$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
SUY NIỆM LỜI CHÚA
»

Cảm thức về tội nơi chúng ta, còn hay mất? Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VII TN A.

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 458 | Cật nhập lần cuối: 2/25/2020 9:31:49 AM | RSS

Mc 9, 30-37

“Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông : "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?" Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.” (c33-34)

Ngay sau câu hỏi của Chúa Giêsu, các tông đồ đã “làm thinh”, nghĩa là im lặng, chẳng nói gì, bởi vì ngay lúc đó, các tông đồ đã tràn ngập cảm giác của tội lỗi. Các tông đồ đang có đó một cuộc tranh luận ngu ngốc để xem ai là người lớn nhất trong số các ông, và khi Chúa Giêsu hỏi họ đang tranh cãi với nhau điều gì, thì lúc ấy, các tông đồ đã xấu hổ để thừa nhận sự ngu ngốc của họ, và có đó cảm giác của tội lỗi. Các ông biết cuộc nói chuyện, tranh luận vừa rồi của họ là sự dại dột. Và liền tiếp sau đó, Chúa Giê su đã cho họ những lời dạy tuyệt vời về sự khiêm tốn thật.

Và đây là cơ hội để chúng ta cũng có một bài học từ kinh nghiệm cảm thức về tội của các tông đồ.

Cảm thức về tội lỗi là một điều xấu? Phải chăng chúng ta mong rằng mình đừng có cảm thức về tội hay không? “Cảm thức về tội của Công Giáo” phải chăng là kết quả của những giáo lý đạo đức áp đặt quá đáng lên chúng ta?

Đáng buồn thay, ngày hôm nay, trong thế giới của chúng ta, cảm thức về tội lỗi dường như đang dần bị “cướp mất”, nghĩa là bị mất cảm thức về tội và nhiều người- trong đó có chúng ta- cố tình phạm tội chống lại luật của Thiên Chúa với một lương tâm “giải thoát khỏi tội”. Nhưng sự thật lại cho chúng ta thấy là cảm thức về tội lỗi thường là một điều tốt, khác với việc lúc nào cũng bị ám ảnh về tội. Cảm thức, cảm giác về tội là tốt bởi đó là kết quả của một sự hiểu biết rõ ràng của việc thất bại, sa ngã về đạo đức của chúng ta, khi quy chiếu vào trong tình yêu của Thiên Chúa, và luật Thiên Chúa khắc ghi trong lương tâm của chúng ta. Trong trường hợp này, cảm thức về tội là một dấu cho thấy lương tâm của chúng ta đang hoạt động. Và ngược lại, nếu khi con người ta hành động những điều sai trái nhưng lại không thấy đó là tội, hoặc không cảm thấy sự bất an nơi mình, đó là lúc họ- hay chúng ta- đã bị đánh mất cảm thức về tội.

Và ở đây, chúng ta cũng phân biệt giữa cảm thức về tội và sự ám ảnh của tội một cách rõ ràng. Bởi đôi khi, nhiều người cẩn thận quá mức đến độ lúc nào cũng bị ám ảnh về tội, và đây là một tệ hại của những người “sống đạo theo cảm tính”. Nhiều người nhạy cảm về tội đến mức nhìn đâu cũng ra tội, và sẽ day dứt mãi, bị căng thẳng khi phạm sai lầm, tội nhỏ hay nhìn Thiên Chúa, luật Giáo Hội như là quan tòa nghiêm khắc, làm gì cũng sợ phán xét và luận phạt.

Nhưng bài Tin Mừng ngày hôm nay cho chúng ta dè chừng một nỗi sợ trong con người thời đại hôm nay: không còn, hay đang mất cảm thức về tội.

Nhiều người Công Giáo, và cả chúng ta nữa chăng, cũng dựa vào những lập luận lương tâm – nhưng thực ra đó một lương tâm không được rèn luyện và do Thiên Chúa hướng dẫn- để có thể làm những điều luật Chúa không cho phép, mà không cảm thấy đó là tội. Chẳng hạn, như phải giữ đức công bằng trong kinh doanh, thì nhiều người Công Giáo vẫn có thể cân đong đếm thiếu, gian lận, sử dụng những phụ gia cấm trong sản xuất thực phẩm, bán hàng giả; hay có thể đặt bàn thờ, cúng ông thần tài, con mèo thần tài để buôn may bán đắt; hay sẵn sàng ra tòa đời ly dị bằng bất cứ giá nào dù không được phép, … mà không cảm thấy những gì mình làm là tội. Vì, họ đã mất cảm thức về tội.

Kinh nghiệm của các tông đồ về cảm thức tội lỗi đó cũng là bài học cho chúng ta trong đời sống đạo của mình, để chúng ta luôn cần phải được tỉnh thức, soi rọi đời mình dưới tình yêu và ánh sáng của Lời Chúa.

Và,

Sau khi Chúa Giê su trách mắng các tông đồ, Người đã dạy cho các ông hiểu ra đâu là người lớn nhất, là sự vĩ đại của một ai đó từ câu chuyện tranh luận của các ông. Và với chúng ta cũng vậy, Chúa Giê su cũng sẽ tiếp cận, dạy chúng ta những chân lý của Người cũng bằng cách thức ấy, nếu chúng ta biết khiêm tốn nhận ra sai lầm, tội của mình.

Lạy Chúa,

Con xin dâng lên Chúa lương tâm của con, một lương tâm được Chúa hình thành, là nơi tôn nghiêm để Chúa ngự đến và dạy dỗ con, nơi để con nghe được tiếng Chúa nói và uốn nắn con, cho con cảm thức về tội, để con có thể khiêm tốn và hối hận vì biết mình đã phản bội tình yêu của Chúa dành cho con. Lạy Chúa, này lương tâm con, xin Ngài dạy dỗ. Amen.

Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P