$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Sứ vụ
»

CHÚT TÂM TÌNH, TỪ CHUYẾN THIỆN NGUYỆN

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 266 | Cật nhập lần cuối: 11/11/2021 8:47:51 AM | RSS

CHÚT TÂM TÌNH, TỪ CHUYẾN THIỆN NGUYỆN

CHÚT TÂM TÌNH, TỪ CHUYẾN THIỆN NGUYỆN

Sau khi trở về với cuộc sống bình thường, những cảm nghiệm của 14 ngày thiện nguyện như đã trở thành ký ức, nhưng lại vẫn còn nguyên nét sống động, tươi mới…

  1. Trước chuyến đi

Em đã từng làm thiện nguyện cho việc đo thính lực, dạy can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính tại những vùng quê nghèo xa xôi, nhưng chuyến thiện nguyện này khác hẳn những lần trước, em có cảm tưởng như nó mang tính định mệnh vậy. Do đó, trước khi đi, em đã viết những lời tự sự và xem đó như là những lời cuối cùng của đời mình:

Giêsu ơi! Thúy đi tình nguyện chống dịch đây! Thúy chỉ có tình yêu và lòng nhiệt thành là hành trang lên đường thôi đó! Mọi thứ còn lại là Bạn lo đó nha! Love You!

À quên nữa, Giêsu này… phòng Thúy còn bừa bộn, bê bối lắm, mà phòng Thúy có gọn gàng bao giờ đâu nhỉ!?Chuyến đi này Thúy không biết mình có quay trở lại căn phòng này nữa không??? Bạn hãy trông coi nó cho Thúy nha! Để sau này có ai đến ở cũng cảm thấy ấm áp và bình an như Thúy vậy.

Thúy sẽ đặt “điểm hẹn” mỗi ngày vào trong tim và mang nó theo trên mọi nẻo đường…

Để mảnh giấy trên bàn, mang balô và lên đường. Nghĩ rằng, nếu mình ra đi và không trở về, thì “bí mật” này mới được lộ ra, nhưng bây giờ, mình đã trở về, và được yêu cầu viết lại. Biết viết gì bây giờ? Điều tư riêng mà viết ra thì mất linh! Nhưng thôi, vâng lời trọng hơn của lễ, nghĩ vậy nên một lần nữa, mình lại… đi thiện nguyện qua “nét bút” vậy.

  1. Tính chất công việc trong chuyến đi

Vì là người lớn tuổi nhất trong nhóm thiện nguyện, nên bắt đắc dĩ em phải lãnh trách nhiệm làm Trưởng nhóm, để phụ với các bác trong Trung tâm y tế Biên Hòa điều phối nhân sự cho nhiều mảng khác nhau của công việc.

Ba ngày đầu tiên là ba ngày kinh khủng nhất, vì không biết việc, không biết người, không giờ giấc, và cũng không biết ứng xử ra sao trong các tình huống của chị em.

- Chị ơi, hôm nay em làm gì?

- Chị ơi, hôm nay mấy giờ đi?

- Chị ơi, có cơm chưa?

- Sao chờ lâu quá vậy chị?... Chị liên lạc hỏi xem chứ, trưởng nhóm mà không biết gì vậy!…

- Chị ơi, đi tình nguyện mà cứ ngồi chờ thời thế này à? Em mệt quá!...

Còn chị Trưởng chỉ biết dí dỏm trả lời: Thôi ngồi đó cảm nghiệm tâm trạng của người thợ mà không được chủ gọi vào làm đi em! Từ từ, tới giờ thứ 11, Chúa gọi rồi em cũng được trả 1 đồng bằng nhau thôi hén! Hoặc: Em đọc kinh cầu nguyện cho Covid mau chấm dứt đi, cho đỡ chán!

Sang ngày thứ tư, mọi thứ bắt đầu đi vào nề nếp. Lúc này, thì âm thanh réo gọi đầy câu hỏi, được thay đổi bằng lời yêu cầu:

- Sơ ơi, cho em 2 người theo đội Cúc đi lấy mẫu ở phường A,B,C,…

- Sơ ơi, cho em 4 người theo Thy lấy mẫu ở khu cách ly A,B,C,…

- Sơ ơi, chuẩn bị 4 Sơ đi khu cách ly D ngay chiều nay nha,…

Lượng công việc tăng lên, nhân sự thì thưa dần. Nhờ vào những réo gọi quen thuộc ấy mà em cảm được những khổ nhọc của từng công việc mà các thiện nguyện viên hàng ngày góp công góp sức vào.

Khi công việc đã đi vào ổn định thì ngày kết thúc của đợt 1 thiện nguyện cũng tới. Mọi thứ được dừng lại ở đây đối với em vào ngày 15/ 8/ 2021. Lúc này em hiểu phần nào bài học Vâng phục mà Đức Giêsu đã trả một giá quá đắt để hoàn tất cộng cuộc cứu độ nhân loại là như thế nào!

Công việc cụ thể trong quá trình tham gia chống dịch được chia ra các đội chính:

1. Đội chăm sóc bệnh nhân:

Đội này được tham gia ngay ngày đầu tiên, ngày 27 /7/ 2021. Có 17 Sơ đi vào các 7 khu cách ly, trong số đó có Sơ Phương Thúy, Sơ Phan Thuận, Sơ Trần Hương, Sơ Thủy Hằng vào chăm sóc bệnh nhân tại khu cách ly trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai, nơi đây trở thành bệnh viện dã chiến đầu tiên dành cho bệnh nhân Covid có triệu chứng nặng đến điều trị và có lẽ đông bệnh nhân nhất trong các khu cách ly. Ngày 31/ 7/ 2021 bổ xung thêm Sơ Lựu vào để giúp, đến ngày 03/ 8/ 2021 tăng cường thêm Sơ Yến Nhi nữa, cùng ngày 31/ 7/ 2021 Sơ Huê và Sơ Điệp được cử vào khu cách ly mới tại trường Mầm non Thực hành Sư phạm, Bình Đa, và mở thêm nhiều khu cách ly khác nữa và các Sơ lần lượt được cắt đến để chăm sóc cho bệnh nhân. Điều đó cho thấy ca nhiễm mỗi ngày một tăng nhanh. Tại nơi đây, các chị tránh xa những thị phi, những huyên náo bên ngoài của cuộc sống, hằng ngày với bộ bảo hộ nóng nực, các chị âm thầm phục vụ một cách kiên cường, các chị được tiếp cận với những bệnh nhân F0 bị cô lập, cô độc, cô đơn vì không có người thân bên cạnh. Chính sự hiện diện của quý chị giúp cho những bệnh nhân nhận ra dung mạo của một Thiên Chúa đầy lòng xót thương.

Cảm ơn các chị đã giúp em học được bài học vui tươi, khiêm tốn, nhiệt huyết và đầy tình thương trong phục vụ.

CHÚT TÂM TÌNH, TỪ CHUYẾN THIỆN NGUYỆN

2. Đội lấy mẫu: (biệt danh là: thượng lộ bằng xe, hạ lộ dùng que)

Đội này không ở yên một chỗ như đội chăm sóc bệnh nhân mà đi tứ lung tung, với việc chính là đi lấy mẫu ở các khu cách ly, ở các phường trong Thành phố Biên Hòa. Người trưởng đội dẫn quân xuất sắc là Sơ Mỹ Lệ; người có chuyên môn dùng que chọc mũi giỏi nhất phải nói đến Sơ Oanh. Công việc của đội này giờ giấc không ổn định và thường xuyên đội nắng đội mưa đi đến các nơi truy vết để kịp thời tách F0 ra khỏi cộng đồng, nhằm ngăn chặn dịch bệnh càng sớm càng tốt. Thế nhưng, các chị em luôn ở trong những thách thức trước sự ơ hờ, không hợp tác của người dân, của chính quyền địa phương,… Vì vậy, đòi hỏi chị em phải hết sức kiên nhẫn, nhẹ nhàng giải thích để khuyến khích sự cộng tác của họ. Bên cạnh đó, các chị cũng phải hết sức tháo vát và nhanh nhẹn trong công việc vì không chỉ làm một chỗ mà phải di chuyển hết nơi này đến nơi khác, khi xong việc về đến Trung tâm y tế còn phải nộp mẫu cho Khoa xét nghiệm, kiểm mẫu xong mới được về, rất vất vả.

Em cảm ơn các chị đã cho em một bài học về sự kiên trì, dốc hết sức lực để cống hiến cho công việc.

3. Đội nhập dữ liệu:

Việc của đội này là nhập tất cả những danh sách mà Đội lấy mẫu đem về, rồi chuyển xuống Khoa Xét Nghiệm để họ gửi qua bệnh viện. Tại bệnh viện, khi có đủ các dữ liệu cùng với mẫu test thì các chuyên viên mới chạy mẫu cho ra kết quả đúng với người được lấy mẫu để biết được ai âm tính, ai dương tính, và họ thuộc địa bàn nào? Sau đó, báo kết quả về Trung tâm y tế hoặc địa phương của bệnh nhân F0, để tách họ ra khỏi cộng đồng, nhằm tránh việc lây nhiễm.

Những ngày đầu mới vào, công việc này thật vất vả vì đã có một chồng danh sách cao ngút mà trước đó chưa được nhập vào máy. Đội phải làm việc theo ca để có người nhập liệu 24/24, nên, vào ban đêm, mắt đã mỏi mà có nhiều danh sách viết tay không thể đọc được chính xác họ, tên nên phải hỏi nhau và cùng nhau đoán đại và nhập vào thôi!

Nhân sự của đội ban đầu đông nhất là 24 người, về sau rút từ từ, con số còn lại là 12 người được chia thành 2 ca: từ 8h00-14h00, và từ 18h00 - 22h00, nhờ đó, chị em có thêm giờ để nghi ngơi.

Công việc tưởng chừng như nhàn hạ nhất, vì chỉ ngồi trong phòng với cái máy tính, nhưng thực tế lại không phải vậy! Để có kết quả Test nhanh hay chậm là tùy vào mức độ làm việc của đội này. Nhiều khi phòng xét nghiệm gọi:

- Sơ ơi nhập gấp cho em danh sách ở khu cách ly A, vì cần kết quả ngay!

- Sơ ơi nhập ngay cho em danh sách tại khu phong tỏa ở phường C vì phải gửi mẫu đi gấp, …

cho nên công việc cũng rất áp lực và căng thẳng.

4. Đội xét nghiệm:

Là đội thường xuyên đi sớm về muộn, đi sớm để soạn những dụng cụ cần và đủ cho tất cả các đội lấy mẫu như: mẫu test nhanh, test PCR, đồ bảo hộ, giấy viết, găng tay, cồn bình xịt khuẩn, … về muộn, vì chỉ ra về sau hoàn tất việc kiểm đồ mang về hôm nay, và chuẩn bị đồ mang đi cho ngày mai.

Vào buổi sáng, khu vực của đội này rất tất bật, nhộn nhịp, y như là cái chợ quê vậy! Chẳng hạn như:

- Chị ơi cho đội em xin 500 que và 200 môi trường (test PCR),

- Chị ơi đội em cần 15 bộ bảo hộ, 2 hộp găng tay, 5 bình xịt, …

- Chị ơi…;

Cứ thế, các đội đều vào và hô như vậy! Những âm thanh này một đàng tạo áp lực cho đôi tai, nhưng đàng khác, cũng tạo bầu khí rộn ràng, đông vui.

Buổi chiều, bầu khí tĩnh tặng hơn, vì từ từ, các đội lần lượt trở về, sau một ngày dong duổi, với dáng vẻ ể oải mệt mỏi, ngồi thừ ra chờ vào nộp mẫu. Đội xét nghiệm nhận những vật dụng còn lại, kiểm tra và xếp lại vào đúng vị trí của từng loại, rồi lại soạn theo đơn yêu cầu của các đội, chuẩn bị cho công việc của ngày hôm sau. Do đó, đội này phải chờ cho đến khi các đội lấy mẫu về hết, rồi hoàn tất việc kiểm đồ sau đó mới lủi thủi đi về.

Ngoài ra, mỗi ngày người trong đội còn phải theo xe cứu thương đưa mẫu qua bệnh viện. Tại đây, việc khó nhất đó là phải xếp mẫu vào khay đúng tên, đúng danh sách. Nhưng nhóm chỉ có 3 người, 1 Sơ và 2 nhân viên y tế mà phải sắp xếp mấy ngàn mẫu; đi theo xe đi từ 15h00 đến 20h00 mới về lại TTYT, rồi tiếp tục ngồi chờ xe để đưa về nhà lưu trú thánh Gioan. Tuy gian nan là thế, nhưng lòng vẫn tràn ngập niềm vui, vì một ngày trôi qua thật hữu ích.

Khi tham gia thiện nguyện em mới hiểu được những vất vả cực nhọc trong việc phòng chống dịch covid-19 là như thế nào, để rồi, hằng đêm em dâng lên Chúa lời cầu nguyện thiết tha về những hì rất thiết thực mà em từng chứng kiến trong mỗi ngày sống.

5. Đội tiêm chủng:

Là đội sinh sau đẻ muộn, vì được khai sinh khi Thành phố phát động phong trào tiêm vacxin cho người dân. Công việc chính của đội là hướng dẫn người dân khai báo y tế, đo huyết áp, theo dõi sau tiêm. Ngoài ra, còn phải cắt bông và xếp gạc y tế; xếp tờ khai báo y tế,… để chuẩn bị cho việc tiêm chủng. Vì lượng người đến tiêm rất đông, đội phải làm việc quần quật với tư thế đứng từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều tối.

6. Đội hậu cần:

Là đội ra đời đầu tiên, vì “không có thực sao vật lộn được với covid!” nên hai chị nhà mình rất vất vả với việc lo cơm ngon ba bữa cho mọi người, rồi thu dọn rác, lau nhà,…

Ấn tượng nhất là nụ cười luôn nở trên môi kèm theo cái chìa khóa, khi bất cứ lúc nào có người về mà gọi: Sơ Linh ơi, mở cửa cho chúng em vào với, tức thì Sơ Linh ì ục ra chào đón mọi người rất vui vẻ. Chẳng khi nào thấy Sơ lộ vẻ khó chịu hay mệt mỏi, dù đó là 10h00, 12h00 hay 22h00; Ngoài ra: Sơ Linh ơi, chuẩn bị đồ cho 4 Sơ chiều nay đi khi cách ly nhé! Sơ vui vẻ nhận lời một cách rất nhiệt tình, nhanh nhẹn.

Còn Sơ Vân, ngoài việc phụ Sơ Linh, còm kiêm luôn việc in ấn những bài đáp trong thánh lễ mỗi sáng từ ngày đầu, cho đến khi Sơ trở về cộng đoàn rồi, vẫn còn bị réo, Sơ Vân ơi, giúp chị in thêm từ tuần XXX cho đến hết mùa phụng vụ luôn nha – Sơ Vân mau mắn nhận lời và sẵn sàng giúp. Thế đấy, dù đã hoàn thành chuyến thiện nguyện của mình rồi, nhưng tinh thần thiện nguyện vẫn còn mãi trong lòng mỗi người.

Mỗi công việc đều là một mảnh ghép vừa vặn và tuyệt vời nhất trong bức tranh thiện nguyện, nó mang một giá trị cao đẹp cho Giáo hội, xã hội, Hội dòng và chính bản thân em.

  1. Cảm nghiệm sau hai tuần thiện nguyện:

Ngồi ngẫm lại mới thấy rằng: Trước ngày lên đường, trong nghi thức sai đi, Hội dòng không trao cho em Văn thư Sứ vụ mà lại trao cho em bức Tâm thư của Bề trên Tổng quyền và 10 viên chocolate. Đêm hôm đó, em trằn trọc, trăn trở, và trân trọng những gì mình đã lãnh nhận.

Khi bước vào cuộc chiến, những gì em hình dung trong đầu rất khác với thực tế mà em đang chạm phải. Do đó, trước hết, em học được điều quan trọng là, giống như Đức Maria “Thưa Vâng” khi Sứ Thần truyền tin, em cũng phải tập để thay đổi quan điểm và kế hoạch đã được định sẵn. Thứ đến, đó là sự thích nghi. Thích nghi với những người mới quen, với những công việc hoàn toàn xa lạ, với chỗ ở, với nếp sinh hoạt, và giờ giấc bị xáo trộn dù đó là giờ làm việc, giờ ăn uống, giờ nghỉ ngơi, giờ đọc kinh,... Thích nghi với thái độ vui tươi và sẵn sàng phục vụ vì TÌNH YÊU ĐỨC KITÔ THÚC BÁCH TÔI.

Tiếp theo là chấp nhận nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Một cách cụ thể, đó là chấp nhận lội ngược dòng, ra khỏi những yên ổn thường nhật nơi căn phòng trong tu viện; chấp nhận lui vào bóng tối để Chúa được lớn lên như thánh Gioan Tẩy Giả; chấp nhận rủi ro, ngay cả đó là cái chết cô đơn, không người đưa tiễn khi chỉ có thân một mình trên chiếc xe cứu thương…

Cuối cùng, để mạnh mẽ bước vào trận chiến không cân sức này, em luôn tâm niệm đều Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ: "CÁC CON HÃY CHO HỌ ĂN". Vâng, em chỉ có những mẩu bánh nhỏ, nhưng em xin trao vào tay Chúa, để nhờ đó, hàng ngàn người không bị đói lả dọc đường. Trong việc thiện nguyện này cũng vậy, em chỉ góp vào tay Chúa chút sức lực ít ỏi, chút khả năng kém cỏi, chút nhiệt huyết pha lẫn với lo lắng, sợ hãi và cả mệt mỏi,... nhưng em tin rằng, Chúa sẽ có cách nhân rộng những “ít ỏi” này, để giúp nhiều bệnh nhân F0 cảm nhận được Lòng Thương Xót của Chúa qua ánh mắt biết cười, qua đôi tay biết nói, qua đôi chân sẵn sàng tiếp bước, qua trái tim nghị lực quả cảm, và qua tấm lòng khiêm tốn, đơn sơ chân thành của em.

  1. Lời kết

Qua chuyến thiện nguyện ngắn ngủi này, một lần nữa em ngộ ra rằng, trong bất cứ cảnh huống nào trong cuộc sống, Chúa đều có một kế hoạch tốt nhất cho bản thân em để đem lại ích lợi cho tha nhân. Điều này rất rõ khi Hội dòng có ca nhiễm, thì lập tức các chị em trong đội thiện nguyện rất sẵn sàng trở về để phục vụ chị em. Cùng chung chia nỗi lo của Mẹ Hội dòng, mỗi chị em thiện nguyện đi vào vị trí công việc rất nhanh nhẹn, phù hợp và hiệu quả. Em cảm nhận được một cái gì đó rất kỳ diệu rất khó có thể diễn tả bằng lời! Và như có một thanh âm rất to, rất rõ, rất mạnh vang lên trong trái tim em rằng: “Khó khăn ơi, mình có một Thiên Chúa thật vĩ đại!”.

Con xin: Tạ ơn Chúa. Tri ân Hội dòng. Cảm ơn mọi chị em đã giúp sức cho con vững bước vượt qua những khoảnh khắc đầy khó khăn của cuộc chiến chống lại dịch bệnh, con tin rằng, những khoảnh khắc ấy đã để lại bao dấu ấn yêu thương trong lòng những người con gặp gỡ. Amen

Nt. Matta Phaolo Bùi Thị Thanh Thúy, O.P