$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Đào tạo
»
»
Thần học

Tông Huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ- Chương III: TRONG ÁNH SÁNG CỦA TÔN SƯ

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 760 | Cật nhập lần cuối: 4/25/2018 3:50:05 PM | RSS

TÔNG HUẤN HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ (GAUDETE ET EXSULTATE)

(tiếp theo)

– Lm Lê Công Đức, PSS., dịch –

CHƯƠNG III : TRONG ÁNH SÁNG CỦA TÔN SƯ

  1. Có thể có vô số lý thuyết về điều gì làm nên sự thánh thiện, với những giải thích và những sự phân biệt khác nhau. Suy tư như thế có thể hữu ích, nhưng không có gì khai trí hơn là hướng về để nghe lời của Chúa Giêsu và nhìn cách Người giảng dạy sự thật. Chúa Giêsu giải thích một cách vô cùng dung dị đâu là ý nghĩa của việc nên thánh khi Người trao cho chúng ta Các Mối Phúc (x. Mt 5,3-12; Lc 6,20-23). Các Mối Phúc giống như một căn cước Kitô hữu. Vì thế, nếu có ai hỏi: “Người ta phải làm gì để trở thành một Kitô hữu tốt?”, thì câu trả lời thật rõ. Chúng ta phải làm, mỗi người theo cách của mình, những gì Chúa Giêsu dạy chúng ta trong Bài Giảng Trên Núi. [66] Trong Các Mối Phúc, chúng ta gặp thấy một chân dung của vị Tôn Sư, và chúng ta được mời gọi phản chiếu chân dung này trong đời sống hằng ngày của mình.
  2. Từ “hạnh phúc” hay “được chúc phúc”, vì thế, trở thành từ đồng nghĩa với “thánh thiện”. Nó diễn tả sự thật rằng những ai trung thành với Thiên Chúa và lời của Ngài, bằng cách trao hiến chính mình, thì đạt được hạnh phúc đích thực.

LỘI NGƯỢC DÒNG

  1. Mặc dù những lời của Chúa Giêsu có thể trao cho ta ấn tượng đầy thi vị, những lời ấy rõ ràng đi ngược với cách người ta sống trong thế giới hôm nay. Ngay cả dù chúng ta nhận thấy sứ điệp của Chúa Giêsu đầy lôi cuốn, thế giới vẫn đẩy chúng ta về một lối sống khác. Các Mối Phúc không hề lỗi thời hay dễ dãi, mà hoàn toàn ngược lại như thế. Chúng ta chỉ có thể thực hành Các Mối Phúc nếu Chúa Thánh Thần đổ đầy trong chúng ta sức mạnh của Ngài và giải phóng chúng ta khỏi sự yếu hèn, ích kỷ, tự mãn và kiêu ngạo của mình.
  2. Chúng ta hãy lắng nghe Chúa Giêsu một lần nữa, với tất cả yêu thương và kính trọng mà vị Tôn Sư đáng nhận được. Chúng ta hãy cho phép những lời của Người làm xáo trộn chúng ta, thách đố và đòi hỏi chúng ta có một sự thay đổi thật sự trong lối sống của mình. Nếu chẳng vậy, sự thánh thiện sẽ vẫn không là gì hơn một từ trống rỗng. Giờ đây chúng ta tập chú vào từng Mối Phúc trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu (x. Mt 5,3-12). [67]

“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”

  1. Tin Mừng mời gọi chúng ta nhìn kỹ vào tận sâu thẳm tâm hồn mình, để thấy đâu là nơi chúng ta tìm thấy sự an toàn của mình trong đời sống. Người giàu thường cảm thấy an toàn nơi của cải, và nghĩ rằng nếu của cải ấy bị đe dọa thì tất cả ý nghĩa cuộc sống của họ trên đời này có thể tan tành. Chính Chúa Giêsu nói với ta điều này trong dụ ngôn về người giàu ngu ngốc: Người nói về một ông kia rất tự tin nơi mình, nhưng ngu ngốc, vì ông không hề biết rằng ông có thể chết ngay hôm ấy (x. Lc 12,16-21).
  2. Của cải chẳng bảo đảm được gì. Thật vậy, một khi ta nghĩ mình giàu, chúng ta có thể trở thành tự mãn đến nỗi không còn chỗ nào cho lời Chúa, cho tình yêu đối với anh chị em mình, hay cho việc thưởng thức những điều quan trọng nhất trong đời sống. Bằng cách đó, chúng ta hụt mất kho tàng lớn lao nhất. Vì thế Chúa Giêsu gọi những ai có tinh thần nghèo khó là những người có phúc, họ có một trái tim tội nghiệp, và Chúa có thể đi vào đó với tính mới mẻ mãi của Người.
  3. Sự khó nghèo thiêng liêng thì gắn chặt với điều mà Thánh Inhaxiô Loyola gọi là “bình tâm thánh thiện”, vốn đưa chúng ta tới một sự tự do nội tâm ngời sáng: “Chúng ta cần tự rèn luyện để có thái độ bình tâm đối với mọi thụ tạo, trong tất cả những gì mà ý chí tự do của mình được phép chứ không bị cấm cản; sao cho về phần mình, chúng ta không nghiêng chiều về sức khỏe hơn là đau ốm, giàu có hơn là nghèo khó, danh dự hơn là ô nhục, sống lâu hơn là mệnh yểu, và mọi điều tương tự như thế”. [68]
  4. Luca không nói về sự nghèo khó “trong tinh thần” nhưng đơn giản nói về những người “nghèo” (x. Lc 6,20). Như vậy, vị thánh sử cũng mời gọi chúng ta sống một đời sống khổ hạnh và giản dị. Ngài mời gọi chúng ta chia sẻ đời sống của những người túng thiếu nhất, đời sống của các Tông đồ, và nhất là nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, Đấng tuy giàu có, “đã tự nguyện trở nên nghèo khó” (2Cr 8,9).

Nghèo khó trong tâm hồn: đó là thánh thiện.

“Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp”

  1. Đây là những lời mạnh mẽ trong một thế giới mà ngay từ ban đầu đã là nơi của xung đột, bất đồng và thù địch ở mọi phía, nơi mà chúng ta thường xuyên xếp loại người khác dựa trên tư tưởng của họ, dựa trên tập tục và thậm chí cách nói năng hay cách ăn mặc của họ. Cuối cùng, đó là sự ngự trị của thói tự phụ và kiêu căng, trong đó người ta nghĩ mình có quyền thống trị kẻ khác. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đề ra một lối xử sự khác, dù có vẻ như là điều không thể, đó là con đường hiền hòa. Đây là cách mà ta thấy Người sống với các môn đệ. Ta cũng chiêm ngắm điều này khi Người vào thành Giêrusalem: “Này đây, đức vua của ngươi đang đến với ngươi, khiêm nhường ngồi trên lưng lừa” (Mt 21,5; Dcr 9,9).
  2. Đức Kitô nói: “Hãy học với tôi; vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường, và tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29). Nếu chúng ta thường xuyên khó chịu và nóng nảy với người khác, chúng ta sẽ đi đến kiệt quệ và mệt mỏi. Nhưng nếu chúng ta đối diện những sai lỗi và những giới hạn của người khác với sự dịu dàng và hiền hòa, không ra vẻ kẻ cả, thì chúng ta có thể thực sự giúp ích họ và không còn phí năng lực vào việc phàn nàn vô ích. Thánh Têrêsa Lisieux nói với chúng ta rằng “đức ái trọn hảo hệ tại ở việc đón nhận những sai lỗi của kẻ khác, và không bị vấp ngã vì những lỗi của họ”. [69]
  3. Thánh Phaolô nói về sự hiền lành như một trong những hoa quả của Chúa Thánh Thần (x. Gl 5,23). Ngài cho rằng nếu một hành động sai của người anh chị em nào đó làm phiền ta, chúng ta nên cố gắng sửa lỗi họ, nhưng “với một tinh thần hiền lành”, bởi vì “cả bạn nữa cũng có thể bị cám dỗ” (Gl 6,1). Ngay cả khi chúng ta bảo vệ đức tin và những niềm xác tín của mình, chúng ta cũng phải làm thế “một cách hiền hòa” (x. 1Pr 3,16). Cũng phải cư xử với những kẻ thù mình “một cách hiền hòa” (2Tm 2,25). Trong Giáo hội, chúng ta thường sai lỗi do không đáp lại yêu cầu này của lời Chúa.
  4. Hiền lành là một cách diễn tả sự nghèo khó bên trong của những ai đặt tin tưởng vào chỉ một mình Thiên Chúa. Thật vậy, trong Thánh Kinh cùng một từ “anawim” thường nói đến cả những người nghèo khó lẫn những người hiền lành. Có người có thể chống chế: “Nếu tôi hiền như vậy, người ta sẽ cho tôi là một tên ngốc, một kẻ khờ hay nhu nhược”. Đúng là đôi khi người ta nghĩ vậy, nhưng vậy cũng không sao. Hiền lành luôn luôn là điều tốt hơn, vì như vậy những khát vọng sâu xa nhất của chúng ta sẽ được lấp đầy. Người hiền lành “sẽ được đất làm cơ nghiệp”, vì họ sẽ nhìn thấy các lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện trong đời sống mình. Trong mọi hoàn cảnh, người hiền lành đặt hy vọng nơi Chúa, và những ai đặt hy vọng vào Chúa thì sẽ sở hữu được đất… và cảm nhận được sự bình an tròn đầy (x. Tv 37,9.11). Về phần Ngài, Chúa tin tưởng nơi họ: “Kẻ được ta đoái nhìn, đó là người khiêm nhường, người có tâm hồn tan nát, người biết kính sợ lời ta” (Is 66,2).

Cư xử với sự hiền lành và khiêm nhường: đó là thánh thiện.

“Phúc cho những ai than khóc, vì họ sẽ được ủi an”

  1. Thế giới nói với chúng ta điều hoàn toàn ngược lại: giải trí, thú vui, tiêu khiển và thoát ly thực tế mới làm cho đời vui. Con người thế gian tránh né các vấn đề đau ốm hay buồn phiền nơi gia đình hay ở xung quanh mình; họ quay mặt đi chỗ khác. Thế giới không muốn than khóc; nó không quan tâm đến những hoàn cảnh đau thương, và tìm cách che giấu các hoàn cảnh ấy. Người ta tiêu tốn nhiều năng lực để trốn tránh đau khổ với niềm tin rằng họ có thể che lấp được thực tế. Nhưng thập giá chẳng bao giờ vắng bóng.
  2. Một người biết nhìn sự vật đúng như sự thật của chúng và biết cảm thông với những nỗi buồn đau, đó là người có thể chạm đến những chiều sâu của đời sống và tìm thấy hạnh phúc chân thực. [70] Người ấy được ủi an, không phải bởi thế gian nhưng là bởi Chúa Giêsu. Những người như thế không ngại chia sẻ khổ đau của người khác; họ không trốn tránh các hoàn cảnh đau buồn. Họ khám phá ý nghĩa của đời sống qua việc đi đến giúp đỡ những ai đau khổ, cảm thông nỗi khốn khó của người ta và đem lại sự xoa dịu. Họ cảm nhận rằng tha nhân là thịt bởi thịt mình, họ không sợ đến gần, ngay cả chạm đến những vết thương nơi người ấy. Họ chạnh lòng thương cảm người khác đến nỗi mọi khoảng cách đều không còn. Bằng cách đó họ sống giáo huấn của Thánh Phaolô: “Hãy khóc với người khóc” (Rm 12,15).

Biết cách khóc than với tha nhân: đó là thánh thiện.

“Phúc cho những ai đói khát công lý, vì họ sẽ được thỏa lòng”

  1. Đói và khát là những kinh nghiệm nhức nhói, vì chúng liên quan tới các nhu cầu căn bản và bản năng sống còn của chúng ta. Có những người mong mỏi công lý và khát khao sự chính trực với cùng cường độ như vậy. Chúa Giêsu nói rằng họ sẽ được thỏa lòng, vì sớm hay muộn công lý sẽ đến. Chúng ta có thể cộng tác để làm cho điều đó thành hiện thực, cho dù có thể chúng ta không luôn luôn nhìn thấy kết quả những cố gắng của mình.
  2. Chúa Giêsu đem lại một nền công lý khác với thứ công lý của thế gian, là thứ vốn thường bị phá hỏng bởi những lợi ích tầm thường và bị làm méo mó bằng nhiều cách. Kinh nghiệm cho thấy người ta thật dễ vướng vào tham nhũng, dễ bị mắc bẫy trong thứ chính trị đổi chác hằng ngày, trong đó mọi sự trở thành việc mua bán. Biết bao người phải chịu sự bất công, phải đành bất lực đứng bên lề trong khi những kẻ khác thu tóm hết những béo bở của cuộc sống này. Một số bỏ cuộc, không đấu tranh cho công lý đích thực nữa và chọn thỏa hiệp với những kẻ nắm ưu thế. Điều này không liên quan gì tới nỗi đói khát công lý mà Chúa Giêsu biểu dương.
  3. Công lý thực sự đến trong đời sống của người ta khi họ công chính trong các quyết định của mình; nó được diễn tả nơi việc họ tìm kiếm công lý cho người nghèo và người yếu thế. Trong khi quả thực là từ “công lý” có thể là một từ đồng nghĩa với sự trung thành với thánh ý Thiên Chúa trong mọi khía cạnh của đời sống chúng ta, nếu chúng ta hiểu từ này theo một nghĩa quá rộng, thì chúng ta quên rằng nó được diễn tả cách đặc biệt trong công lý cho những người yếu đuối nhất: “Hãy tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, bảo vệ cô nhi, biện hộ cho quả phụ” (Is 1,17).

Đói khát sự công chính: đó là thánh thiện.

“Phúc cho những ai thương xót, vì họ sẽ được xót thương”

  1. Lòng thương xót có hai phương diện. Nó liên quan đến việc chia sẻ, giúp đỡ và phục vụ người khác, nhưng nó cũng bao gồm sự tha thứ và cảm thông. Matthêu đúc kết trong một qui tắc vàng: “Trong mọi sự, hãy làm cho người khác những gì bạn muốn họ làm cho mình” (7,12). Sách Giáo lý nhắc chúng ta rằng luật này phải được áp dụng “trong mọi trường hợp”, [71] nhất là khi chúng ta “đứng trước những hoàn cảnh làm cho các phán quyết luân lý ít chắc chắn và làm cho việc quyết định trở thành khó khăn”. [72]
  2. Trao hiến và tha thứ có nghĩa là tái sản xuất trong đời sống chúng ta một mức bé nhỏ của sự hoàn hảo nơi Thiên Chúa, Đấng trao hiến và thứ tha vô ngần vô lượng. Vì thế, trong Tin Mừng Luca chúng ta không nghe bảo “Hãy nên hoàn thiện” (Mt 5,48), nhưng là: “Hãy thương xót, như Cha anh em là Đấng thương xót. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Hãy tha thứ, thì anh em sẽ được Thiên Chúa thứ tha; hãy cho, thì anh em sẽ được Thiên Chúa cho lại” (6,36-38). Rồi Luca thêm một điều mà chúng ta không thể bỏ qua: “Anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (6,38). Trao mức nào, sẽ nhận mức đó. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này.
  3. Chúa Giêsu không nói: “Phúc cho những ai rắp tâm trả thù”. Người gọi là “phúc” đối với những ai tha thứ và tha thứ “bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Chúng ta cần nghĩ về chính chúng ta như một đoàn quân của những người được tha thứ. Tất cả chúng ta đều đã được lòng trắc ẩn của Thiên Chúa nhìn đến. Nếu chúng ta đến với Chúa với lòng chân thành và chăm chú lắng nghe, sẽ có những lúc chúng ta nghe Người trách cứ: “Ngươi không phải thương xót đồng bọn, như ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,33).

Biết nhìn và biết hành động với lòng thương xót: đó là thánh thiện.

“Phúc cho những ai có trái tim trong sạch, vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa”

  1. Mối Phúc này nói về những ai có tâm hồn đơn sơ, thuần khiết và không uế nhiễm, vì một trái tim có khả năng yêu thương thì không chấp nhận bất cứ gì có thể làm tổn hại, yếu nhược hay gây nguy hiểm cho tình yêu ấy. Thánh Kinh dùng hình ảnh trái tim để diễn tả những ý hướng thực sự của chúng ta, những gì mà chúng ta thực sự tìm kiếm và khao khát, khác với tất cả những vẻ bên ngoài. “Con người nhìn vẻ bên ngoài, nhưng Chúa nhìn tận trong trái tim” (1Sm 16,7). Thiên Chúa muốn nói với trái tim chúng ta (x. Hs 2,16); Ngài muốn ghi luật của Ngài vào đó (x. Gr 31,33). Nói tắt, Ngài muốn ban cho chúng ta một quả tim mới (x. Ez 36,26).
  2. “Hãy gìn giữ trái tim con cho thật kỹ” (Cn 4,23). Người không nhiễm ố bởi sự giả dối thì có giá trị thực sự trước con mắt của Chúa. Người ấy “luôn tránh thói lọc lừa, rời xa những lý luận ngu dốt” (Kn 1,5). Chúa Cha, “Đấng thấu suốt mọi bí ẩn” (Mt 6,6), nhìn thấy rõ cái gì là không trong sáng và không chân thành, cái gì chỉ là phô trương bên ngoài, và Chúa Con cũng thế, Người biết rõ “lòng người ta” (x. Ga 2,25).
  3. Chắc chắn không thể có yêu thương nếu không có những việc làm của yêu thương, nhưng Mối Phúc này nhắc chúng ta rằng Chúa mong muốn nhìn thấy một quyết tâm dấn thân cho anh chị em mình phát xuất từ trái tim của ta. Vì “giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức ái, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3). Cũng thế, trong Tin Mừng Matthêu chúng ta thấy rằng cái phát xuất từ lòng người ta là cái làm cho họ ô uế (x. 15,18), vì tự lòng dạ phát xuất những ý định giết người, trộm cắp, làm chứng gian, và những việc xấu xa khác (x. 15,19). Chính ý hướng trong trái tim là nguồn gốc của những khao khát và những quyết định thâm sâu dẫn tới các hành động của chúng ta.
  4. Một trái tim yêu mến Thiên Chúa và tha nhân (x. Mt 22,36-40), cách chân thành chứ không chỉ đầu môi chót lưỡi, là một trái tim trong sạch; nó có thể nhìn thấy Thiên Chúa. Trong bài ca đức ái của ngài, Thánh Phaolô nói rằng “hiện nay chúng ta nhìn thấy mờ mờ trong gương” (1Cr 13,12), nhưng khi sự thật và tình yêu khải thắng, chúng ta sẽ có thể nhìn thấy “diện đối diện”. Chúa Giêsu hứa rằng những ai trong sạch trong quả tim “sẽ nhìn thấy Thiên Chúa”.

Giữ một trái tim tự do khỏi tất cả những gì làm ố nhiễm tình yêu: đó là thánh thiện.

“Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”

  1. Mối Phúc này làm chúng ta nghĩ đến những tình trạng chiến tranh bất tận trong thế giới. Nhưng chính chúng ta thường là một nguyên nhân của xung đột hay ít nhất là của sự hiểu lầm. Chẳng hạn, tôi có thể nghe một điều gì đó về một ai đó, và tôi đi lặp lại nó. Thậm chí có thể tôi thêm thắt vào và làm lan tràn nó… Và câu chuyện càng gây tai hại thì dường như tôi càng khoái chí. Cái thế giới ngồi lê đôi mách của những người tiêu cực và phá hoại không thể nào đem lại hòa bình. Những người như thế thật sự là kẻ thù của hòa bình; họ không thể nào “có phúc”. [73]
  2. Những người xây dựng hòa bình mới thực sự “tạo ra” hòa bình; họ vun đắp hòa bình và tình thân hữu trong xã hội. Chúa Giêsu đưa ra lời hứa tuyệt vời này cho những người gieo rắc hòa bình: “Họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Người bảo các môn đệ rằng dù đi tới đâu họ cũng phải nói: “Bình an cho nhà này!” (Lc 10,5). Lời Chúa dạy mọi tín hữu ra sức làm việc cho hòa bình, “ăn ở thuận hòa với tất cả những ai kêu cầu Chúa với tấm lòng trong sạch” (x. 2Tm 2,22), vì “người xây dựng hòa bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hòa bình” (Gc 3,18). Và nếu có những lúc trong cộng đoàn mình, chúng ta tự hỏi phải làm gì, thì “chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an” (Rm 14,19), vì hiệp nhất thì tốt hơn là xung đột. [74]
  3. Thật không dễ “tạo ra” sự bình an này của Phúc âm, sự bình an vốn không loại trừ ai nhưng đón nhận ngay cả những người kỳ cục, những người gây phiền hay khó tính, những người khắt khe, lập dị, những người bị đời làm cho thê thảm, hay đơn giản chỉ là những người ta không ưa. Thật là một việc khó; nó đòi ta phải có tâm trí thật cởi mở, vì đây không phải là chuyện tạo ra “một sự đồng thuận trên giấy tờ hay một sự dàn hòa tạm bợ cho một thiểu số hài lòng”, [75] cũng không phải một kế hoạch “của một số người cho một số người”. [76] Đây cũng không thể là chuyện cố gắng phớt lơ hay coi nhẹ sự xung đột; trái lại, người ta phải thẳng thắn đối diện xung đột, giải quyết nó và biến nó thành một mắt xích của một tiến trình mới”. [77] Chúng ta phải là những nghệ nhân của hòa bình, vì xây dựng hòa bình là một nghệ thuật đòi phải có sự bình tâm, sáng tạo, nhạy cảm và khéo léo.

Gieo rắc sự bình an khắp xung quanh mình: đó là thánh thiện.

“Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ”

  1. Chính Chúa Giêsu cảnh báo rằng con đường mà Người đề nghị thì đi ngược dòng, thậm chí bắt chúng ta thách thức xã hội bằng cách sống của mình, và vì thế trở thành một sự quấy rầy. Người nhắc chúng ta về vô số người đã và đang bị bách hại chỉ vì họ đấu tranh cho công lý, vì họ nghiêm túc dấn thân cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Nếu không muốn lặn ngụp vào tình trạng xoàng xĩnh vật vờ, chúng ta đừng mong muốn một đời sống dễ dãi, vì “ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất” (Mt 16,25).
  2. Để sống Tin Mừng, chúng ta không thể kỳ vọng rằng mọi sự sẽ dễ dàng, vì sự ham hố quyền lực và những lợi ích thế gian thường cản lối chúng ta. Thánh Gioan Phaolô II ghi nhận rằng “một xã hội bị rối loạn nếu các hình thức tổ chức xã hội, sản xuất và tiêu thụ của nó làm cho khó khăn hơn việc hiến thân và vun đắp mối liên đới giữa người với người”. [78] Trong một xã hội như thế, chính trị, truyền thông đại chúng và các cơ chế kinh tế, văn hóa và ngay cả tôn giáo trở nên quá rối loạn đến nỗi hóa thành một cản ngại cho sự phát triển xã hội và nhân văn đích thực. Kết quả là không dễ sống triệt để Các Mối Phúc; mọi cố gắng sống như vậy sẽ bị nhìn một cách tiêu cực, bị nghi ngờ và chế giễu.
  3. Dù chúng ta có thể kinh nghiệm sự mệt mỏi và khổ sở nào đi nữa trong việc sống huấn lệnh yêu thương và theo đuổi con đường công lý, thì thập giá vẫn là nguồn tăng triển và thánh hóa của chúng ta. Chúng ta không bao giờ được quên rằng khi Tân Ước bảo chúng ta sẽ phải chịu khổ sở vì Tin Mừng, thì đó chính là nói đến sự bách hại (x. Cv 5,41; Pl 1,29; Cl 1,24; 2Tm 1,12; 1Pr 2,20; 4,14-16; Kh 2,10).
  4. Ở đây chúng ta đang nói về sự bách hại không tránh được, chứ không phải loại bách hại mà có thể chúng ta tự gây ra cho mình qua việc ngược đãi người khác. Nên thánh không phải là trở nên kỳ quặc và xa cách, làm cho người ta không thể chịu nổi do thói kiêu căng, do tính chất tiêu cực và sự cay đắng của mình. Các Tông đồ của Đức Kitô không giống như thế. Sách Công vụ Tông đồ lặp đi lặp lại rằng các ngài “được toàn dân yêu mến” (2,47; x. 4,21.33; 5,13), mặc dù một số giới cầm quyền gây phiền nhiễu và bách hại các ngài (x. 4,1-3; 5,17-18).
  5. Bách hại không phải là chuyện của quá khứ, vì hôm nay chúng ta cũng kinh nghiệm nó, hoặc là qua việc đổ máu, như điều xảy ra với rất nhiều vị tuẫn đạo thời nay, hoặc bằng những cách tinh tế hơn, như bị vu khống và bị lừa dối. Chúa Giêsu gọi chúng ta là “có phúc” khi người ta “vu khống anh em đủ điều xấu xa vì Thầy” (Mt 5,11). Có những lúc khác, bách hại có thể mang hình thức chế giễu, trong đó người ta tìm cách phỉ báng đức tin của chúng ta và cố biến chúng ta thành như trò cười.

Chấp nhận sống con đường của Tin Mừng hằng ngày, dù có thể phải trả giá: đó là thánh thiện.

TIÊU CHUẨN LỚN

  1. Ở chương 25 của Tin Mừng Matthêu (31-46), Chúa Giêsu mở rộng Mối Phúc về lòng thương xót. Nếu chúng ta tìm kiếm sự thánh thiện làm Thiên Chúa vui lòng, bản văn này cung cấp cho chúng ta một tiêu chuẩn rõ ràng mà chúng ta sẽ được phán xét dựa vào đó. “Ta đói, các ngươi đã cho ăn; ta khát, các ngươi đã cho uống; ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; ta ốm đau, các ngươi đã chăm sóc; ta ngồi tù, các ngươi đã viếng thăm” (35-36).

Trung tín với Tôn Sư

  1. Thánh thiện, vì thế, không phải là chuyện ngất đi trong trạng thái mê ly thần bí. Như Thánh Gioan Phaolô II đã nói: “Nếu chúng ta thực sự bắt đầu lại từ việc chiêm ngắm Đức Kitô, chúng ta phải học biết nhìn thấy Người cách đặc biệt nơi khuôn mặt của những kẻ mà chính Người muốn đồng hóa với họ”. [79] Bản văn Matthêu 25,35-36 “không chỉ là một lời mời gọi sống đức ái: nó là một trang Kitô học rọi sáng trên mầu nhiệm Đức Kitô”. [80] Trong tiếng gọi mời nhận ra Người nơi những người nghèo và người đau khổ, chúng ta thấy mở ra chính trái tim của Đức Kitô, những cảm nghĩ và chọn lựa thâm sâu nhất của Người, mà vị thánh nào cũng tìm cách bắt chước.
  2. Trước những đòi hỏi bất khả nhượng của Chúa Giêsu, tôi có bổn phận mời gọi các Kitô hữu đón nhận trong tinh thần cởi mở chân thành, không kỳ kèo mặc cả. Nói cách khác, hãy đón nhận mà không đặt ra bất kỳ điều kiện nào, kẻo làm suy giảm tính quyết liệt của các đòi hỏi ấy. Chúa chúng ta cho thấy rất rõ rằng sự thánh thiện không thể được hiểu hay được sống tách rời khỏi những đòi hỏi này, vì lòng thương xót là “trái tim đang đập của Tin Mừng”. [81]
  3. Nếu tôi gặp một người ngủ ngoài đường trong đêm giá rét, tôi có thể nhìn người ấy như một sự phiền nhiễu, một kẻ vô tích sự, một vật cản trên đường mình đi, một cảnh tượng chướng mắt, một vấn đề để các chính khách khảo sát, hay thậm chí một thứ rác rưởi làm bừa bộn nơi công cộng. Hoặc tôi có thể đáp trả với đức tin và đức ái, và nhìn thấy nơi người này là một con người với phẩm giá giống như tôi, một thụ tạo được Chúa Cha yêu thương vô cùng, một hình ảnh của Thiên Chúa, một người anh em hay chị em được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc. Làm Kitô hữu có nghĩa là nhìn như vậy đó! Phải chăng sự thánh thiện có thể được hiểu tách rời khỏi sự nhìn nhận sắc bén này đối với phẩm giá của mỗi con người? [82]
  4. Đối với các Kitô hữu, điều này gắn liền với một sự rầy rà lành mạnh và thường xuyên. Ngay cả cho dù việc giúp đỡ chỉ một người cũng có thể trao ý nghĩa cho tất cả nỗ lực của chúng ta, thì chừng đó vẫn không đủ. Các giám mục Canada nêu rõ điều này khi các ngài lưu ý rằng ý nghĩa của Năm Toàn Xá theo Thánh Kinh thì không đơn thuần là làm một số việc thiện. Nó còn có nghĩa là tìm cách biến đổi xã hội: “Để các thế hệ tương lai cũng được giải phóng, thì rõ ràng mục đích phải là vãn hồi các hệ thống kinh tế và xã hội công bằng, nghĩa là không thể còn sự loại trừ nữa”. [83]

Các ý thức hệ đánh vào trái tim của Tin Mừng

  1. Tôi lấy làm tiếc rằng các ý thức hệ nhiều khi dẫn chúng ta tới hai sai lầm đầy tai hại. Một đàng, có loại sai lầm của những Kitô hữu tách rời các đòi hỏi này của Tin Mừng khỏi mối tương quan cá vị của họ với Chúa, tách khỏi sự kết hợp bên trong của họ với Người, tách khỏi việc mở lòng ra đón nhận ân sủng. Kitô giáo như vậy trở thành một loại tổ chức phi chính phủ (NGO) bị tước mất đặc tính thần bí ngời sáng quá rõ ràng như thấy nơi cuộc đời của các thánh Phanxicô Assisi, Vincent de Paul, Têrêsa Calcutta, và nhiều vị khác. Đối với các vị thánh nổi tiếng này thì tâm nguyện, lòng yêu mến Thiên Chúa và việc đọc Tin Mừng không hề tách các ngài ra khỏi sự dấn thân nồng nhiệt và hữu hiệu cho tha nhân; mà hoàn toàn ngược lại.
  2. Sai lầm ý thức hệ tai hại khác được thấy nơi những người nghi ngờ sự dấn thân xã hội của những người khác, xem đó như cái gì nông cạn, phàm tục, duy vật, cộng sản hay dân túy. Hoặc họ tương đối hóa nó, như thể có những điều khác quan trọng hơn, hay điều duy nhất quan trọng chính là vấn đề hay chủ trương đạo đức nào đó mà họ bảo vệ. Chẳng hạn, việc chúng ta bảo vệ các thai nhi vô tội cần phải rõ ràng, dứt khoát và quyết liệt, vì đây là chuyện bảo vệ phẩm giá sự sống con người, vốn luôn thánh thiêng và luôn có quyền được yêu thương, bất kể ở giai đoạn phát triển nào. Tuy nhiên, cũng thánh thiêng không kém, đó là sự sống của những người nghèo, những con người đã được sinh ra đời, những người cùng cực, những người bị bỏ rơi và thua thiệt, những người đau yếu và già cả bị làm mồi cho cái chết êm dịu được giấu giếm, những nạn nhân của các vụ buôn người. những dạng nô lệ mới, và mọi hình thức loại trừ. [84] Chúng ta không thể thượng tôn một lý tưởng thánh thiện mà trong đó ta thờ ơ trước sự bất công trong một thế giới mà một số người mặc sức lãng phí, tiêu pha vung vít và chỉ hăm hở tìm kiếm những món hàng tiêu dùng mới nhất, trong khi những người khác chỉ biết nhìn từ xa, và sống trọn kiếp đời trong cảnh khốn khổ.
  3. Liên quan tới chủ nghĩa tương đối và những sai lầm của thế giới chúng ta hiện nay, chúng ta thường nghe nói rằng, chẳng hạn, hoàn cảnh của những người di dân là một vấn đề ít quan trọng. Một số người Công giáo xem đó là vấn đề thứ yếu so với những vấn đề đạo đức sinh học “hệ trọng”. Ví như một chính khách đang tranh thủ phiếu bầu mà ăn nói như vậy thì còn có thể hiểu được, nhưng với một Kitô hữu thì khác, vì đối với Kitô hữu thái độ duy nhất đúng đắn là đặt mình trong hoàn cảnh của các anh chị em phải liều sự sống mình để tìm kiếm một tương lai cho con cái họ. Chúng ta không nhận ra rằng đây chính xác là điều Chúa Giêsu yêu cầu, khi Người bảo rằng mỗi khi ta tiếp đón khách lạ là ta đang tiếp đón Người đó sao (x. Mt 25,35)? Thánh Biển Đức đã sẵn sàng làm như thế, và mặc dù điều này có thể gây “phức tạp” cho đời sống của các đan sĩ, ngài vẫn truyền rằng mọi khách gõ cửa đan viện cần phải được tiếp đón “như Đức Kitô”, [85] với thái độ tôn kính; [86] phải cư xử với người nghèo và khách hành hương bằng “tất cả sự ân cần quan tâm”. [87]
  4. Điều tương tự cũng được gặp thấy trong Cựu Ước: “Người ngoại kiều, các ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai cập” (Xh 22,20). “Khi có ngoại kiều cư ngụ với các ngươi trong xứ các ngươi, các ngươi đừng bức hiếp nó. Các ngươi phải đối xử với người ngoại kiều cư ngụ với các ngươi như với một người bản xứ, một người trong các ngươi; các ngươi phải yêu nó như chính mình, vì các ngươi đã từng là ngoại kiều tại đất Ai cập” (Lv 19,33-34). Đây không phải là một ý niệm được giáo hoàng nào đó phát minh, cũng không phải một ngẫu hứng nhất thời. Vì trong thế giới ngày nay, chúng ta cũng được kêu gọi đi theo nẻo đường khôn ngoan tâm linh mà ngôn sứ Isaia nêu ra, để cho thấy điều gì đẹp lòng Thiên Chúa. “Há chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông” (58,7-8).

Việc thờ phượng được Thiên Chúa ưa thích nhất

  1. Chúng ta có thể tưởng rằng mình tôn vinh Thiên Chúa chỉ qua việc thờ phượng và cầu nguyện, hay đơn giản chỉ qua việc tuân thủ một số qui tắc đạo đức nào đó. Quả đúng là mối ưu tiên thuộc về tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, nhưng chúng ta không được quên rằng tiêu chuẩn tối hậu theo đó chúng ta được phán xét chính là những gì chúng ta làm cho tha nhân. Cầu nguyện là quí nhất, vì cầu nguyện giúp nuôi dưỡng sự dấn thân cho tình yêu hằng ngày. Việc thờ phượng của chúng ta trở thành được Thiên Chúa vui lòng khi chúng ta quên mình để sống quảng đại, và cho phép ơn huệ của Thiên Chúa, được ban cho trong cầu nguyện, thể hiện ra trong mối quan tâm của chúng ta đối với anh chị em mình.
  2. Cũng vậy, cách tốt nhất để phân định xem việc cầu nguyện của chúng ta có chân thực hay không, đó là xét xem mức độ mà đời sống chúng ta được biến đổi trong ánh sáng của lòng thương xót. Vì “lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha; nó còn là một tiêu chuẩn để xác nhận ai là con cái đích thực của Ngài”. [88] Lòng thương xót “là chính nền tảng của đời sống Giáo hội”. [89] Ở đây, tôi muốn lặp lại rằng lòng thương xót không loại trừ công lý và sự thật; thật vậy, “chúng ta phải nói rằng lòng thương xót là sự viên mãn của công lý và là sự thể hiện sáng tỏ nhất sự thật của Thiên Chúa”. [90] Nó là “chìa khóa mở cửa thiên đàng”. [91]
  3. Ở đây tôi nghĩ đến Thánh Tôma, người đã đặt câu hỏi những hành động nào của chúng ta là cao quí nhất, những công việc bên ngoài nào cho thấy rõ nhất tình yêu đối với Thiên Chúa. Thánh Tôma không chút lưỡng lự trả lời rằng đó là những việc làm của lòng thương xót đối với tha nhân, [92] thậm chí hơn cả những việc thờ phượng của chúng ta: “Chúng ta thờ phượng Thiên Chúa bằng những hy sinh và lễ vật bên ngoài, không phải để đem lại gì cho Thiên Chúa, nhưng là cho chúng ta và cho tha nhân. Vì Thiên Chúa không cần những hy sinh của chúng ta, nhưng Ngài muốn chúng ta dâng các hy sinh cho Ngài, để khơi lên lòng nhiệt thành của ta và để sinh ích cho tha nhân. Vì thế lòng thương xót, trong đó chúng ta đáp ứng nhu cầu của người khác, là một hy sinh được Thiên Chúa ưa thích hơn, vì nó hướng trực tiếp hơn tới thiện ích của tha nhân”. [93]
  4. Những ai thực sự mong muốn tôn vinh Thiên Chúa bằng đời sống của mình, những ai thực sự khao khát lớn lên trong sự thánh thiện, họ được mời gọi chuyên chăm và bền bỉ trong thực thi các công việc của lòng thương xót. Thánh Têrêsa Calcutta nhận ra rõ điều này: “Vâng, tôi có nhiều lầm lỗi và khiếm khuyết của con người… Nhưng Thiên Chúa cúi xuống và sử dụng chúng ta, các bạn và tôi, để trở nên tình yêu và lòng trắc ẩn của Ngài trong thế giới; Ngài mang lấy tội lỗi chúng ta, những lo lắng và những lỗi lầm của chúng ta. Ngài dựa vào chúng ta để yêu thương thế giới và để cho thấy Ngài yêu thương biết là ngần nào. Nếu chúng ta quá quan tâm chính mình, chúng ta sẽ không còn thời giờ cho người khác”. [94]
  5. Chủ nghĩa khoái lạc và chủ nghĩa tiêu thụ có thể chứng minh sự suy thoái của chúng ta, vì khi chúng ta mải mê tìm lạc thú cho mình, chúng ta sẽ trở thành quá bận tâm về chính mình và về các quyền lợi của mình, và chúng ta cảm thấy quay quắt cần thời gian để hưởng thụ. Chúng ta sẽ khó cảm nhận và thể hiện quan tâm thật sự đối với những người túng quẫn, trừ phi chúng ta có thể sống một đời sống giản dị, chống lại những đòi hỏi sôi sục của một xã hội tiêu thụ, là những đòi hỏi làm cho chúng ta suy kiệt, không bao giờ thỏa mãn, và chỉ mê mải lo hưởng thụ tất cả. Cũng vậy, khi chúng ta để cho mình bị cuốn lấy trong những thông tin hời hợt, trong những phương tiện truyền thông tức thời và thế giới ảo, chúng ta có thể lãng phí thời giờ quí báu và trở thành thờ ơ trước xác thịt đau đớn của anh chị em mình. Nhưng ngay cả ở giữa vòng xoáy này, Tin Mừng vẫn tiếp tục âm vang, trao cho ta lời hứa về một đời sống khác, một đời sống lành mạnh hơn và hạnh phúc hơn.

* * *

  1. Chứng tá thuyết phục của các thánh được thể hiện trong đời sống các ngài, được định hình bởi Các Mối Phúc và bởi cái tiêu chuẩn phán xét tối hậu. Chúa Giêsu không nhiều lời nhưng lời của Người thẳng thắn, thực tế và hiệu lực cho mọi người, vì Kitô giáo trước hết là cái phải được thực hành. Nó cũng có thể là đối tượng nghiên cứu và suy tư, nhưng không nhằm mục đích gì khác hơn là giúp chúng ta sống Tin Mừng tốt hơn trong đời sống hằng ngày. Tôi mời gọi đọc lại những bản văn Thánh Kinh quan trọng này cách thường xuyên, luôn tham khảo, cầu nguyện với các bản văn đó, và cố gắng thực thi trong đời sống. Các bản văn ấy sẽ giúp ích chúng ta, sẽ làm cho ta được hạnh phúc thật.