$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
SUY NIỆM LỜI CHÚA
»

Lễ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội. (1/6/2020)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 320 | Cật nhập lần cuối: 5/31/2020 4:01:18 PM | RSS

Trong Hiến Chế Lumen Gentium, số 53, Công Đồng Vatican II đã nói đến mối tương quan giữa Mẹ Maria và Giáo hội “Giáo Hội Công Giáo, được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, dâng lên Người tình con thảo, như đối với một người Mẹ rất dấu yêu.” Điều này cho thấy Giáo Hội tự nhận mình là con của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng là Mẹ của Đức Giêsu, là Đấng thiết lập Giáo Hội và là đầu của Giáo Hội.

Trong khi bày tỏ và mô tả mối quan hệ với Đức Trinh Nữ Maria, Giáo Hội nhìn nhận Mẹ chính là người Mẹ tuyệt vời nhất của Giáo hội. Giáo Hội xác tín rằng, vì Đức Maria khi nhận làm Mẹ của Chúa Giêsu, nên điều này cũng có nghĩa rằng Mẹ là Mẹ Giáo Hội. Vì vậy, Giáo Hội gián tiếp tuyên bố Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của Giáo hội như Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã tuyên bố “Đức Maria, với tư cách là Mẹ Đức Kitô cũng là Mẹ của tất cả mọi tín hữu và các chủ chăn, nghĩa là Mẹ Giáo Hội”.

Với tước hiệu “Mẹ Giáo Hội”, chúng ta có thể tìm thấy sự phong phú của tước hiệu từ những trang Kinh Thánh và trong truyền thống của Giáo Hội từ xa xưa đến ngày nay.

Đức Maria trở nên Mẹ Giáo Hội, từ tiếng Xin Vâng

Ngay từ những phút giây của biến cố Truyền tin (x. Lc 2,26-35), tiếng Xin Vâng của Mẹ không chỉ là lời đáp trả ưng thuận và vâng theo thánh ý Thiên Chúa, để đón nhận cưu mang Ngôi Lời, nhưng còn là cùng cộng tác với Thiên Chúa để bắt đầu khai mở Vương quốc mà Đức Giêsu là Đầu, đó chính là Giáo Hội do chính Đức Giêsu Kitô thiết lập.

Mẹ đón nhận thánh ý của Thiên Chúa, để không chỉ trở nên Mẹ của Đấng Cứu Chuộc, nhưng còn là Mẹ của những người được cứu chuộc, vì thế Mẹ là Mẹ Giáo hội 9x. Ep 1, 22-23)

Đức Maria trở nên Mẹ Giáo Hội, khi cộng tác ghi dấu đức tin nơi cộng đoàn

Bắt đầu sứ vụ công khai của Đức Giêsu, Mẹ Maria đã đóng vai trò cộng tác tích cực trong việc ghi dấu đức tin nơi cộng đoàn các môn đệ đầu tiên tại Cana, khi nài xin Con Mẹ làm phép lạ để mặc khải nguồn gốc thần linh của Con Mẹ (x. Ga 2,2-11), khai mở Nước Thiên Chúa, một nước bắt đầu và nẩy mầm nơi Giáo hội (x. LG 5).

Đức Maria trở nên Mẹ Giáo Hội, khi đón nhận những môn đệ của Con Mẹ

Dưới chân cây thập giá, Đức Giêsu đã trao cho Mẹ của Người Giáo Hội mà Người thiết lập, vì thế Mẹ làm Mẹ Giáo Hội khi đứng dưới chân Thánh Giá Chúa Kitô: “Đây là con Bà… Đây là mẹ con” (Ga 19,25-27). Và khi trao gửi người môn đệ cho Mẹ, Đức Giêsu không chỉ trao người môn đệ yêu dấu cho Đức Maria, nhưng Người còn trao gửi các tông đồ, các môn đệ cho Mẹ. Nên Đức Maria là Mẹ của tất cả những ai đi theo Người, là môn đệ của Người.

Đức Maria trở nên Mẹ Giáo Hội, khi đồng hành cùng với các tông đồ

Kinh Thánh cho chúng ta cái nhìn về sự đồng hành của Đức Maria với Giáo Hội thời kỳ đầu, khi Giáo hội còn non trẻ. Sau khi Chúa Giêsu về trời, Đức Maria đã cùng cầu nguyện trong căn phòng Tiệc Ly. Mẹ trở thành Mẹ Giáo hội khi ở cùng với các Tông đồ trong căn phòng Tiệc Ly vào ngày Lễ Ngũ Tuần, ngày khai sinh Giáo Hội, khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên mọi người dưới hình lưỡi lửa (x. Cv 1,14). Sự hiện của Đức Maria nơi căn phòng Tiệc Ly, đã nhấn mạnh đến vai trò của Mẹ trong những ngày đầu tiên của Kitô giáo. Và với sự ủy thác của Chúa Giêsu, Mẹ luôn có đó một sự tương quan rất gần gũi với đời sống và hoạt động của Giáo Hội.

Đức Maria, Mẹ của Giáo Hội, hôm qua và hôm nay

Trong Kinh Thánh và trong truyền thống, Đức Maria được nhìn thấy như là một đấng, mà Giáo hội đầu tiên đã nhìn vào trong việc loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu, sau khi Ngài lên trời. Với tước hiệu “Mẹ Giáo Hội”, Giáo hội muốn bày tỏ lòng sùng kính của mình với Đức Maria, cũng như chân nhận vai trò đặc biệt của Mẹ trong Giáo Hội của Chúa Giêsu, Con Mẹ. Điều này cũng chạm đến con tim và lòng đạo đức của chúng ta, khi mà thực tế, chúng ta nhận ra vị trí không thể thiếu vắng cùa Mẹ trong đời sống của mỗi người chúng ta, trong bất cứ một hoàn cảnh nào.

Và chính nơi Đức Maria, Mẹ vẫn tiếp tục bày tỏ vai trò là Mẹ của Giáo Hội qua mọi thời đại. Điều này được minh chứng rất rõ nét qua rất nhiều biến cố, sự kiện của Giáo Hội mà hình bóng Mẹ luôn ở đó, che chở và đồng hành với Giáo Hội, con Mẹ mỗi khi Giáo Hội, các tín hữu gặp nguy nan, hay kêu cầu tha thiết. Mỗi lần kêu cầu đến Mẹ, Giáo Hội và tất cả chúng ta đều cảm thấy bình an và hy vọng vì tin rằng Mẹ luôn đoái thương, che chở và khẩn cầu cùng Chúa cho chúng ta.

Nơi mỗi người chúng ta, Mẹ trở nên một khuôn mẫu tuyệt vời về tình yêu thương nơi người mẹ, một người phụ nữ- người mẹ của đức tin, một môn đệ của Đức Giêsu, và là một người phục vụ người khác. Chúng ta có thể học từ nơi Đức Maria nếu chúng ta đẻ cho Mẹ là Mẹ của chúng ta, như Thánh Gioan đã làm, và đón Mẹ về nhà của chúng ta.

Chúng ta hãy xin Mẹ là Mẹ của chúng ta. Hãy nói với Mẹ như là Mẹ của mình, bởi vì điều thực sự không thể phủ nhận: Mẹ là Mẹ của chúng ta, là Mẹ của Giáo Hội. Khi chúng ta nhận ra điều tuyệt vời này, cuộc đời chúng ta sẽ bình an, hạnh phúc và hy vọng hơn vì tin có Mẹ luôn đỡ nâng chở che Giáo Hội và từng con cái Mẹ. Amen.

Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P