$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Đào tạo
»
»
Thần học

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với Tình Yêu Dành Cho Bí Tích Thánh Thể

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 634 | Cật nhập lần cuối: 6/10/2020 8:49:48 AM | RSS

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với Tình Yêu Dành Cho Bí Tích Thánh Thể[1]

Chuyển ngữ: Sr. Martina Lai, OP

Vẫn giữ thói quen thường ngày khi còn làm Giám mục Krakow, Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Gioan Phaolô thường thức dậy mỗi sáng khoảng từ 5:00 đến 5:30, đôi khi ngài thức dậy sớm hơn vào lúc 4:00. Mặc dầu ngài rất thích ngắm bình minh, nhưng mục đích chính để ngài dậy sớm là dành thời gian cho việc cầu nguyện. Trước hết ĐGH quỳ hoặc phủ phục cầu nguyện với kinh Mân côi, tiếp theo là giờ cầu nguyện riêng và đến nhà nguyện để chuẩn bị thánh lễ lúc 7:30. Theo tiến sĩ Joaquin NavarroValls là thư kí báo chí của ĐGH, thời gian tuyệt vời nhất trong ngày sống của ngài chính là giờ cầu nguyện riêng thường kéo dài từ 60 đến 90 phút của ĐGH mỗi sáng.

Tại nhà nguyện, ĐGH thường quỳ trước Bí tích Thánh Thể tại ghế dành riêng cho Ngài. Trên cùng ghế quỳ này có thể mở ra, và trong đó tràn ngập những mảnh giấy ghi những ý cầu nguyện mà giáo dân khắp nơi gửi đến xin ĐGH cầu thay nguyện giúp cho họ. Có đủ loại ý cầu xin, như xin ơn chữa lành, ơn trở lại của các thành viên trong gia đình, hoặc ơn thụ thai thành công. Mỗi ngày có khoảng từ 30 đến 40 ý cầu nguyện, và ĐGH thường dâng từng ý cầu xin. Ngài nói rằng, tất cả các ý cầu nguyện luôn nằm trong “ý thức của ngài”, mặc dầu chúng không thể lặp lại bằng lời mỗi ngày.

ĐGH đã chia sẻ với một trong những người viết tiểu sử về ngài như sau: “Đã từng có một thời tôi đã nghĩ rằng một người phải có giới hạn những lời khấn xin”. Thời ấy đã qua rồi. Càng sống lâu và trong sự quan phòng của Thiên Chúa, tôi càng cảm nhận thấy sự cần thiết để cầu nguyện cho những ý khấn xin này. Rất thường khi những người xin cầu nguyện đã viết hồi âm để bày tỏ lòng biết ơn ĐGH vì những lời cầu xin của họ đã được Chúa nhận lời. Phụ tá thư ký của ĐGH cũng ghi nhận rằng, hầu hết các thư hồi âm đều bày tỏ lòng biết ơn vì tình phụ tử của ĐGH đã dành cho họ. Không chỉ khấn xin trước nhà tạm cho từng người như thể họ là những người bạn thân thiết nhất, ĐGH còn thường xuyên tìm kiếm những thông tin, theo dõi sự tiến triển của một số trường hợp cụ thể. ĐGH sẽ không bắt đầu Giờ phụng vụ ban sáng cho đến khi các ý cầu nguyện được đưa đến cho ngài.

Sau khi đến cung thánh và mặc phẩm phục chuẩn bị cho thánh lễ, ĐGH lại một lần nữa quỳ hoặc ngồi cầu nguyện thêm khoảng 10 đến 20 phút. Khi các khách hành hương đến tham dự thánh lễ, họ thường thấy ngài đang quỳ cầu nguyện. Một số người cho biết, “Khi ĐGH cầu nguyện, nhìn ngài như thể đang nói chuyện với Đấng Vô Hình”. Một trong những người dẫn chương trình các nghi lễ cho biết thêm, “dường như ĐGH không hiện diện ở giữa chúng ta.” Giám mục Andrew Wypych, người đã được chính Hồng Y Karol Wojtyla phong chức phó tế cũng cho biết rằng, “Các bạn có thể nhìn thấy ngài hiện diện cách thể lý ở đó, nhưng một ai đó cũng có thể cảm nhận được rằng ngài đang chìm đắm trong tình yêu của Thiên Chúa. ĐGH kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và say mê đối thoại với Người.

Trong lúc cử hành Phụng vụ Thánh Thể, một người tham dự đã nhận ra rằng, “ĐGH kéo dài từng âm tiết một cách tha thiết và kính yêu trên những từ ngữ nhắc nhớ đến bữa tiệc ly như thể những từ ngữ này mới đối với ngài.” Sau đó, khi kết thúc giây phút truyền phép, ĐGH thường bái quỳ trước sự hiện diện của Chúa Kitô trên bàn thờ với hết lòng tôn kính thờ lạy. Các khách hành hương tham dự thánh lễ cùng với ĐGH đã kể lại rằng, vì sức khỏe của ngài đã yếu, nên chúng ta có thể nghe thấy tiếng uỵch phát ra khi đầu gối của ngài giáng xuống sàn đá cẩm thạch. Sau Thánh lễ, ĐGH thường dành thời gian dài để cám ơn, rồi mới chào đón khách hành hương và trao cho mỗi người một cỗ tràng hạt.

Bí tích Thánh Thể chính là nguyên lý chính yếu cho đời sống linh mục của ĐGH. Ngài nói rằng, “Đối với tôi, Thánh lễ thiết lập trung tâm cả cuộc đời và từng ngày sống của tôi.” Ngài còn nói thêm, “Không có gì ý nghĩa hơn đối với tôi, hoặc cho tôi niềm vui lớn lao hơn là cử hành Thánh lễ mỗi ngày và phục vụ dân của Chúa trong Giáo hội.” Gioan Phaolô không chỉ đơn thuần dâng Thánh lễ, nhưng ngài còn sống Thánh lễ. Như Bí tích Thánh Thể, ĐGH đã trở nên một hiến tế của tình yêu - một của lễ sống động dâng lên Thiên Chúa Cha vì ơn cứu độ cho nhân loại.

Bởi vì niềm tin sâu sa của ngài về sự hiện diện đích thực của Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể, ĐGH đã kiên quyết với các linh mục và Giám mục việc phải cử hành Thánh lễ như thế nào. Ngài đã nói với một nhóm các Giám mục Hoa kỳ như sau, “Đây là lý do tại sao việc tôn trọng luật phụng vụ thì rất quan trọng: Linh mục chỉ là người phục vụ của Phụng vụ chứ không phải là người tạo ra hay sáng tác, nên ngài phải có một trách nhiệm cụ thể trong vấn đề này, kẻo nếu không ngài sẽ làm mất đi ý nghĩa đích thực của phụng vụ, hoặc làm lu mờ đi chiều kích linh thánh của phụng vụ.”

Mặc dầu Gioan Phaolô rất thích đàm đạo với Chúa trong sa mạc, nhưng rõ ràng nơi ngài yêu thích hơn cả là cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa. Các nhân chứng thuật lại rằng ngài cầu nguyện hằng giờ và đôi khi suốt đêm, và thường phủ phục trên sàn nhà đá cẩm thạch trước nhà tạm, cánh tay giang rộng như hình thánh giá. Một nhân chứng đã lưu ý rằng sự kết hợp với Thiên Chúa trong Bí tích Thánh Thể cho phép ĐGH “không chỉ đơn thuần nói chuyện với Đức Kitô, nhưng ngài còn ưa thích đàm thoại với Chúa” Khi còn là Giám mục, ĐGH nói với các sinh viên đại học rằng, đối với mỗi người, thực tại của Bí tích Thánh Thể mang một ý nghĩa, đó là “Chúng ta có hai người: Chúa chúng ta và bản thân tôi , và người này hiện diện trong người kia.”

Đức Hồng Y Dziwisz tường thuật lại rằng đôi khi bạn có thể nghe thấy ĐGH nói chuyện thành tiếng với Chúa, vì ngài đang có một cuộc đối thoại Chúa. ĐGH tin rằng lời cầu nguyện chân chính là khi một người ước ao được chăm chú tới Chúa như là Chúa chăm chú tới chúng ta; là khi người đó khao khát lắng nghe tiếng Chúa, như là Chúa khát khao lắng nghe từng người. Trong Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng, ĐGH đã viết, “Con người đạt được sự thành toàn trong việc cầu nguyện không phải khi người ấy diễn tả chính mình, nhưng chính là khi người ấy đã để cho Thiên Chúa hiện diện tròn đầy nhất trong cầu nguyện.”

Khi không có sẵn một nhà tạm, Gioan Phaolô thường chế tạo ra. Một trong những phụ tá của ĐGH đã nhìn thấy ngài đang quỳ tại một bồn rửa tay trong phòng rửa ráy, bởi vì không có một nơi nào riêng tư có thể dành cho việc chuẩn bị Thánh lễ tại trung tâm Pondenone Fair, nước Ý. Một nhân chứng khác đã cho biết khi bước vào phòng kho đồ dùng nơi cư trú của ĐGH trong mùa hè, tình cờ nhìn thấy ngài đang “say sưa cầu nguyện.”

ĐGH cũng thường dành hằng giờ để viết trước Mình Thánh Chúa. Ngài giải thích:

Tôi luôn tin chắc rằng nhà nguyện là một nơi tạo ra những nguồn cảm hứng đặc biệt. Thật là vinh dự biết bao khi có thể sống và làm việc dưới sự hiện diện của Chúa… Thường thì không luôn luôn nhất thiết phải đích thân đi vào nhà nguyện để có thể một cách thiêng liêng đi vào sự hiện diện của Mình Thánh Chúa. Tôi luôn luôn cảm nhận rằng Đức Kitô chính là người chủ thực sự nơi tôi thường trú- Tòa Giám Mục Roma. Và chúng tôi, các Giám mục thì chỉ cai quản trong một thời gian ngắn. Đó chính là điều mà trên con đường Franciszkanska đã xảy ra thế nào trong suốt gần hơn hai mươi năm qua, và đó cũng chính ở dây, tại Vatican.

Trong nhà nguyện của ngài ở Krakow khi còn làm Giám mục, ghế quỳ được thiết kế như một chiếc bàn cầu nguyện, với mặt bàn rộng đủ để ngài có thể viết trong khi ngồi hoặc quỳ trước Mình Thánh Chúa. Một chiếc đèn bàn cũng được lắp đặt gần đó để ngài có thể làm việc bất cứ khi nào trong đêm khuya. Khi lên làm Giáo Hoàng, ngài thường dành thời gian để chầu Thánh Thể trước buổi tiếp kiến chung vào ngày Thứ Tư hằng tuần, và luôn luôn viếng Chúa trước và sau các bữa ăn. ĐGH cũng dành rất nhiều thời gian trước Thánh Thể trước và sau các chuyến đi hành hương của ngài. Việc chạy đua trong cầu nguyện đã chẳng bao giờ là bất thường đối với ĐGH. Một thợ chụp ảnh của ĐGH đã gợi nhớ lại, “Tôi nhớ rằng, ngài đã cầu nguyện liên tục trong suốt sáu tiếng đồng hồ tại Vilnius…”

Đối với Gioan Phaolô, người công giáo lãnh bí tích Thánh Thể thôi thì chưa đủ, nhưng còn phải chiêm niệm về Thánh Thể nữa. Ngài nói rằng khi suy tư về tình yêu đang hiện diện trong nhà tạm:

…tình yêu đốt cháy trong lòng chúng ta, tình yêu làm mới lại trong chúng ta. Vì thế, thời gian được dành riêng này không phải là để ở không vì chúng ta tách mình ra khỏi công việc, nhưng đây là những giây phút, những giờ khắc chúng ta đảm nhận một điều gì đó để thiết lập và mang lại ý nghĩa sâu xa nhất cho tất cả những công việc của chúng ta. Không cần biết chúng ta có nhiều hoạt động, nhiều sứ vụ như thế nào, nhưng nếu những điều chúng ta quan tâm, những điều chúng ta thực hiện mà không có tình yêu, thì tất cả trở thành vô nghĩa. Khi chúng ta dành hết thời gian cho việc suy tự về mầu nhiệm tình yêu, và để cho tình yêu soi chiếu vào tâm hồn chúng ta, là chúng ta đang chuẩn bị phương cách tốt nhất để thực hiện bất cứ hình thức phục vụ, hoạt động và công việc bác ái nào.

Cuộc đời chiêm niệm của ĐGH được sinh hoa trái trong tư tưởng, lời nói và hành động của ngài. Như ngài đã nói: “Mọi hoạt động phải được bén rễ trong cầu nguyện được sánh ví như trong mảnh đất thiêng liêng.” Công việc của ĐGH không phải là theo đuổi quan điểm riêng cũng như những chương trình của ngài, nhưng chính là chuyển trao lại cho thế giới này hoa trái đời sống nội tâm của chính ngài. Một trong những phụ tá của ngài đã lưu ý rằng, “tất cả những quyết định lớn… đều được ĐGH thực hiện trong khi quỳ gối cầu nguyện trước Bí tích Thánh Thể.” ĐGH cũng cảnh báo người khác như sau: “Không có đời sống nội tâm sâu sa, một linh mục sẽ một cách tinh vi tự biến mình thành một thư ký văn phòng, và những việc tông đồ sẽ trở thành những công việc hằng ngày của một xứ đạo, và sự hiện diện của vị linh mục ấy chỉ để giải quyết những vấn đề khó khăn hằng ngày.” ĐGH biết rất rõ về sự “hiện hữu” thì quan trọng và chính yếu hơn là “hoạt động”, và điều này được thấy rõ trong lời cầu nguyện của ngài, “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến giúp chúng con hiểu rằng để có thể “làm” trong Giáo hội, cũng như trong cánh đồng truyền giáo đang khẩn cấp cần đến, trước tiên chúng con phải học “hiện diện”, đó là ở lại với Chúa, trong sự đồng hành đầy dịu ngọt của Chúa, và trong việc tôn thờ Chúa.”

Tình yêu nồng nhiệt của Gioan Phaolô dành cho Đức Kitô trong Thánh Thể đôi khi trở gây ra những hậu quả gây khó khăn cho những người phải giải quyết những vấn đề phát sinh khác. Thực ra, trưởng ban Nhà của ĐGH thường xuyên nhắc nhở những người tổ chức các sự kiện của ĐGH để bảo đảm rằng phải cố gắng hết sức không để ngài đi qua khu vực nhà nguyện hay những nơi có lưu trữ Mình Thánh Chúa. Vì nếu không, chắc chắn ngài cũng sẽ ghé vào nhà nguyện trong một thời gian dài và như thế toàn bộ chương trình sẽ phải hủy bỏ.

Năm 1995, đại diện Tổng giáo phận, Cha Micae White được mời để tổ chức cuộc viếng thăm của ĐGH tại Baltimore. Trước khi ĐGH tới, trưởng ban tổ chức các cuộc hành hương của ngài, cha Roberto Tucci, SJ, đã tới tiểu bang Maryland để thám sát nơi sẽ đến và sắp xếp những điều cần thiết cho chuyến đi của ĐGH. Khi cha Tucci tới Tòa Tổng Giám mục, ngài chú ý tới một trong những cánh cửa trên hành lang mà ĐGH sẽ đi qua, cánh cửa này sẽ dẫn tới nhà nguyện nơi có Mình Thánh Chúa.

Cha Tucci đã hướng dẫn cha White, “Hãy bảo đảm cánh cửa đó luôn luôn được đóng lại để ĐGH không biết có một nhà nguyện ở đó.” Khi ĐGH tới Tòa Tổng Giám mục, cánh cửa đó đã được đóng lại. Gioan Phaolô đã dùng bữa và nghỉ ngơi ở đó. Khi tới lúc phải rời đi, ngài bước dọc theo hành lang, song song với nhiều cánh cửa của các phòng khác nhau. Khi đi ngang qua cánh cửa của nhà nguyện, ĐGH bất thình lình dừng lại, ngoái đầu nhìn vào cánh cửa, rồi nhìn cha Tucci, và không nói một lời, ngài vẫy tay với cha Tucci và lắc đầu. Cha White nhớ lại:

ĐGH chưa bao giờ đến nơi này, chưa bao giờ để mắt đến nơi này, và như bao cánh cửa khác, cánh cửa của nhà nguyện không có gì khác, cũng không đánh dấu hay bảng hiệu ghi chú bên ngoài để cho biết đó là nhà nguyện. Cánh cửa ấy chỉ là một trong các cánh cửa trong dãy hành lang cửa mà thôi. Nhưng ĐGH đã quay lại đúng cánh cửa ấy, ngài mở cửa và đi thẳng vào nhà nguyện và bắt đầu giờ cầu nguyện.

Cha White cho biết, ĐGH ở lại trong đó cầu nguyện rất lâu giờ, đến nỗi “làm hỏng” một số chương trình, sau đó ngài rời Tòa Tổng Giám mục để tiếp tục cuộc hẹn của ngài.

ĐGH kết thúc chuyến viếng thăm Baltimore tại Đại chủng viện thánh Mary ở Roland Park. Một chiếc trực thăng đã trực sẵn ở sân cỏ của Chủng viện để đưa rước ngài tới sân bay, nơi ngài sẽ gặp phó tổng tống của nước Mỹ. Một đám đông đầy nhiệt huyết của các linh mục tương lai tụ tập ở các bậc cầu thang để vẫy chào ĐGH khi ngài đến. Những người tổ chức sự kiện đã biết rất rõ về chương trình: ĐGH sẽ không có thời gian để thăm viếng Đại Chủng viện. Mặc dầu nhiều tháng trước đó, Đại chủng viện đã tha thiết xin ban tổ chức xắp xếp chương trình cho họ được gặp ĐGH, nhưng thời gian đã không cho phép.

Tuy nhiên, sau khi nhìn thấy các thanh niên trẻ, Gioan Phaolô đã kéo cha Tucci ra, và bằng tiếng Ý, ngài đã ngỏ ý muốn được tham quan đại chủng viện. Cộng đoàn nơi đó liền được thông báo và họ đã quá đỗi ngỡ ngàng và vui mừng. Khi đến nơi đó, Cha White đã rất đỗi ngạc nhiên vì như một phản xạ tự nhiên, ĐGH đã biết đường để đi:

ĐGH bước vào cánh cửa, và điều này hoàn toàn không được lên kế hoạch trước và cũng không có một ghi chú nào. Thậm chí Dịch vụ bí mật còn chưa kịp quét dọn xong khu vực của căn nhà đó, vì nơi này không nằm trong thỏa thuận. Và như thể ngài biết rõ từ trước, thế là ĐGH liền tiến ngay vào dãy nhà đó và bước tới ngay nhà nguyện, Thật là đáng kinh ngạc.

Sau khi dành nhiều thời gian trước Thánh Thể, ĐGH dành chút ít thời gian tham quan các cơ sở và chào hỏi các linh mục tương lai. Với niềm vui biểu lộ hân hoan và hoàn toàn không có dấu hiệu của sự vội vã, ĐGH rời nơi đó để chuẩn bị tiến hành cho cuộc họp tại sân bay BWI, nơi mà Phó Tổng thống Gore và toàn thể đoàn tùy tùng đang chờ đợi ngài để cử hành nghi thức tạm biệt.

Việc ĐGH dành ưu tiên cho đời sống thiêng liêng là chứng cứ cho thấy ngài tin vào Thánh Thể chính là gia tài vĩ đại và quý giá nhất của Giáo hội. Bởi vì giá trị vô lường của Thánh Thể, ĐGH cảm thấy rằng ngài có sứ mạng “khơi lên sự Kỳ Diệu của Thánh Thể” trong lòng các tín hữu. Để giúp các Kitô hữu hiểu được sự hiện diện đích thực của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể, ĐGH đã dùng kinh nghiệm tình yêu nhân loại con người dành cho nhau. Trong một bài giảng ở nước Brazil, ĐGH đã hỏi như sau:

Đã bao nhiêu lần trong cuộc đời chúng ta chứng kiến nhìn thấy hai người rất thương nhau nhưng lại bị chia cắt? Trong thời chiến tranh tàn ác và cay đắng hơn, lúc ấy tôi còn trẻ, tôi đã nhìn thấy những người trẻ ra đi mà không có niềm hy vọng trở lại, cha mẹ họ tại gia đình ruột đau như cắt, vì họ chẳng biết khi nào họ có thể tìm lại những người thân yêu. Trong giây phút tạm biệt ra đi, một cử chỉ, một tấm ảnh, hay một đồ vật được truyền tay qua tay như là một cách thức nào đó để kéo dài sự hiện diện của nhau trong lúc phải xa nhau. Và không có điều gì khác hơn. Tình yêu nhân loại thì chỉ có thể diễn tả qua những biểu tượng như thế này.

Được thúc đẩy bởi một tình yêu thậm chí lớn lao hơn, vào lúc giờ Đức Ki tô phải lìa xa các môn đệ đã đến, Người có quyền năng để lại cho Giáo hội điều mà hơn cả một cử chỉ. Trong sự vắng mặt của Chúa, Ngài đã để lại chính sự hiện diện của Chúa. Gioan Phaolô đã giải thích:

Vì thế, để tạm biệt các môn đệ, Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và người thật, đã không để lại cho những người bạn của Chúa một biểu tượng nào, nhưng là chính con người thật của Người… Dưới những miếng bánh và rượu, Chúa đã thực sự hiện diện với Mình và Máu, linh hồn và Thần tính của Chúa.

Theo Gioan Phaolô, câu hỏi được đặt ra không phải là Chúa Giêsu có thật sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể hay không, mà là người Công giáo có thực sự hiện diện trong Chúa giữa cộng đoàn họ hay không. Chính vì điều này, ĐGH đã nói về việc tôn thờ Thánh Thể như là “một thực hành quan trọng hằng ngày” mà mỗi người không nên từ bỏ trong suốt một ngày sống. ĐGH công bố như sau:

Thánh Thể chính là bí mật trong ngày sống của tôi. Tôi lãnh nhận được sức mạnh và tìm thấy ý nghĩa trong tất cả mọi hoạt động phục vụ cho Giáo hội và toàn thể thế giới… Hãy để Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể nói với trái tim của các bạn. Chính Người là câu trả lời đích thực nhất cho cuộc sống mà các bạn tìm kiếm. Chúa ở đây với chúng ta: Người là Thiên Chúa với chúng ta. Hãy tìm kiếm Người mà không mệt mỏi, hãy toàn tâm đón tiếp Người mà không dè dặt, yêu mến Người không ngơi nghỉ: hôm nay, ngày mai và mãi mãi.

Nếu ai đó không thể viếng hoặc lãnh nhận Thánh Thể được, Gioan Phaolô đề nghị rằng người ấy có thể rước lễ thiêng liêng, và dành ít phút mời Chúa Giêsu đến trong tâm hồn mình.

Với Gioan Phaolô, chìa khóa giúp chúng ta làm mới lại lòng yêu mến Bí tích Thánh Thể chính là chiêm ngắm Đức Maria, Mẹ là “nhà tạm” đầu tiên trong lịch sử. Trong Tông thư về Bí tích Thánh Thể, ĐGH đã giải thích như sau: “ Đức Maria không chỉ say mê ngắm nhìn chiêm ngưỡng khuôn mặt Đấng Kitô mới hạ sinh, nhưng Mẹ còn bồng ẵm Ngài trên cánh tay với một tình yêu không thể sánh ví, và điều này phải trở nên nguồn cảm hứng cho chúng ta mỗi khi rước Mình Thánh Chúa.”

Ngày hôm nay, ngôi mộ của Gioan Phaolô được đặt trong những nơi phù hợp nhất: trong lòng Giáo hội - Vương cung thánh đường thánh Phêrô, giữa nhà Nguyện Cứu Rỗi và nhà Nguyện Mình Máu Thánh Chúa. Ngay cả khi qua đời, ĐGH cũng nhắc nhở các tín hữu về những gì ngài đã dạy khi còn sống: “Nếu chúng ta đã không tôn kính Thánh Thể, làm sao chúng ta có thể vượt qua những thiếu hụt của chính chúng ta?”


[1] Trích đoạn “Bí tích Thánh Thể” trong Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Cả Với Năm Tình Yêu Của Ngài, nguyên tác “The Blessed Sacrement” in Saint Joh Paul the Great- His five Loves, của Jason Evert (2014), tr. 126-129. 135-141).