$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Cầu nguyện
»

Chúa Nhật XXV Thường Niên, Năm B

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 137 | Cật nhập lần cuối: 11/1/2021 2:24:10 PM | RSS

NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TRONG NƯỚC TRỜI

Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm B

Mc 9, 30-37

  1. “Ai là người đứng đầu?”- Đề tài muôn thuở

Khát vọng được trổi vượt hơn hoặc quan trọng hơn trong một nhóm, một cộng đồng không có gì là mới, là xa lạ. Thật thế, ngay những trang đầu của Kinh thánh chúng ta đã đọc thấy được điều này. Cain đã giết em mình chỉ vì ghen tị khi cho rằng Aben được ân nghĩa với Chúa hơn mình; vua Saule đã tìm cách giết Đavit chính vì ông sợ rằng dân chúng sẽ coi Đavid cao cả vĩ đại hơn ông. Và trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, thánh Marco đã kể lại rằng khi đi đường, các môn đệ đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả (Mc 9,34).

Tôi tự hỏi: Sao các môn đệ đã theo Chúa rồi mà vẫn còn tham sân si thế? vẫn còn tranh dành địa vị, thậm chí tranh cãi về vấn đề này một cách công khai như vậy? Nhu cầu được trổi vượt hơn người khác là có thật. Có thể tôi không công khai tỏ lộ, cũng chẳng tranh luận như các môn đệ, nhưng trong suy nghĩ hay trong hành động, tôi cũng muốn chứng tỏ sự trổi vượt của mình. Cảm giác thích thú và hãnh diện khi được người khác công nhận, tán dương hoặc ngưỡng mộ là điều đương nhiên. Ngược lại, tức giận, buồn bã, thất vọng khi thấy mình thua kém, hoặc bị chê bai, chỉ trích là điều dễ hiểu.

  1. “Ai là người đứng đầu?” - Một mối bận tâm lớn.

Tin mừng kể lại rằng, ngay sau khi Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của Người lần thứ hai, thì các môn đệ trên đường đi đã tranh luận về việc xem ai là người đứng đầu.

Có thể tôi sẽ chê trách các môn đệ vì các ông vô tâm quá! Cùng đi theo, cùng chung chia cuộc sống, và cùng chứng kiến những việc Thầy mình làm… vậy mà các ông không hề cảm được nỗi bận tâm, ưu tư, lo lắng của Thầy. Điều gì đã ngăn cản các ông hiểu được điều Đức Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn? Phải chăng các ông đang bận tâm đến điều gì khác quan trọng hơn?

Tôi cũng tự hỏi mình là bao năm theo Chúa, bao năm được Chúa dưỡng nuôi, dạy dỗ, và chứng kiến biết bao việc kỳ diệu Chúa đã làm cho tôi, cho gia đình, cho giáo xứ, cho cộng đoàn, cũng như cho thế giới này. Thế nhưng, rất nhiều lần, tôi đã không hiểu, không đón nhận, hoặc không đủ can đảm để thi hành ý Chúa trong cuộc đời mình. Lời Chúa hôm nay mời gọi tôi hãy kiểm tâm để xem đâu là động cơ của tôi khi đi theo Chúa, đâu là mối bận tâm chính trong cuộc đời của tôi.

  1. “Ai là người đứng đầu?” – Câu trả lời của con người.

Khi nói tới người đứng đầu, ta thường nói tới vai trò lãnh đạo của người ấy, dù là trong một nhóm nhỏ, một cộng đoàn, một đất nước, hay một giáo hội….

Thông thường trong bất cứ một vai trò nào, nghĩa vụ và quyền lợi luôn là hai khía cạnh luôn đi đôi với nhau. Tuy nhiên, quyền lợi thì bao giờ cũng hấp dẫn hơn, nhất là trong vai trò lãnh đạo. Lý do là vì, những quyền lợi này ít nhiều thỏa mãn khát vọng thâm sâu của con người. Có ai mà chẳng mong được công nhận, được trọng vọng, được ngưỡng mộ, được hưởng lợi? Vì thế mong muốn “được làm người đứng đầu” có thể trở thành một cám dỗ lớn mà ít ai có thể tránh khỏi.

  1. “Ai là người đứng đầu?” - Câu trả lời của Đức Giêsu

Đức Giêsu chắc chắn hiểu được khát vọng “được làm người đứng đầu” này của các môn đệ nói riêng, và của con người nói chung. Người đã nhạy bén nhận ra và đi bước trước để đặt vấn đề với các ông, mặc dầu họ đã làm thinh không dám nhìn nhận vấn đề. Thay vì thất vọng, quở trách hoặc cấm đoán, Đức Giêsu đã mượn cơ hội này để dạy các ông bài học “được làm người đứng đầu” nghĩa là gì: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và phục vụ mọi người” (c.35).

Ở đây chúng ta nhận ra rằng, những tiêu chuẩn Đức Giêsu đưa ra là những điều cốt yếu, là bản chất, là mục đích tối hậu của người đứng đầu, hoàn toàn khác với tiêu chuẩn bình thường của thế gian.

Làm người đứng đầu là làm người rốt hết.

Trong mọi lãnh vực: thể lý, tâm lý, hay tinh thần, chẳng mấy ai cảm thấy dễ chịu khi mình thua kém hoặc bị coi là người thấp kém. Tuy nhiên khi đảo ngược sự khôn ngoan thông thường mà con người thường chọn, đó là đứng đầu, xuống thành người rốt hết, Chúa không có ý ngăn cản chúng ta đừng có hoài bão để vươn lên, nhưng Người muốn nhấn mạnh ở đây chính là tinh thần khiêm tốn phục vụ của người lãnh đạo.

Làm người đứng đầu là làm phục vụ

Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạnh sống làm giá chuộc muôn người" (Mc 10, 45). Phục vụ chính là sứ mạng của Đức Giêsu khi đến trần gian này. Phục vụ trở thành phương thế để Đức Giêsu thiết lập và cai trị trong Vương quốc của Người. Quả thế, Đức Giêsu không chỉ thể hiện tinh thần phục vụ khiêm tốn trong lời giảng dạy, mà còn cả trong lối sống, cách ứng xử của Người đối với các môn đệ và với mọi người. Việc Đức Giêsu cúi xuống rửa chân cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly có lẽ là hình ảnh rõ nét nhất minh hoạ cho bài học về tinh thần phục vụ khiêm tốn mà Người dạy chúng ta hôm nay: Càng khiêm tốn phục vụ thì càng là người lớn hơn trong Nước trời.

Lời Chúa hôm nay muốn nói gì với tôi?

  • Hãy cứ có hoài bão làm lớn, nhưng hãy làm lớn, làm người đứng đầu trong Nước trời, theo tinh thần khiêm tốn phục vụ của người đầy tớ.
  • Hãy là người phục vụ thì sẽ là người đứng đầu trong Nước trời. Vì không phải cứ là người đứng đầu thì đã là người phục vụ, nhưng nếu ai phục vụ thì chắc chắn sẽ là người đứng đầu.
  • Hãy phục vụ nhưng phục vụ vì Đức Kitô và với sức mạnh của Chúa, thay vì phục vụ để tìm kiếm danh vọng, quyền lợi, và địa vị….
  • Hãy dùng tất cả những ơn riêng Chúa ban cho để phục vụ, vì đó là mục đích mà Chúa muốn khi ban ơn cho ta. Có như vậy, “anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ của thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1Pr 4, 10).
  • Hãy phục vụ khi chu toàn bổn phận trách nhiệm tùy theo bậc sống của mình, khi tình nguyện làm những việc không tên, những việc không mình không phải làm, và ngay cả những việc người khác bỏ bê, quên lãng hay thiếu sót không làm.
  • Hãy phục vụ trong khiêm tốn, vì sau tất cả những gì chúng ta đã làm, chúng ta mới “chỉ làm việc bổn phận mà thôi.” (x. Lc 17,10)
  • Hãy phục vụ trong hân hoan, vì được trở nên giống Chúa Giêsu hơn.

Chúng ta mong ước cũng như cầu nguyện cho nhau để cuộc đời Kitô hữu của chúng ta, tùy theo hoàn cảnh và bậc sống của mình, luôn thấm đẫm và tỏa sáng tinh thần phục vụ như lời bài hát “Bài ca phục vụ” mà chúng ta rất quen thuộc, “Phục vụ là hy sinh, phục vụ là quên mình, phục vụ không đòi đền đáp, phục vụ ân nghĩa không màng, Phục vụ là hy sinh, phục vụ là quên mình. Phục vụ vì Chúa Kitô.”

Nt. Martina Diễm Trinh