$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
SUY NIỆM LỜI CHÚA
»

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT II MÙA CHAY- NĂM A, Nt. Maria Túy Phượng, O.P

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 158 | Cật nhập lần cuối: 3/7/2020 3:38:14 PM | RSS

Mt 17, 1 – 9

Núi hoặc nơi cao theo quan niệm Kinh Thánh vẫn được hiểu là nơi hiển ngự của Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người: Trên núi Sinai, Thiên Chúa đàm đạo với Môi-sen và ban lề luật cho dân (x. Xh 19, 1-20), Abraham được yêu cầu lên núi sát tế con cho Thiên Chúa (x. St 22,1-19), tiên tri Elia vượt hành trình dài 40 ngày để lên núi Horeb gặp Thiên Chúa (x.1V 19, 1-9). Và, đến thời Đức Giêsu, Ngài cũng đã đưa ba môn đệ thân tín nhất là Phê-rô, Gia-cô-bê, Gio-an đi theo mình lên núi và biến hình trước mặt các ông. Việc Hiển Dung trên núi theo Mt 17, 1- 9 nói với chúng ta điều gì?

1. Đức Giê su: Vị Thầy Nhân Lành

Việc Hiển Dung của Đức Giêsu không nhằm diễn “show”, để câu “like” hoặc câu “view”. Thiên Chúa luôn tự tại và hạnh phúc trong chính Ngài. Mọi cuộc hiển ngự trải dài suốt Lịch sử Cứu độ cũng chỉ vì con người và cho con người.

Tin Mừng Mt 17, 1- 9 hôm nay nói đến cuộc Hiển Dung, được thực hiện vào thời điểm là: “Sáu ngày sau”. “Sau” điều gì? Trở ngược lại đoạn Tin Mừng Mt 16, 21-23 liền trước, chúng ta có lý để xác định thời điểm Hiển Dung: sáu ngày, sau khi Đức Giêsu tiên báo về cuộc Khổ Nạn; hoặc: sáu ngày, sau buổi giáo huấn thất bại của Thầy Giêsu. Qủa vậy, sáu ngày trước cuộc Hiển Dung, Đức Giêsu đã dành cho các môn đệ bài giáo huấn đầu tiên về cuộc Khổ Nạn, thế nhưng kết quả hoàn toàn khác với ước nguyện của Thầy Giêsu: “Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người…”. Đức Giêsu đã phản ứng lại thái độ của Phê-rô: “Xa-tan lui lại đàng sau Thầy!Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải của Thiên Chúa mà của loài người” (Mt 17,21-23). Hơn ai hết, Thầy Giêsu biết rõ tình trạng tồi tệ của môn đệ. Nhưng Ngài đã không ruồng rẫy, Ngài vẫn để cho mình bị liên lụy trong yếu đuối-sai lầm của môn đệ, cho các ông được nấp bóng và đi theo sau mình: “lui lại đàng sau Thầy!”. Để rồi, sáu ngày sau đó, trong yêu thương và kiên nhẫn, Đức Giêsu đã “mở khóa đào tạo” khác trên núi: “Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình.Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông” ( Mt 17, 1-2).Tình yêu không làm Vị Thầy Nhân Lành thất vọng về các môn đệ của mình, và Lòng thương xót đã khiến Đấng Cứu Độ như đồng cảm với sự yếu đuối của con người, Ngài đã tạm ngưng nói về cuộc Khổ Nạn, mà thay vào đó là việc biểu lộ vinh quang chói ngời của chính mình cho các môn đệ; để qua đó, giúp các ông tin tưởng vào Lời Người và cam đảm sống theo Lời Người.

2. Tin tưởng vào Đức Giê su – Đấng Cứu Độ - và vâng nghe lời Người

Vẻ vinh quang chói ngời của Đức Giêsu trong cuộc Hiển Dung trên núi đã cuốn hút trí lòng các môn đệ, mà đại diện là Phê-rô, nên rất hăng hái không chút do dự, Phê-rô đã xin định cư vĩnh viễn với Thầy tại nơi chan hòa ánh sáng này: “Lạy Ngài, chúng con ở đây thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều…”(Mt 17,4). Phê-rô chỉ thấy những sự kiện trên núi và chiêm ngắm Dung Nhan Đức Giêsu bằng “mắt thịt”, nên không thấu hiểu những gì mà Thầy đã cho các ông được thấy! Chính vì thế, ông đã vội nói và xin những điều theo ước muốn tự nhiên của xác phàm chứ không phải của Thiên Chúa. Thế nên, liền ngay đó: “khi ông còn đang nói”, thì một cuộc Hiển Dung nữa lại đến với các ông : “chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông và có tiếng từ đám mây phán rằng: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”(Mt 17,5).

Các môn đệ chưa đủ sức để nhận ra mạc khải của Thiên Chúa Cha về NGÔI LỜI và việc sống theo LỜI, nên:“ nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất” (Mt 17,6). Nhưng, Thiên Chúa qua Đức Giêsu – Ngôi Lời Làm Người - lại đến bên con người, chạm vào sự yếu đuối của con người và nâng con người lên: “ Bấy giờ Đức Giêsu lại gần, chạm vào các ông và bảo: trỗi dậy đi, đừng sợ! Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giêsu mà thôi” (Mt 17,7-8). Sự hiện diện của Con Thiên Chúa Làm Người và chính LỜI đã giải cứu các môn đệ, giúp các ông biết “ngước mắt lên”, nhìn vào “một mình Đức Giêsu” chứ không phải là ánh hào quang nào khác, hoàn toàn tin tưởng vào Lời của Người, để trỗi dậy, bước theo Người là “Vị Thiên Chúa không vinh quang”, xuống chân núi và hướng đến Giê-ru-sa-lem với cuộc Khổ Nạn.

Như vậy:

- Vinh quang và hạnh phúc đích thực mà người môn đệ phải tìm kiếm, chiêm ngưỡng và giữ lấy không ở đâu khác mà là chính Đức Giêsu và Lời của Người. Chính Người mới là Đấng Cứu Độ và chỉ nơi Người mới có Lời đem lại sự sống đời đời.

- Thánh Giá và Khổ Nạn là đường dẫn đến Vinh quang Phục Sinh. Hành trình theo Đức Giêsu cũng là hành trình rời “núi Biến Hình ” tiến đến “núi Khổ Nạn” để đi đến “núi Thăng Thiên”.

Lạy Đức Giêsu Vị Thầy Nhân Lành và cũng là Đấng Cứu Độ của chúng con, xin thương xót chúng con như đã xót thương các môn đệ xưa kia. Xin khai mở và uốn nắn lòng trí chúng con, cho chúng con khả năng nhận biết và cảm thấu tình Chúa yêu thương; để trong Tin –Yêu, chúng con biết lắng nghe và vâng giữ Lời Chúa, biết kiên trung và can trường cất bước theo Đức Giêsu trên mọi nẻo đường và trong mọi cảnh ngộ của cuộc sống trần gian, cho dẫu đó là nơi cao của vinh quang hay đáy sâu của khổ nạn. Xin cho chúng con luôn biết ngước nhìn vào chính Chúa như đích điểm cuộc đời để không lầm đường lạc hướng trên đường lữ thứ trần gian hôm nay. Amen

Nữ tu. Maria Nguyễn Thị Túy Phượng, O.P