$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
SUY NIỆM LỜI CHÚA
»

Chúa Nhật Lễ Lá năm B (Mc.14,1- 15.47)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 101 | Cật nhập lần cuối: 3/27/2021 8:11:15 PM | RSS

MỘT ĐẤNG THIÊN SAI ...

Trong suốt tuần qua Tin Mừng thánh Gioan cho thấy cuộc đối đầu giữa Chúa Giêsu và những đầu mục Do Thái càng ngày càng gay cấn, đã đi tới đỉnh điểm và họ tìm cách giết Ngài bằng mọi giá vì Ngài đã làm cho họ bẽ mặt, họ tức tối giương bộ mặt hằm hằm sát khí. Đang khi cuộc xung đột tới cao trào thì Chúa Giêsu lại hiên ngang đi vào thành Giêrusalem một cách trang trọng và ngoạn mục, làm cho người Do Thái đi đến quyết định sẽ giết Chúa Giêsu trong dịp lễ Vượt Qua này. Chúng ta sẽ tìm hiểu đoạn 14 và 15 qua Tin Mừng thánh Marcô hôm nay:

  1. Một Đức Kitô bị bỏ rơi, bị cô lập, bị cô đơn và lẻ loi

Nơi vườn Giệt Chúa Giêsu “đi ra đi vô” thúc giục các môn đệ tỉnh thức, điều ấy cho thấy Chúa Giêsu cảm thấy mình cô đơn cùng cực, vì trong suốt thời gian rao giảng không khi nào Chúa Giêsu than thở điều gì, thế mà lúc này Ngài đã thốt lên “Hồn Ta buồn quá đỗi, muốn chết được” (Mc.14,32-42). Trong khi Chúa Giêsu buồn khổ thì các tông đồ lại ngủ không sẻ chia với Ngài, đến khi Ngài bị bắt thì sợ và trốn chạy đến nỗi khố mất cũng không dám quay lại (Mc.14,51-52). Phêrô thì theo Ngài xa xa, mặc dù trước đó đã mạnh miệng “dù mọi người bỏ Thầy, con cũng không bỏ Thầy”(Mc.14,29). Giờ đây ông chối Thầy lia lịa, và tiếng gà đã gáy thức tỉnh ông, đồng thơi tiếng gà gáy ấy cũng làm cho Chúa Giêsu cảm thấy cô đơn hơn. Trên Thập giá Chúa Giêsu càng cảm thấy như bị Thiên Chúa Cha bỏ, bởi khi người ta cô đơn thì thường chạy đến với Thiên Chúa, lúc này Chúa Giêsu cầu cứu Cha, nhưng cũng lại thấy Thiên Chúa Cha im lặng nên Ngài đã phải thốt lên “ Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”, lời ấy diễn tả nỗi cô đơn cùng cực của Chúa Giêsu.

Đức Giêsu sống niềm tin một cách tuyệt đối không còn chỗ dựa nào khác ngoài Cha. Đức Giêsu sống thân phận của những con người công chính bị bỏ rơi (Tv.22). Những người sống theo sự thật cũng hay bị chống đối và bị bỏ rơi, nhất là sự thật ấy ngược với quần chúng. Tại sao Thiên Chúa lại để cho Con của Người có cảm thức bị bỏ rơi? Ngài muốn để “cái tôi” bị đóng đinh, bị thanh luyện một cách triệt để, để chỉ sống “vì Người”, “vì Cha”, một tình yêu hoàn toàn trong sáng. Chính lúc đó Chúa Giêsu mới được tuyên xưng: “ông này quả là Con Thiên Chúa”. Vậy Người Tôi Tớ đau khổ là người tôi tớ đang được Thiên Chúa thanh lọc.

  1. Đỉnh cao của Marcô có phải là lời tuyên xưng của người lính không ?

Thánh sử muốn người ta nhìn nhận Chúa Giêsu chính là Đức Kitô, là Con Thiên Chúa. Tước hiệu này đã được Thiên Chúa Cha nhìn nhận trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa (Mc.1,11), Phêrô tuyên xưng khi được Chúa Giêsu cật vấn (Mc.8,29), khi trên núi biến hình (Mc.9,7), quỉ sứ cũng biết (Mc.5,7; 3,11), các tông đồ cũng nhìn nhận, nhưng đều bị Chúa Giêsu cấm không được tiết lộ (Mc.1,25 ;3,11-12; 8,30 ;9,9). Chúa Giêsu luôn cấm những người được Chúa chữa lành nói Ngài là ai, vì lòng dân chúng chưa sẵn sàng, họ đang quan niệm sai về một Đấng Messia chính trị, nếu nói ra họ sẽ hiểu theo chiều hướng đó mà nổi loạn, chống lại Roma để tôn Ngài làm vua, và dân Roma sẽ đến sát phạt dân. Lúc đó vì thương dân, Ngài sẽ ra tay cứu giúp họ, như thế Ngài sẽ đi trệch con đường Thiên Sai Người tôi tớ. Như thế, Chúa Giêsu sẽ không thể thực hiện được Thánh Ý của Chúa Cha muốn là Người Tôi Tớ của Giavê. Chúa Giêsu không muốn người ta gọi Ngài là Messia hay Con Thiên Chúa khi ngài chưa hoàn thành sứ vụ Messia. Tước hiệu Messia như một tiến trình sống, một sự trở nên. Vì thế, người Kitô hữu không nên quan niệm là một tước hiệu mà là một cuộc sống. cuộc sống của tôi có phải là cuộc sống Kitô hữu hay không, đó mới là vấn đề quan trọng chứ không phải chỉ có danh xưng Kitô hữu.

Nhưng tới thời điểm đứng trước Philatô Chúa Giêsu không ngần ngại nhận mình là Đức Kitô (Mc.14,60-62) và cao trào là Viên Bách Quản, một lương dân nhận ra Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa trong khi Ngài đang chịu đau khổ trên Thập Giá. Đây là điều Chúa Giêsu mong mỏi và Thiên Chúa ban ơn mạc khải cho (Mc.15,39), và cũng là điều thánh sử Marcô muốn nói: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và Tin Mừng phổ quát đã bắt đầu. Tương tự như người trộm lành trong Luca. Tất cả nỗ lực của Chúa Giêsu chỉ nhằm mục đích đó là chuẩn nhận lương dân tuyên xưng. Đoạn này là đỉnh cao của Tin Mừng Marcô, quan trọng ở chỗ Chúa Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Đó là mục đích của toàn tác phẩm. Khi suy niệm phải nhận ra Đức Giêsu là Đức Kitô Con Thiên Chúa, cảm nghiệm thế nào là Đức Kitô và thế nào là Con Thiên Chúa- Đó là con người bị khai trừ, bị đóng đinh, là con người được Thiên Chúa Cha sai đến cứu chúng ta bằng con đường đau khổ. Con Thiên Chúa nghĩa là Ngài là Đấng yêu thương và quyền năng. Quyền năng tỏ lộ qua sự yếu đuối, ở chỗ cho con người tự đóng đinh mình.

Lạy Chúa Giêsu, việc Chúa tiến vào Giêrusalem cho thấy Nước Thiên Chúa đang đến. Vị Vua Messia sắp hoàn thành Nước Thiên Chúa bằng cuộc Vượt Qua của Ngài. Đó cũng là Đức Kitô hoàn tất lời tiên tri về Ngài. Đấng gánh lấy sỉ nhục của nhân loại. Xin cho chúng con nhận ra rằng chính qua đau khổ và cái chết mà Đức Kitô được tôn vinh, để chúng con đừng bao giờ từ chối khổ đau mà Chúa gửi đến. Và khung cảnh Tuần Thánh cũng dẫn chúng con đi vào thinh lặng để chiêm ngắm tình yêu không bờ bến của Chúa, tình yêu của một Thiên Chúa thánh thiện và vô tội, đã cúi xuống mang lấy tất cả tội lỗi của chúng con và thiêu hủy nó trong tình yêu của Ngài. Xin cho chúng con trong những ngày này được chìm đắm trong tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã yêu trần gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin thì không phải chết.

Nt. Maria Tăng thị Thiêng op