$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Thời sự
»
»
Suy tư văn hóa

Thời gian Ân sủng giữa cơn đại dịch

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 399 | Cật nhập lần cuối: 4/22/2020 3:07:16 PM | RSS

Thời gian Ân sủng giữa cơn đại dịch

(Dịp tĩnh tâm năm trong cơn đại dịch 16-23/2/2020)

Nt Anna Quỳnh Giang

Từ hơn một tháng nay, cái tên virus corona không còn xa lạ gì đối với một đứa trẻ con bắt đầu biết nói. Một cơn đại dịch mà cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của việc phát bệnh cũng như chưa điều chế được vắc-xin điều trị căn bệnh do virus này gây ra. Dịch bệnh đã gây ra một ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của con người không chỉ ở Trung Quốc, nơi bùng phát bệnh dịch nhưng với toàn thế giới. Nhiều quốc gia đã phải đóng cửa các trường học, lịch học được dời lại đến thời điểm an toàn hơn, các siêu thị, trung tâm thương mại lớn thưa thớt người đi, những điểm tụ tập trước đây cũng vắng bóng hẳn đi những khách hàng thân thuộc,… Xét về mặt kinh tế xã hội thì điều đó chắc chắn sẽ gây ra những tổn thất rất to lớn. Nhưng trên một bình diện khác, có thể coi đây là một thời gian ân sủng mà người ta chỉ có thể nhận ra với con mắt đức tin.

Ân sủng đối với môi trường

Rõ ràng là môi trường đang bị ô nhiễm trầm trọng và trở nên nguy hại cho sức khỏe con người, vậy sao lại là một ân sủng?

Hằng ngày, chúng ta vẫn thản nhiên hít thở bầu không khí mà ít khi tự hỏi nguồn oxi trong không khí này bởi đâu mà có. Một câu hỏi có vẻ dư thừa bởi nó là tự nhiên mà! Có lẽ chính bởi cái tự nhiên đó mà con người ngang nhiên hủy hoại môi trường cách không tiếc thương. Những nạn nhân của cơn dịch phải đối diện với điều gì? Đó là tình trạng khó thở, họ cần được cung cấp oxi liên tục. Họ sẽ nhớ lắm những ngày tháng được thoải mái hít thở bầu không khí mà chúng ta đang có cơ hội được tận hưởng.

Nhưng ngay cả với chúng ta bây giờ, việc tự do hít thở bầu không khí này dường như cũng đang bị giới hạn bởi… cái khẩu trang vì sợ lây nhiễm. Phải chăng bầu không khí này không còn trong lành, không còn tốt như chúng ta mong muốn? Đúng là như thế. Và nguyên nhân bắt nguồn từ chính chúng ta. Có vẻ như bạn nghĩ tôi đang đi lạc với tiêu đề mình muốn nói khi chỉ đưa ra những vấn đề về môi trường! Nhưng đó lại là vấn đề đưa đến ân sủng cho môi trường sống của chúng ta.

Thành phố Vũ Hán ngày nào tấp nập những xe và người nhưng nay trở nên một thành phố ma! Không một nhà máy, trung tâm thương mại nào hoạt động, xe cộ bớt di chuyển, điều này kéo theo một hệ quả là giảm đi một lượng lớn khí thải độc hại ra môi trường. Không còn những nơi và những sự kiện tụ tập đông người đã giảm rất nhiều lượng tiếng ồn tác động đến môi trường. Thiên nhiên cũng cần được nghỉ ngơi, và thiên nhiên đã lên tiếng! Không phải ơn cứu độ được ban cho tất cả mọi loài thụ tạo chứ đâu chỉ riêng con người sao.

Ân sủng với đời sống gia đình

Rất nhiều bài chia sẻ trên các trang mạng xã hội đã chia sẻ rằng đây là khoảng thời gian tôi ở bên cạnh các con của mình nhiều nhất. Trước đây, sau khi tan sở, có những ông bố bà mẹ thường có thói quen đi nhậu, cà phê, shopping vì con cái đã có ông bà hay người giúp việc lo đón và chăm sóc. Thế mà nay họ đã bỏ đi thói quen đó và trở về nhà ngay sau giờ làm việc. Và họ nhận ra những giá trị lớn lao của việc ở bên nhau, quây quần bên mâm cơm nơi mái ấm của mình sau một ngày làm việc. Họ có nhiều thời gian hơn để lắng nghe con cái của mình, chơi với chúng và hiểu chúng hơn. Đấy không phải là ân sủng khi đời sống gia đình ngày nay đang gặp rất nhiều khủng hoảng hay sao.

Đổi lại, những người con cũng có nhiều thời gian cho gia đình mình hơn. Chúng có thời gian để mỗi sáng chào ba chào mẹ đi làm thay vì “Thưa ba mẹ con đi học”. Chúng có thể biết được một ngày, ông bà chúng chăm chút cho gia đình của chúng như thế nào từ những chuyện quét dọn, sắp xếp những thứ mà chúng bày ra khi vội vàng đi học hay mải chơi cho đến những giờ phút âm thầm với chuỗi Mân Côi để cầu nguyện cho gia đình chúng. Ông bà hiện diện trong gia đình chúng không chỉ là những người già vô dụng như có thể chúng vẫn nghĩ! Rồi chiều đến, chúng có thể đón ba mẹ đi làm về và hiểu được nỗi vất vả của ba mẹ mình sau một ngày làm việc trong khi chúng được nghỉ ngơi ở nhà. Có lẽ điều này chúng ít được thấy vì bản thân chúng cũng bận học suốt ngày đêm mà. Điều này có làm cho chúng thương ba mẹ hơn chăng?

Rõ ràng, khi có những biến động bên ngoài thì gia đình là nơi an toàn và êm ấm nhất, là nơi để trở về như một ai đó đã nói. Rất nhiều phụ huynh lên tiếng và chấp nhận cho con mình ở nhà thay vì đến trường khi họ nhận thấy việc đến trường chưa thực sự an toàn cho con mình. Sự hiện diện của một con người quan trọng hơn gấp bội phần những cái sở hữu của con người. Khi mọi thành viên đều dành thời gian để hiện diện bên nhau, để lắng nghe và thấu hiểu nhau thì không một khó khăn nào của gia đình mà không thể vượt qua.

Ân sủng trong đời sống tu trì

Nếu thời gian đại dịch này là một ân sủng đối với gia đình thì chắc chắn nó cũng là một đại ân sủng với đời sống tu trì, cách riêng với đời tu Đa Minh. Người tu sĩ Đa Minh cần phải biết sống kết hợp giữa đời sống chiêm niệm và hoạt động. Nhưng có phải cán cân này đang bị lệch, và đây là một ân sủng rất riêng cho người tu sĩ Đa Minh?

Trong thời gian Chân Phước Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận ở trong tù, người đã nghe tiếng Chúa nói với mình: “Con phải chọn Chúa chứ không phải công việc của Chúa” Đây cũng phải là điều mà chính người tu sĩ Đa Minh phải trả lời cách xác quyết nhất trong thời điểm này.

Trước đây, mỗi ngày chúng ta đều vội vàng sau thánh lễ, sơ sài với bữa điểm tâm và lật đật xuống trường. Và một ngày hoạt động bắt đầu…. Chiều về, chúng ta lại tranh thủ thật nhanh vào nhà nguyện cho kịp giờ phụng vụ chung với cộng đoàn và rồi tối ra lại tiếp tục với công việc. Cứ như thế, ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng khác…. Mỗi năm chúng ta có những 6 ngày trọn vẹn để tĩnh tâm mà… Và có khi nào chúng ta tự hỏi xem Chúa có hài lòng với đời sống chiêm niệm của chúng ta hay chưa?

Chiêm niệm chứ không chỉ là đọc kinh lớn tiếng. Chiêm niệm chứ không đơn giản là cầu xin với Chúa về điều này điều kia. Chiêm niệm là đi vào sự hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa. Có lẽ Chúa đang chờ chúng ta…. Và đây là thời gian ân sủng để chúng ta đi sâu vào sự hiệp thông đích thực với Thiên Chúa, để làm cho đời sống chiêm niệm được tăng trưởng hơn và nên cân bằng với đời sống hoạt động của mình. Chẳng phải chúng ta vẫn đọc trong Kinh Thánh và biết về một vị Thiên Chúa “hay ghen” hay sao? Thiên Chúa ghen khi dân của Người “ngoại tình” với các thần ngoại. Thiên Chúa ghen khi dân của Người từ bỏ đi theo đường lối huấn lệnh của Người. Và có lẽ Thiên Chúa cũng đang ghen với chúng ta, những tu sĩ đã chấp nhận bỏ mọi sự để theo Người nhưng rồi lại quên đi giao ước tình yêu đó. Nếu quả là thế thì đây là thời gian ân sủng cho tất cả chúng ta để đi vào một đời sống chiêm niệm đích thực, không chỉ là nói với Chúa nhưng là nghe, hiểu, đáp trả và sống điều Chúa nói với mình.

Dĩ nhiên thời gian ân sủng cho đời sống tu trì không chỉ ở đời sống chiêm niệm nhưng là cả trong sứ vụ giáo dục. Gần đây, chúng ta đã nghe biết đến rất nhiều những vụ bạo hành trẻ em trong môi trường giáo dục. Điều này cũng có thể không là phép trừ với các trường học Công giáo nếu một ngày nào đó chúng ta chỉ biết đến công việc của Chúa mà không biết đến chính Chúa. Những tháng ngày qua, các trường học đều đóng cửa, các phụ huynh vẫn có khả năng để trông giữ con mình khi họ vẫn tiếp tục công việc hàng ngày. Vậy việc họ cho con cái của mình đến trường để làm gì? Dĩ nhiên câu trả lời là để học. Nhưng là học cái gì? Câu trả lời vẫn rất đơn giản là học các kiến thức phổ thông cần thiết cho sự phát triển nhận thức của một con người. Nhưng rõ ràng giữa những chuyển biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, họ chấp nhận cho con mình nghỉ học khi họ cảm thấy môi trường chưa đảm bảo cho việc chăm sóc con cái họ. Vậy thì nhà trường đâu chỉ là nơi cung cấp kiến thức mà phải là nơi an toàn cho trẻ. Nếu một ngày, nhà trường cũng không là nơi để người ta yên tâm gửi con tới thì liệu chúng ta có thể thi hành sứ vụ của mình? Thời gian ân sủng này cũng là một điểm dừng đáng quý để chúng ta nhìn lại việc thi hành sứ vụ của một người tu sĩ Đa Minh trong việc giáo dục.

Và quan trọng hơn, đây là thời gian để ta sống gắn kết hơn nữa với cộng đoàn. Không còn những giờ ăn vội vã, những giờ không thể dùng cơm chung với cộng đoàn, những giờ không thể tham dự phụng vụ chung với cộng đoàn. Chúng ta có nhiều thời gian hơn để chia sẻ đời sống cộng đoàn với chị em, để thăm hỏi những bậc cao niên, để chia sẻ những công việc thầm lặng mà thường ngày ít ai để ý tới ... Và cũng như đời sống gia đình, đây là thời gian ân sủng để chúng ta tái khám phá sự quan trọng của việc hiện diên bên nhau, cùng với nhau trong ơn gọi Đa Minh.

Có thể mỗi người sẽ có rất nhiều những cảm nghiệm suy tư riêng trong cơn đại dịch này và đây chỉ là một đôi chút suy tư cá nhân về nguồn Ân sủng từ Tình Yêu bao la của Thiên Chúa mà thôi. Thiên Chúa không bao giờ là tác giả của bất kì một sự dữ nào dù nhỏ và Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người. Chúng ta chỉ cảm thấy Thiên Chúa quên chúng ta khi chính chúng ta quên Người mà thôi vì Thiên Chúa là Đấng trung tín với Lời Người: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương được đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49, 14-16) Thiên Chúa vẫn luôn ban tràn ân sủng và tình yêu của Người giữa cơn đại dịch này. Và tôi tin sẽ có ngày mọi người sẽ thốt lên: “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2Cr 6,2).