$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
SUY NIỆM LỜI CHÚA
»

Suy niệm Lời Chúa, Chúa Nhật II MV năm B (Mc.1,1- 8)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 440 | Cật nhập lần cuối: 12/5/2020 4:33:45 PM | RSS

Chúa Nhật II MV năm B (Mc.1,1- 8)

SỨ VỤ CỦA GIOAN TẨY GIẢ

Thực ra Chúa Nhật II Mùa Vọng này mới thực là bắt đầu Mùa Vọng, Hội Thánh dùng bài Tin Mừng này để nhắc nhở các tín hữu rằng: Nếu Chúa đã một lần đến thì Ngài cũng sẽ lại đến lần thứ hai. Vì thế, sứ vụ của Gioan Tẩy Giả là lời mời gọi con người hoán cải. Chúng ta sẽ tìm hiểu sứ vụ của Gioan Tẩy Giả như thế nào:

  1. Ý nghĩa “Đức Kitô Con Thiên Chúa”

Khởi đầu Tin Mừng của Marcô “Đức Kitô Con Thiên Chúa”, đó là lời tựa cho đoạn nhập đề vào Tin Mừng Marcô: hành động của Gioan Tẩy Giả, Đấng Tiền Hô và thanh tẩy cho Đức Kitô là khúc dạo đầu, để đưa vào vào sứ vụ của Đức Giêsu, cuộc tử nạn và vinh quang của Ngài. Chúng ta nhớ rằng, trước khi là một Sứ điệp thì Tin Mừng là một biến cố. Marcô để ý đến Gioan Tẩy Giả dưới hai khía cạnh: Qua ông, Thiên Chúa thực hiện lời hứa của Người (c.2-3)-Sứ điệp của Gioan Tẩy Giả về Chúa Giêsu, Đấng có quyền năng hơn, vì Người sẽ thanh tẩy trong Thần Khí. Và như thế sứ vụ của Gioan Tẩy Giả đã là thành phần của biến cố cánh chung. Vậy Gioan Tẩy Giả đã thi hành sứ vụ của mình ra sao:

  • Ngài sống rất khắc khổ và thánh thiện:

Đoạn văn Tin Mừng hôm nay, trích từ mạch văn tổng quát của lời tựa và sau lời tựa nói đến sứ mạng của Gioan Tẩy Giả, ông không phải là Messia, không phải là Elia, cũng không phải là vị tiên tri. Ngài làm phép rửa chỉ bằng nước. Còn đối với Đấng đến sau Ngài thì Ngài tự nhận không xứng đáng cởi giầy cho Đấng ấy. Cũng như người Do Thái đến hỏi, Gioan Tẩy Giả cho biết ông cũng đang chờ đợi Đấng Messia. Cũng như họ, Ngài không biết Đấng Messia, Ngài chỉ biết một điều là Ngài đi trước Người để giọn đường. Như thế Gioan Tẩy Giả chỉ là nhân vật mẫu, trong đó tập trung toàn thể cuộc chờ đợi của Cựu Ước. Trong việc chuẩn bị chờ đón Chúa đến, thánh Gioan Tẩy Giả đóng một vai trò quan trọng. Sứ mạng của Gioan Tẩy Giả đã được các tiên tri như Malakia và Isaia báo trước với danh hiệu Sứ Thần, hay Thiên Thần và là tiếng kêu trong rừng vắng. Gioan chấp nhận danh hiệu ấy nhưng Ngài nói : Đấng Cứu Thế còn cao trọng hơn Ngài nhiều, vì Ngài không đáng cúi xuống cởi giầy cho Chúa và Chúa sẽ tẩy rửa người ta trong Thánh Thần.

  • Kêu gọi con người sám hối để lãnh nhận phép rửa:

Gioan Tẩy Giả coi mình chỉ là tiếng hô trong sa mạc: Bình thường tiếng hô trong sa mạc là tiếng kêu tuyệt vọng, vì sa mạc ít người lui tới. Tuy nhiên ở đây mang ý nghĩa của Cựu Ước, sa mạc không phải là chỗ chết mà là chỗ kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã vào sa mạc để ăn chay và sống với Thiên Chúa Cha, sa mạc là nơi thinh lặng để có thể nghe tiếng Chúa. Gioan Tẩy Giả hô trong sa mạc nghĩa là Ngài xuất thân từ Thiên Chúa mà đến và chỉ có những người mong mỏi sống với Chúa, lo tìm hiểu Ngài mới đi tìm Ngài và mới có thể nghe được tiếng Ngài. Còn sa mạc chỉ là tiếng kêu tuyệt vọng đối với những ai không muốn nghe, bởi lòng họ còn đầy những mưu toan, lo lắng bởi tiền tài danh vọng nên không thể nghe thấy. Gioan Tẩy Giả đã làm tròn trách nhiệm này, dù phải chết như khiển trách chuyện loạn luân của Hêrôdê.

  • Giới thiệu Chúa Giêsu:

Gioan Tẩy Giả sẵn sàng xả thân vì Chúa Giêsu, giới thiệu môn đệ của mình cho Chúa Giêsu và khích lệ họ đi theo Ngài, ông sẵn sàng nhỏ đi để cho Chúa lớn lên “Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”. Ông không lợi dụng lúc người ta đang phân vân không biết ai là Đấng Messia, để vỗ ngực xưng tên, mà lui vào bóng tối sau khi làm tròn nhiệm vụ.

  1. Lời mời gọi của Gioan Tẩy Giả mang ý nghĩa gì?

Đức Giêsu thành Nagiareth là Đấng Cứu Thế, lời rao giảng của Ngài là Tin Vui, vì báo cho con người biết Thiên Chúa đến trong thế giới không phải để phán xét con người, nhưng là để cứu độ con người. Sa mạc nơi thánh Gioan Tẩy Giả sống và rao giảng là hình ảnh Kinh Thánh, diễn tả nơi Thiên Chúa ngự, và Đấng Cứu Thế cũng tỏ hiện ra cho con người, sa mạc cũng là nơi con người chịu thử thách, và được thanh luyện để được gặp gỡ và sống mối liên hệ thân tình đối với Thiên Chúa, lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả thuật lại các đề tài thần học đã từng được các ngôn sứ đi trước loan báo cho dân Do Thái : Hãy bầy tỏ lòng thống hối bằng cách khiêm tốn lãnh nhận phép thanh tẩy, một tín hữu lội xuống sông đến trước mặt Gioan Tẩy Giả để cho ngài nhận chìm thân mình trong nước, đó là dấu chỉ nhận chìm tội lỗi, mọi nhơ nhớp, để rồi bước ra khỏi nước, bắt đầu một cuộc sống mới, một cuộc sống được giao hòa với Thiên Chúa và được Chúa thứ tha mọi lỗi lầm.

  1. Chủ đích của Hội Thánh :

Hội Thánh dùng lời Gioan Tẩy Giả để loan báo Đức Kitô là Con Thiên Chúa đã đến, và kêu gọi chúng ta phải chỉnh đốn lại đời sống, để xứng đáng đón tiếp Ngài. Sống Mùa Vọng là hướng về việc Chúa ngự đến với lòng khao khát Chúa, ý thức rằng chỉ có Chúa mới có thể can thiệp một cách hữu hiệu vào đời sống chúng ta và sẵn sàng để Ngài hành động. Điều kiện để Chúa đến và hành động là phải dọn đường cho Ngài, tức là nỗ lực chỉnh đốn lại tâm tư, tình cảm, cách ăn ở sao cho phù hợp ý Chúa. Cần bỏ đi đầu óc kiêu căng, tự mãn và tham vọng trần tục, đó là bạt núi đồi, để khiêm tốn, tin cậy vào Chúa. Hãy bỏ đi những âm mưu đen tối, ích kỷ để sống chân thành, cởi mở, bác ái, đó là nơi cong queo uốn cho ngay. Những gì còn thiếu sót trong nghĩa vụ xã hội và tôn giáo thì hãy nhiệt thành bù đắp lại, đó là lấp mọi hố sâu, bền lòng bền chí trong đời sống đạo và trông chờ Chúa trở lại.

  1. Người Kitô hữu hôm nay sống lời mời gọi của Gioan Tẩy Giả ra sao?

Như thế, muốn tìm lại gương mặt trong sáng và hình ảnh Thiên Chúa nơi chính mình, người tín hữu phải hoán cải tâm tư và thay đổi lối sống, thay đổi cung cách suy tư hành xử của mình, khước từ tội lỗi khiến chúng ta rời xa Thiên Chúa, và làm nhơ bẩn gương mặt rạng ngời của Chúa nới chúng ta, nói cách khác, muốn được cứu độ chúng ta phải cách mạng tấm lòng mỗi ngày. Kiểu cách sống của Gioan Tẩy Giả là một lời mời gọi chúng ta dám can đảm đi ngược giòng đời, nguyện khước từ tội lỗi không thôi chưa đủ, mà còn phải từ bỏ xa lánh tất cả những gì lôi cuốn và ràng buộc chúng ta vào tội lỗi nữa. Trong xã hội hiện nay chủ trương tiêu thụ và hưởng thụ, chủ trương sống dễ dãi và buông thả, người Kitô hữu phải có can đảm không chạy theo tâm thức tôn thờ vật chất, tôn thờ khoái lạc, dễ dãi và tiện nghi ấy để không bị sa lầy. Như vậy:

  • Hoán cải trước tiên có nghĩa là xa lánh tội lỗi, thế gian và xa lánh tâm thức tục hóa kìm kẹp con người trong thế giới vật chất vô hồn. Nếu lấy của cải đời này là thứ chóng biến tan, mục nát làm cứu cánh thì không có gì khờ dại hơn.
  • Sống Mùa Vọng là hướng về việc Thiên Chúa trở lại với sự sám hối và canh tân nội tâm. Hãy thành thật nhìn thẳng vào các tội lỗi và nết xấu của chúng ta, để có thể khẩn khoản nài xin Chúa Kitô ngự đến cứu độ.
  • Một tâm hồn nghèo khó, khiêm nhu, sẽ làm vừa lòng Chúa và được Ngài cư ngụ. Chúa chỉ đến với những tâm hồn biết chờ đợi như thế.

Lạy Chúa Giêsu, Mùa vọng là cơ hội để chúng con mở lòng đón nhận tương lai của Thiên Chúa, là thời gian chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, là thời gian mà Thiên Chúa là sự mới mẻ tuyệt đối đã đến cư ngụ giữa lòng nhân loại sa ngã này, để đổi mới nhân loại từ bên trong. Xin cho chúng con biết đưa mắt nhìn về chân trời cánh chung, nhưng đồng thời, cũng mời gọi chúng con nhận ra trong hiện tại dấu chỉ của Thiên Chúa ở cùng.

Nt. Maria Tăng thị Thiêng op