$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
SUY NIỆM LỜI CHÚA
»

Thứ Tư Lễ Tro: Sống ý nghĩa của dấu chỉ xức, nhận lãnh tro: thân phận tro bụi, sám hối trước Thiên Chúa về tội của chính mình.

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 176 | Cật nhập lần cuối: 3/5/2019 8:45:48 PM | RSS

Thứ Tư Lễ Tro có nguồn gốc từ việc thực hành sám hối của người Do Thái với việc “mặc áo nhặm và xức tro”. Trong Cựu Ước kể cho chúng ta nghe câu chuyện dân thành Ni ni vê (Sách Giô na 3,5), Vua Ben Hadad của xứ Syria (1 Vua 20,31-34) và Hoàng hậu Ester ( 4,16) đã ăn chăn, mặc áo vải thô và xức tro. Trong giai đoạn đầu của Giáo Hội, các Ki tô hữu khi phạm tội trọng được chỉ thị phải thực hiện hành vi sám hối ăn năn cách công khai qua việc mặc áo nhặm và xức tro. Giáo Hội hướng dẫn con cái mình cử hành ngày Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh với việc ăn chay và ăn kiêng. Ăn chay được quy định để củng cố lời cầu nguyện ăn năn sám hối của chúng ta trong suốt Mùa Chay.

Trong bài đọc thứ nhất,(Ge 2, 12-18) tiên Tri Giôen, khẳng định rằng không chỉ đơn giản là hối hận về những tội đã phạm, nhưng chúng ta nên trải qua một sự biến đổi hoàn toàn trong tâm hồn mình. Với Thánh vịnh 31 trong phần đáp ca ngày Thứ Tư Lễ Tro, vịnh gia đã thấm hiểu tội của mình và cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa trên tội lỗi của mình. Và nơi bài đọc thứ hai, 2 Cr 5, 20 – 6, 2, Thánh Phao lô mời gọi chúng ta “hãy hòa giải với Thiên Chúa”. Và bài Tin Mừng của ngày Lễ hôm nay (Mt 6, 1-6. 16-18) hướng dẫn chúng ta hãy có một thái độ ăn chay và cầu nguyện thực sự, không giả dối, bên ngoài.​

Nghi thức làm phép tro và xức tro trên đầu mang dấu chỉ và ý nghĩa mời gọi mỗi người chúng ta suy niệm và sống những dấu chỉ và ý nghĩa đó trong đời mình, ít nhất là trong Mùa Chay thánh này.

Khi vị linh mục hay các thừa tác viên được chỉ định nhúng ngón tay cái vào đĩa, bình tro (những tro được thu nhặt lại sau khi đốt các nhành lá đã làm phép trong Ngày Lễ Lá của năm trước ), sau đó, đặt trên trán người lãnh nhận, vẽ một dấu thánh giá và nói “Hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về bụi tro” hoặc “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Bằng việc dùng tro vẽ lên trán người lãnh nhận một dấu hiệu thánh giá trên con cái mình, Giáo Hội nhắc nhớ chúng ta rằng: thân xác của chúng ta rồi sẽ trở thành tro bụi sau khi chết được chôn cất hay hỏa táng, và Giáo Hội nhắc chừng chúng ta về tuổi đời của mình thật ngắn ngủi và không hề biết trước được. Thêm nữa, một lời cảnh báo xem ra cũng khá mạnh mẽ nếu chúng ta không ăn năn hối cải về tội mình đã phạm, chúng ta sẽ bị án phạt đời đời. Do vậy, để được tha thứ, Giáo Hội nhắc nhớ con cái mình phải giao hòa với Thiên Chúa, cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho những lỗi phạm chúng ta đã mắc phải và ăn năn sám hối thật sự. Đồng thời, cử chỉ xức tro, lãnh nhận tro là một lời mời gọi tình yêu mà Giáo Hội muốn con cái mình nhận ra và biết được tình trạng tội lỗi của chúng ta, mau chóng quay trở lại với Thiên Chúa, Đấng là nguồn của tình yêu vĩnh cửu, không bao giờ thay đổi, Đấng vẫn một lòng trung tín dù ta phản bội hay quay lưng lại với Ngài. Chỉ khi nào chúng ta nhận ra tình trạng tệ hại của mình, chúng ta mới thấy mình cần khẩn nài tha thiết sự tha thứ của Thiên Chúa hơn nữa, tựa như đứa con hoang đàng đã làm thế với người cha nhân hậu của mình, để rồi sau đó, làm mới lại đời sống của chúng ta.

Xin Chúa giúp từng người trong chúng con, khi tham dự các nghi thức của Ngày Thứ Tư Lễ Tro, chúng con sẽ không tham dự với một tâm hồn rỗng tuếch, nhạt nhẽo và thiếu ý thức, nhưng là với một tâm tình thấm hiểu tất cả ý nghĩa, lời mời gọi của Giáo Hội cho từng người trong chúng con. Và như vậy, mùa Chay thánh năm nay sẽ là cơ hội để chúng con có thể làm mới lại tâm hồn chúng con trong ân sủng của Thiên Chúa. Amen.

Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P