CHA MẸ VÀ QUYỀN RIÊNG TƯ CỦA THANH THIẾU NIÊN
CHA MẸ VÀ QUYỀN RIÊNG TƯ CỦA THANH THIẾU NIÊN
Marybeth Hicks
Thắc mắc: Điện thoại di động của đứa con gái tuổi teen của tôi rung lên khi cháu vừa ra khỏi phòng. Thấy vậy, tôi liền cầm máy lên xem ai đang nhắn tin cho cháu. Với cảm giác bối rối trước dòng tin nhắn hiện ra trên màn hình, tôi đã đọc toàn bộ nội dung tin nhắn ấy. Và rồi, những gì tôi khám phá ra thực sự khiến tôi hết sức lo lắng. Sau đó, tôi có nói chuyện với cháu về điều này, cháu đã lật ngược tình thế và nói rằng tôi đã xâm phạm quyền riêng tư của cháu. Thật sự, vấn đề tôi phát hiện ra rất quan trọng và tôi không muốn bỏ qua, nói đúng hơn, là tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội để hướng dẫn hành vi của cháu. Nhưng hiện giờ, tôi và cháu chỉ tranh cãi về quyền riêng tư với điểm mấu chốt là: Liệu tôi đã tin tưởng cháu đủ chưa, và tôi nên cho phép con gái mình có bao nhiêu quyền riêng tư?
Trả lời. Điều quan trọng cần xác định ngay từ đầu đó là: Bất kể sự khẳng định ngược lại của trẻ, thì trẻ em không được hưởng quyền riêng tư giống như người lớn, và mức độ riêng tư mà bạn cho phép còn tùy thuộc vào từng đứa trẻ. Nếu trẻ đã tạo được sự tin tưởng, thì nói chung, bạn có thể duy trì cách tiếp cận “không can thiệp” vào việc sử dụng công nghệ và phương tiện truyền thông của chúng. Tuy nhiên, quyền riêng tư không bao giờ được phép lấn át mối lo ngại của bạn về bất kỳ vấn đề nào mà bạn cảm thấy cần sự quan tâm của bậc cha mẹ.
Điều đó nói lên rằng, nguyên tắc chung trong thời đại kỹ thuật số là: Không có cái gọi là quyền riêng tư hoàn toàn.
Đúng thực là tin nhắn đó không dành cho bạn. Nhưng không có gì ngăn cản con gái bạn hoặc bạn của cháu chụp ảnh màn hình và chuyển tiếp tin nhắn đó cho người khác. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là trẻ em phải hiểu rằng công nghệ có thể bị thao túng bởi ai đó muốn xâm phạm quyền riêng tư như mong đợi của chúng.
Nếu bạn đọc đoạn tin nhắn trao đổi với bạn của cháu là bởi vì bạn đã hồ nghi rằng có điều gì đó có thể đã xảy ra, bạn hãy nói như vậy với cháu và nhắc nhở cháu rằng: Bạn có quyền tìm kiếm thông tin khi bạn tin rằng con bé có thể đang che giấu điều gì đó có thể gây nguy hiểm cho cháu hoặc người khác (chẳng hạn như liên quan đến tình dục, sử dụng ma túy, bao che cho người khác, v.v.). Điều này có nghĩa là bạn có thể đọc tin nhắn, xem các trang mạng xã hội, và kiểm tra danh bạ điện thoại của cháu.
Nếu vì vô tình hoặc vì tò mò bạn đọc được tin nhắn của cháu, bạn cũng hãy cho cháu biết rằng bạn không cố ý rình mò mà chỉ vì bạn lo lắng cho cháu, và hiện tại thì đúng là như vậy. Ý nghĩ thoáng qua của bạn về tình bạn của cháu đã nêu ra một vấn đề mà bạn không thể bỏ qua, ngay cả khi cách bạn biết được điều đó khiến cháu cảm thấy khó chịu.
Việc đẩy cha mẹ vào chân tường với cảm xúc bộc phát “Ba/ mẹ không tin tưởng con!” là một kỹ thuật lâu đời nhằm làm chệch hướng người lớn vốn được nhiều thế hệ thanh thiếu niên sử dụng. Bạn đừng để mình bị mắc bẫy! Do đó, khi trẻ đưa ra lời buộc tội này, bạn có thể trả lời rằng: “Tất nhiên là ba/ mẹ tin tưởng con! Ba/ mẹ tin rằng con là một thiếu niên và con sẽ mắc sai lầm, và con cần sự dìu dắt và hướng dẫn của ba/ mẹ để trưởng thành hơn theo cách thế mà Thiên Chúa muốn”.
Tình tiết này là một lời nhắc nhở quan trọng rằng các bậc cha mẹ cần cảnh giác, nhất là khi chúng ta trao cho con mình những phương tiện để có được sự tự do lớn hơn qua việc sử dụng điện thoại thông minh. Tự do là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển trách nhiệm, nhưng nó cũng là con đường đưa đến những lựa chọn sai lầm, thậm chí rủi ro.
Điều mà con gái bạn gọi là xâm phạm quyền riêng tư của cháu, thì tôi sẽ gọi là việc nuôi dạy con cái, mặc dù các chuyên gia nuôi dạy con tiến bộ có thể không đồng ý với tôi. Một số người nói rằng thanh thiếu niên xứng đáng có được quyền riêng tư và sự tôn trọng giống như của người lớn. Nhưng tôi lại cho rằng rủi ro của việc tôn trọng quyền riêng tư của thanh thiếu niên còn lớn hơn nguy cơ làm tổn thương sự tự cao của trẻ khi bậc cha mẹ can thiệp vào cuộc sống của chúng.
Vấn đề cốt lõi là khuyến khích một mối tương quan trong đó trẻ nhận ra rằng chúng có thể nói chuyện với cha mẹ về bất cứ điều gì, dù là những điều khó khăn, khó nói nhất. Khi phản ứng với những thông tin đáng lo ngại của trẻ một cách bình tĩnh và thể hiện sự trưởng thành mà bạn muốn con mình noi theo, bạn đã tạo ra một môi trường của sự minh bạch và tin tưởng.
Niềm tin có được và được đền đáp bằng sự tự do, trách nhiệm và quyền riêng tư. Nhưng đó không phải là một quyền trọn vẹn cho đến khi thanh thiếu niên trở thành một người trưởng thành và sống tự lập.
***
Thanh thiếu niên là độ tuổi đang trong tiến trình phát triển, xác định căn tính, vị thế của mình trong các mối tương quan vì vậy bậc cha mẹ cần đồng hành, nâng đỡ trẻ với sự thấu hiểu, tình yêu thương. Với việc sử dụng điện thoại và các mạng xã hội, cha mẹ cần cảnh giác với những hành vi cho thấy bạn có thể giảm bớt sự giám sát chặt chẽ hơn, hoặc bạn nên theo dõi trẻ kỹ hơn, với mục đích là giúp trẻ an toàn và, hơn thế, giúp trẻ đi theo nẻo chính đường ngay của người Kitô hữu.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Chuyển ngữ từ: catholicdigest.com