$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Cầu nguyện
»

Ngày 10 tháng 11 - THÁNH LÊÔ CẢ Giáo Hoàng, Tiến Sĩ Hội Thánh

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 221 | Cật nhập lần cuối: 10/2/2023 4:46:54 PM | RSS

Ngày 10 tháng 11

THÁNH LÊÔ CẢ
Giáo Hoàng, Tiến Sĩ Hội Thánh

(398 – 461)

Ngày 10 tháng 11 - THÁNH LÊÔ CẢ Giáo Hoàng, Tiến Sĩ Hội Thánh

Đức Lêô sinh tại Etrurie nước Ý khoảng năm 398 trong một gia đình quí tộc và đạo đức, nên ngài sớm hấp thụ được nền đạo hạnh. Ngài tới sống tại Rôma từ rất sớm và khoảng năm 430, trở thành phó tế của giáo đoàn Rôma. Đây vốn là chức vụ rất quan trọng thời gian này, vì vị phó tế sẽ đại diện cho Đức Thánh Cha trong các công việc tài chính…

Vào khoảng năm 440, phó tế Lêô được cử lên ngôi Giáo Hoàng, lấy hiệu là Lêô I, trong một thời kỳ khó khăn cả phần đạo lẫn phần đời.

Ý thức được sự yếu hèn bản thân, Đức Lêô I nguyện cầu khẩn nài Chúa thương hướng dẫn và giúp sức để có thể loại trừ và đương đầu với những tệ nạn đồi phong bại tục trong Giáo Hội.

Trước hết, Đức Lêô lưu tâm đến việc gìn giữ Giáo Hội khỏi sự sai lầm đe dọa phá hoại niềm tin do các lạc giáo đem lại, nhất là lạc giáo Nestoriô và Eutyches, có khuynh hướng muốn tách biệt nhân tính ra khỏi Thiên tính của Đức Giêsu. Trước thực trạng này, phương thế đầu tiên Đức Lêô áp dụng là cầu nguyện, ăn chay và hãm mình để xin Chúa soi sáng, giúp sức. Đồng thời, Ngài đã rút phép thông công những người cố chấp theo lạc giáo và cho đốt hết các tài liệu, sách vở của họ. Sau cùng, để chấm dứt những giáo lý sai lạc, Ngài đã triệu tập công đồng năm 451 tại Chalcédoine với sự tham dự của hơn 630 Giám Mục.

Thật vậy, nhờ đức khôn ngoan, tài ngoại giao và ảnh hưởng lớn lao của ngài đối với các hoàng đế, công đồng đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Nổi tiếng nhất là bức thư tín lý Ngài gửi cho Công đồng khiến các Giám mục phải thốt lên: “Chính thánh Phêrô đã nói qua Đức Lêô của chúng ta.” Kết quả là, tín điều Ngôi Hai Nhập Thể được bảo vệ: Người là Thiên Chúa thật và cũng là người thật.

Thứ đến, Đức Lêô quan tâm đến hàng giáo phẩm, ban hành nhiều thông điệp khuyên hàng giáo sĩ hãy sống đời sống thánh thiện gương mẫu; cần thận trọng trong việc tuyển chọn những ứng viên lãnh nhận các chức vụ thánh; và ngăn cấm giáo sĩ không được tham gia các chức vụ phần đời.

Ngoài ra, là vị lãnh đạo tài đức, khiêm tốn, Đức Lêô sống gần gũi với dân chúng và các tín hữu, qua lời giảng cũng như qua hoạt động mục vụ. Ngài đã kết hợp phụng vụ với đời sống thường nhật của các Kitô hữu; kết hợp chay tịnh với công tác bác ái, từ thiện.

Sau khi giải quyết khó khăn nội bộ, Đức Lêô tiếp tục bảo vệ Rôma khỏi những cuộc tấn công của các dân man di. Trong đó phải kể đến việc tấn công Rôma của lãnh chúa Áttila vào năm 452. Áttila là lãnh chúa oai hùng của người Hung, đã từng dày xéo khắp Á Châu và giờ lại muốn thôn tính cả Âu Châu. Trước tình thế này, Đức Lêô kêu gọi Rôma và toàn thế giới Công giáo cầu nguyện, ăn chay và hy sinh một tuần. Khi đoàn quân của Attila kéo tới Rôma trước sự kinh hãi của mọi người, nhưng với sự điềm tĩnh, hiền hoà, tha thứ yêu thương, đám rước dưới sự dẫn đầu của Đức Lêô, trong lời kinh tiếng hát đã hoàn toàn thuyết phục được vị tướng hung dữ này rút quân.

Sau gần 21 năm dẫn dắt Giáo Hội, ngày 10/ 11/ 461 Đức Lêô hoàn tất cuộc đời tại Rôma. Năm 1754, Ngài được tôn phong lên bậc thánh tiến sĩ trong Giáo hội. Với đời sống thánh thiện, cùng những giáo huấn sâu sắc bảo vệ đức tin tông truyền, và những đóng góp lớn lao cho Giáo Hội và xã hội, Đức Lêô I được gọi là Lêô Cả, vị Giáo Hoàng vĩ đại của lịch sử Giáo hội.

Lạy Chúa, Chúa đã làm những việc lớn lao nơi cuộc đời thánh Giáo hoàng Lêô Cả, khiến Ngài hăng say phụng sự Chúa và Giáo hội. Nhờ lời thánh nhân nguyện giúp cầu thay, xin giúp Giáo hội lữ hành chúng con luôn được bình an, kiên vững giữ đức tin tông truyền; và ngày càng có thêm những vị mục tử nhân lành, hết lòng chăm lo cho đàn chiên mà Chúa trao phó.

Nt. Cecilia Phạm Trang, OP tóm lược