CHÚT GÌ ĐỌNG LẠI

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 140 | Cật nhập lần cuối: 10/10/2022 3:26:02 PM | RSS

CHÚT GÌ ĐỌNG LẠI

Các em Học viện thân mến,

Chút gì đọng lại trong bạn và tôi khi đi qua cuộc đời đầy giông bão này? Theo lẽ tự nhiên, những tàn tích sau một cơn bão, một cơn lũ hay một trận động đất... là sự đổ vỡ hoang tàn, sau trận đại hồng thủy là sự mất mát… Thế nhưng, trong niềm tin vào sự sống mới của Đức Kitô Phục sinh đã được gieo mầm trong chính mỗi tâm hồn chúng ta, để rồi hôm nay đây giữa cơn đại dịch Covid-19, khi con người đang hoang mang, lo sợ vì số người nhiễm bệnh và tử vong mỗi ngày vẫn gia tăng cách chóng mặt trên toàn cầu, thì chúng ta vẫn không mất niềm hy vọng! Bởi vì, chính “khi cảm thấy bị đuối sức, chúng ta vẫn luôn có thể bám chặt lấy sự cầu nguyện như chiếc mỏ neo đưa chúng ta về lại với vòng tay Thiên Chúa là nguồn bình an của ta. ‘Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu’ (Pl 4,6-7)” (ĐTC Phanxicô, Gaudete et Exsultate 114).

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần tìm kiếm thánh ý Chúa muốn nói gì với bạn và tôi qua trận dịch này. Trở về căn phòng nội tâm trong cô tịch và làm một cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa để được Ngài dạy bảo, chúng ta sẽ khám phá ra muôn vàn điều mới mẻ Chúa nói trong sâu thẳm trái tim rằng: trước hết và trên hết, Ngài vẫn có đó, đang hiện diện bên bạn và tôi, một sự hiện diện dưới muôn ngàn dáng vẻ, rất năng động vì Chúa đã Phục sinh. Do đó, chúng ta không nao núng, nhưng hoàn toàn tín thác vào Chúa - người Cha giàu lòng thương xót luôn yêu thương con cái mình. Yêu không nuông chiều, nhưng để ta được lớn lên, lớn lên trong kinh nghiệm với Chúa, lớn lên giữa sóng gió, khắc nghiệt, giữa đau thương khổ giá từ những trải nghiệm cuộc đời. Con đường ấy Đức Giêsu đã đi trước và Ngài đã đi đến cùng, đã hoàn tất tốt đẹp.

Chúng ta thổn thức trước nỗi đau của anh chị em đang vật lộn với cơn bệnh, cả bác sĩ lẫn bệnh nhân; những người nghèo không chết vì bệnh nhưng chết vì đói ăn… những bức tranh cuộc đời tưởng chừng đầy màu tối của bệnh tình, của ích kỷ, thì trên đó vẫn sáng lên những gam màu hy vọng của tình yêu, của những tấm lòng quảng đại hiến thân hết mình cho những người đau bệnh và đói khổ: sự tận tâm tận tình phục vụ của các bác sĩ và nhân viên y tế, sự chia sẻ tình người qua sáng kiến cây gạo ATM, siêu thị 0 đồng, những điểm phân phát nhu yếu phẩm… và đặc biệt là sự hy sinh cao quý của các vị mục tử (linh mục, tu sĩ…) đã nhiễm bệnh vì sứ vụ.

Bạn và tôi, chúng ta ở đâu, làm gì, học được điều gì khi đối diện với cơn đại dịch? Người tu sĩ đích thực sẽ không bao giờ buồn chán ngay khi đối mặt với những đau thương, thách thức vì niềm hy vọng và sự hiện diện của Thiên Chúa là bí quyết của niềm vui và bình an của chúng ta. Thiên Chúa vẫn đang hành động ngang qua cuộc sống sinh hoa trái tốt lành của bao người.

Ở đâu có tình yêu, ở đó có sự hiện diện của Thiên Chúa. Câu hỏi làm băn khoăn bao người vẫn là sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúa ở đâu khi con cái Ngài đang đau khổ? Ngài chẳng ở đâu xa nhưng là trong chính tâm hồn chúng ta. Chúng ta tự hỏi mình đã để cho tình yêu, cho Lời của Ngài lên tiếng trong cuộc đời mình hay chưa? Chúng ta đã để cho lối sống của mình đượm chất Tin Mừng hay cũng chỉ chấp nhận sống hời hợt và nhàn nhạt. Chỉ khi nào tôi nhận ra mình đã được lãnh nhận quá nhiều từ Thiên Chúa, Đấng tôi yêu mến với lòng tri ân, tôi mới trở thành khí cụ tình yêu biết cho đi, dám trao tặng bản thân, rộng mở đến mọi người.

Sống có tình và làm việc có tâm, làm mọi việc như thể làm cho Chúa, như người đầy tớ tín trung. Yêu mến Chúa, sống tình liên đới với anh chị em trong yêu thương là điều mà Chúa tha thiết gọi mời chúng ta thực thi trong thời đại hôm nay, có như vậy trái tim chúng ta sẽ cùng chung một nhịp đập với Chúa, và mở ra một mối giao cảm thâm sâu với Ngài. Ước mong thay!

Nữ tu Teresa Nguyễn Thị Quỳnh Giao

Nữ tu Cecilia Phạm Thị Trang

Phụ trách Học viện