi nước mắt! Và nếu có làm được gì thì chỉ là đi tìm bác sỹ đến giúp, và cầu nguyện xin Chúa thương chữa lành họ thôi.

- Một cậu bé 15 tuổi gào hét lên: Sơ ơi cho con gặp mẹ, con chỉ muốn được ôm mẹ con thôi. Đây là một lời thỉnh cầu, đúng ra là rất bình thường và sẽ được đáp ứng cách dễ dàng. Nhưng trong trường hợp này, thì lại không đơn giản. Lý do là vì, đêm qua, mẹ cậu bé khó thở nên nhân viên y tế chuyển bà vào bệnh viện, và bà đã không qua khỏi! Vì bị nhiễm covid bà sẽ được đem đi hỏa táng liền sau đó. Tiếng kêu của cậu bé này như xé nát trái tim tôi, tôi thấy mình bất lực thật sự. Trong nước mắt, tôi chỉ biết bám chặt vào cây Thánh Giá, xin Chúa xoa dịu vết thương trong lòng cậu bé.

Ngoài ra, có những em bé khi được những người xung quanh nói cho biết là bố/mẹ của các em đã mất vì covid, nhưng vì quá nhỏ để hiểu “đã mất” nghĩa là gì, quá trẻ để hiểu mình từ nay không cha không mẹ sẽ như thế nào, nên các em vẫn cứ cười vui bên các Sơ, vẫn cứ thích thú vì có hộp sữa và cái bánh...

3. Tiếng nói của những con tim thấu cảm

Vì giao thông bị hạn chế để tránh lây lan dịch bệnh, nên những người làm nông không bán được nông sản, đành phải đổ đi hoặc mang cho gia súc ăn. Trong khi đó, tại các thành phố, thì lương thực khan hiếm, nên phải ăn dè ăn xẻn, thiếu trước hụt sau. Nhưng ngay giữa bức tranh màu xám này, những tia sáng đã loé lên, và tiếng nói của những con tim đồng cảm đồng loạt vang lên.

Khi nghe Cha xứ thông báo, giáo dân của các giáo xứ được gọi là “vùng xanh” (vùng không có người bị nhiễm covid): người mang chuối, người mang rau, ông mang mấy quả đu đủ, bà mang một túm gạo, một số người gom lại, mang 1 con heo, cứ thế... chất đầy lên xe bán tải của một giáo dân trong giáo xứ. Và rồi, ông Chánh và bác tài xế bon bon trên chiếc xe bán tải thẳng tiến đến giáo xứ thuộc “vùng đỏ” (vùng có nhiều người bị nhiễm covid) để tiếp tế lương thực.

Vì là “vùng đỏ”, bị phong toả, nên chẳng thể mua bán, lương thực trong nhà cạn kiệt dần, người dân chỉ biết mong ngóng đợi chờ, và ánh mắt bừng sáng khi hàng viện trợ đến. Bắt gặp những ánh mắt rạng rỡ ấy, các giáo xứ thuộc các vùng xanh, có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, ai nấy đua nhau làm việc tông đồ. Có nhiều giáo dân trong giáo phận Xuân Lộc đã nói lên cảm nghĩ của mình: Tôi hãnh diện là người công giáo trong đại dịch này.

Không những thế, các chuyến xe viện trợ còn tiến vào các khu cách ly bệnh nhân covid. Bình thường, chẳng ai muốn vào những khu này, vì sợ bị nhiễm bệnh, nhưng những chuyến xe viện trợ của các giáo xứ thường xuyên xuất hiện. Trên xe không chỉ có rau, trái cây, mà còn có sữa cho em bé, tã cho ông bà già và bệnh nhân trở nặng, mì gói, cháo gói, Vitamin C-D, thuốc ho, sốt đủ loại... và có cả bình siêu tốc để giúp bệnh nhân đun nước sôi để uống, để pha mì gói và còn để xông nữa…

Con tim đồng cảm không chỉ dừng ở đó, các Linh mục, các Thầy, các Nữ tu, các Ni - Tăng các thiện nguyện viên Công giáo, dù biết rằng nguy cơ lây bệnh rất cao nhưng vẫn sẵn sàng đi tới các khu cách ly để làm mọi việc, miễn là có thể giúp đỡ các bệnh nhân, bao nhiêu có thể: quét nhà, quét sân, dọn nhà vệ sinh, cắt tóc, đút cơm, lau người, mang cơm và các nhu yếu phẩm...., rồi cũng có khi là người dỗ dành bệnh nhân lớn tuổi; xoa dịu sự lo lắng hoang mang của các bệnh nhân đang gặp khủng hoảng; an ủi những người đang gặp mất mát chia ly; chăm sóc những trẻ em không còn cha, mẹ.....

Cho dù, cả thế giới đang phải vật lộn với đại dịch covid-19, tiếng nói của thể xác với nhu cầu về thức ăn, nước uống có bị thiếu hụt; tiếng nói bên trong với sự mất đi người thân yêu có bị đe dọa, thì tiếng nói của những con tim đồng cảm vẫn cứ vang lên ngày càng xa, càng rộng, và vì thế, những tia hy vọng vẫn lấp lánh, những nụ cười vẫn nở trên môi, những bàn tay vẫn tiếp tục đưa ra để xoa dịu nỗi đau của đồng loại, và nhất là để phác hoạ chân dung nhân hậu, giàu lòng thương xót của Thiên Chúa…

Nhóm Thiện Nguyện Viên Covid-19, 9/2021