$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Đào tạo
»

VÂNG PHỤC, HUYỀN NHIỆM CỦA TỰ DO

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1641 | Cật nhập lần cuối: 3/29/2018 9:51:14 AM | RSS

  • TỰ DO

Mọi người đều yêu quý tự do.

Tự do là vốn sống của con người, là một trong những giá trị để phân biệt người với những đối thể khác không phải là người.

Con người yêu quý tự do như yêu quý sự sống.

Và cách nào đó, tự do được trân trọng như một phần thuộc phẩm chất người.

Trên trang sử nhân loại đã có bao nét chữ TỰ DO được ghi bằng MỰC MÁU.

Đức Giêsu Kitô cũng đã góp Máu Ngài trên trang sử Cứu Độ và vì Tự Do của nhân loại.

Tự do là gì nhỉ?

Phải chăng là quyền làm tất cả những gì mình muốn?

Thiết tưởng không phải thế, trên hành tinh chúng ta từ cổ chí kim chưa hề thấy có một tập thể, một cộng đồng quốc gia nào nhìn nhận thứ tự do này: quyền làm tất cả những gì mình muốn.

Theo giáo lý của Giáo hội, tự do là khả năng hành động hoặc không hành động, làm cái này hay làm cái kia, và như vậy tự mình thực hiện những hành động có suy nghĩ.

Cũng theo Giáo lý của Giáo Hội, tự do còn là sức mạnh để tăng trưởng và trưởng thành trong chân lý và sự tốt lành. Tự do đạt tới mức hoàn hảo khi nó qui hướng về Thiên Chúa là nguồn phúc của con người (GLGHCG,1992,số 1731).

Như vậy, tự do không phải là phóng túng hay một thứ năng lực không bị kiềm hãm hay kiểm soát. Cũng không thể hiểu tự do đơn giản như là quyền tự định đoạt về chính mình mà là một khả năng tự đảm nhận trách nhiệm đối với hạnh phúc cứu cánh của đời người.

Vì, Thiên Chúa ban cho con người quyền tự do để nó có thể tự mình tìm kiếm Đấng Tạo Hoá của nó và đạt tới sự toàn hảo đầy đủ và diễm phúc. (x.GLGHCG, 1992 , số 1730)

Tự do là một giá trị và là ân ban của Thiên Chúa dành riêng cho con người. Và vì là một giá trị và ân ban của Thiên Chúa, tự do không thể bị đánh mất. Từ đó cũng có thể nói được : con người sẽ không còn là người đúng như “nó là” nếu không có tự do.

  • TỰ DO VỚI VÂNG PHỤC DÂNG HIẾN

Vâng phục, hạn từ mà thoạt nghe người ta có cảm nghỉ mang nghĩa “hạn chế sự tự do”.

Liệu có thể còn có hành vi tự do không khi thực hiện việc vâng phục?

Lời khấn vâng phục phải chăng là “bản án tử” cho quyền tự do của người tu sĩ ?

M.Dolores có thể cho chúng ta câu trả lời: “Tuân thủ chủ nghĩa phát sinh do sự sợ hãi, trong khi sự tuân phục đích thực xuất phát từ tình yêu” (Lm Ngô .V. Vững, Dâng Hiến Sáng Tạo, tr 128).

Thiên Chúa không thiết lập những “trại tù” cho tu sĩ ! Và Ngài cũng chẳng rút ân huệ “làm người” nơi những kẻ Ngài tuyển chọn ( nếu tự do được hiểu như một ân huệ thuộc phẩm cách người) .

Quả thực, cuộc sống người tu sĩ do hiệu năng lời khấn vâng phục không còn là của riêng họ nhưng thuộc về “cái khác họ”, và cụ thể là đời sống họ phải qui thuận theo lệnh truyền của Bề trên trong những điều thuộc tu luật và hiến pháp Dòng. Nhưng, sự qui thuận này không phải là sự cưỡng bách – tuân thủ chủ nghĩa - mà là hành vi tự nguyện của tình yêu. Chính tình yêu làm cho người tu sĩ tự do trong vâng phục. “Mệnh lệnh” trong vâng phục không trở thành sức ép cưỡng chế trên người thực hiện mà đơn giản là “ đề nghị” của tình yêu, “lời ngỏ” của tình thông hiệp, chia sẻ trách nhiệm.

Tự do và vâng phục không mâu thuẫn và loại trừ nhau.

Tự do được củng cố nhờ đức tuân phục (x.LG,45).

Và vì có tự do, nên hành vi chọn tuân phục của con người là hành vi nhân linh chứ không phải một thứ sinh hoạt máy móc hay bản năng.

VÂNG PHỤC, HUYỀN NHIỆM CỦA TỰ DOSự tuân phục của tu sĩ chẳng những không giảm bớt phẩm giá con người, mà còn đưa tới sự trưởng thành bằng cách phát triển tự do của con cái Chúa (x. PC,14)

Người tu sĩ vâng phục hạn chế tự do tới mức tối đa, nhưng vì họ tình nguyện, cho nên họ đã chấp nhận sự hạn chế ấy một cách rất tự do, để đạt tới một thứ tự do thanh cao hơn, ấy là Tự Do Yêu Mến Thiên Chúa … bằng vâng phục, họ đã bảo đảm cho mình quyền tự do yêu mến Thiên Chúa cách chuyên biệt, hoàn bị và hết tình (x. Lm Nguyễn Văn Liêm, Dạ Con Đây, P.107)

Tuân phục không phải chỉ là hành vi “tự do”, “tự nguyện chọn lấy” mà còn là “huyền nhiệm của tự do”, tức là một hành vi tự do được thực hiện trong chiều kích siêu linh, vì giá trị siêu linh.

Tuân phục hướng đến “Caritas” – Đức ái hoàn hảo - cũng là hướng đến Thiên Chúa, “đức ái viết hoa”. Hướng đến Thiên Chúa cùng lúc cũng là dứt khoát loại bỏ những gì cản bước chân, chặn hướng nhìn nhắm về cùng đích. Tuân phục là hành vi tự do nhưng không loại trừ khổ đau và từ bỏ. Chính Đức Giêsu đã trải qua đau khổ dãi dầu mà học cho biết vâng phục ( Dt 5,8). Nhưng khổ đau không phải là cứu cánh. Đức Giêsu không tìm khổ đau trong vâng phục, Ngài vâng phục vì yêu mến Chúa Cha; lương thực của Ngài, sự sống của Ngài là ý của Chúa Cha (Ga4,34; Ga5,30 ; Ga6,38).

Vâng, giá trị siêu việt của tuân phục là trở nên một với Thiên Chúa: Đức tuân phục ăn rễ sâu vào địa vị Con Thiên Chúa của Đức Giêsu, trong cả hành vi nhiệm sinh vĩnh hằng của Ngôi Con từ Ngôi Cha, trong tình yêu tuyệt vời của Chúa Con dành cho Chúa Cha và trong cả ý chí cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi ( Đời tu dưới ánh sáng của công đồng Vatican II và giáo luật, P.393).

Và, quả là không sai để có thể kết rằng:

Tuân phục, hành vi tự do

Tuân phục, việc làm của tình yêu

Tuân phục, một lối mở tự do, dẫn đưa vào huyền nhiệm tình yêu giữa Thiên Chúa và con người.

Nữ tu Maria Nguyễn Thị Túy Phượng