$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
SUY NIỆM LỜI CHÚA
»

Làm nô lệ của Chúa Giêsu. Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Phục Sinh

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 263 | Cật nhập lần cuối: 5/7/2020 9:05:12 AM | RSS

Gioan 13,16-20

“Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giê-su nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em : tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi.” (c.16)

Trong bài đọc Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan trình thuật lại ở câu 16 ,cho chúng ta hình ảnh, vị trí tương quan giữa Đức Giêsu và các môn đệ của người. “Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giê-su nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em : tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi.”

Ở đây, chúng ta thấy Đức Giêsu nhắc đến hai hình ảnh “tôi tớ/ nô lệ” và “kẻ được sai đi”. Hai hình ảnh này có thể là mỗi người trong chúng ta trong mối tương quan với Chúa?

Nói đến “nô lệ” hay “tôi tớ”, dễ chừng chúng ta sẽ bị dội bởi danh từ và thân phận con người gắn liền với nó. Trong lịch sử nhân loại, chế độ nô lệ đã chà đạp lên phẩm giá con người, xem người nô lệ như một món hàng để trao đổi, thậm chí như đồ vật để người chủ có thể tung ném tùy thích. Mạng sống người nô lệ tùy thuộc vào tay ông chủ. Họ chẳng có quyền định đoạt đời mình. Và cho đến thời đại công nghệ 4.0 hôm nay, khi mà thế giới văn minh hơn, thì đâu đó, nhiều nơi trên thế giới vẫn còn đang tái diễn tình trạng mua bán con người, tình trạng nô lệ, tôi tớ vẫn còn tiếp diễn dưới nhiều hình thức tinh vi, nhức nhối hơn. Do đó, những lời kêu gọi của Giáo Hội hay của các phong trào đấu tranh vẫn vang lên, đòi chấm dứt tình trạng chủ - tớ, hay chủ -nô lệ, hay đòi buộc phải tôn trọng phẩm giá con người.

Vì thế, khi Đức Giêsu đề cập đến mối tương quan giữa chúng ta và Người được ví như mối liên hệ giữa chủ - tôi tớ/ chủ -nô lệ, khiến chúng ta có cảm thấy khó chịu?

Tuy nhiên, ở đây, Đức Giêsu lại cho chúng ta một cái nhìn rất khác về tương quan tình yêu giữa “chủ - tớ”/ hay “chủ -nô lệ”. Có đó một sự đảo ngược của việc cho đi và nhận lãnh.

Với những gì Đức Giêsu đã sống và làm cho những người môn đệ, là “tôi tớ” của Ngài, là một lời mời gọi chúng ta chọn lựa cho mình một sự thuộc về hay không thuộc về Ngài.

Đức Giêsu đã quỳ xuống rửa chân cho những người là môn đệ, được xem là tôi tớ của Ngài, một hành vi biểu lộ yêu thương, phục vụ, trao ban tình yêu. Đó là cách thức để giúp “người tôi tớ, người nô lệ” nhận ra tiềm năng và sự tròn đầy trong cuộc sống của họ. Trong cách thức này, “ông chủ” sẽ “truyền lệnh” cho người tôi tớ đón lấy tình yêu và hạnh phúc mà ông dành cho bầy tôi, nhưng không bao giờ vi phạm, hay xúc phạm nhân phẩm của anh ta.

Đó là cách thức, con đường mà Thiên Chúa bày tỏ với chúng ta, nên chẳng hề có đó nỗi sợ hãi của người tôi tớ, hay nô lệ của Thiên Chúa.

Thiên Chúa là một Đấng mà chúng ta muốn Ngài làm chủ đời của chúng ta. Khi chúng ta khao khát được Chúa làm chủ đời mình, chúng ta sẽ để cho bản thân mình được đắm chìm vào trong tình yêu của Thiên Chúa, được đón nhận yêu thương mà vẫn hoàn toàn tự do, và sống thật sung mãn trong phẩm giá của chính mình.

Thiên Chúa là Chủ, Ngài đối xử với chúng ta tốt gấp vạn vạn lần chúng ta đối xử với chính mình. Người sẽ trao tặng cho chúng ta một cuộc sống tuyệt đẹp của sự thánh thiện, hạnh phúc, nếu chúng ta để cho mình được trở thành “người nô lệ được yêu thương”. Thiên Chúa sẽ cho chúng ta những phương tiện cần thiết để đạt được tới tất cả những gì Ngài trao ban cho chúng ta nếu chúng ta để cho Ngài làm chủ đời mình.

Trở nên người nô lệ/ tôi tớ của Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta để cho bản thân mình tùng phục với thánh ý của Thiên Chúa, thi hành ý của Ngài, với mục đích tạ ơn và ca ngợi Thiên Chúa vì tất cả những gì Ngài đã làm trên cuộc đời chúng ta.

Trở nên người tôi tớ của Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta cam kết đi trên con đường của Ngài, với những lệnh truyền của Ngài, và cùng tham gia vào việc chia sẻ vinh quang của Ngài qua lối sống cụ thể của chúng ta.

Trở nên “người tôi tớ/ nô lệ của Thiên Chúa” là điều tuyệt vời và sẽ là mục đích của chúng ta trong cuộc sống. Hãy để cho chúng ta trở thành người nô lệ hoàn toàn của Thiên Chúa và với ý muốn của Ngài. Cam kết này sẽ bắt đầu đưa chúng ta đi tới một con đường tràn đầy niềm vui sướng. Amen.

Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P