$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Thời sự
»
»
Suy tư văn hóa

Người Nữ Tông Đồ Catarina có Chúa Đồng Hành Nt. Maria Tăng thị Thiêng O.P

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 276 | Cật nhập lần cuối: 4/29/2020 9:42:18 AM | RSS

Người Nữ Tông Đồ Catarina có Chúa Đồng Hành

Nt. Maria Tăng thị Thiêng O.P

Như lời của Thánh Phaolô viết cho tín hữu Corintô rằng: Thiên Chúa có nhiều cách thức khác nhau, để bày tỏ sự quan phòng ưu ái của Ngài trên những người xem ra bất tài, và Người nâng cao những khả năng tự nhiên của họ lên, khiến cho họ có thể thi hành những công việc hoàn toàn vượt quá tầm cỡ của mình. Người đã làm như thế không chỉ để làm cho những kẻ khôn ngoan phải bẽ mặt (x.1Cr 1,19) nhưng nhất là để cho con người thấy công trình của Người không cần đến sự hỗ trợ của bất cứ ai, và cũng để tỏ rõ cho con người thấy rằng khi có Chúa đồng hành thì phẩm cách của họ trở nên cao quý.

Điều đó trở nên rõ rệt cách đặc biệt ở nơi cuộc đời và sự nghiệp của Thánh nữ Catarina Siena. Thật vậy, Chúa Thánh Thần đã chiếu rọi nơi Chị Thánh sự sung mãn diệu kỳ của ân sủng. Catarina, người con gái kế út của bác thợ nhuộm có 25 anh em, đã sớm ý thức những nhu cầu của thế giới, và được thu hút bởi lý tưởng tông đồ của Dòng Đaminh, Chị gia nhập hàng ngũ Dòng Ba. Với tâm hồn chiêm niệm đồng thời cũng thiên về hoạt động, Chị qui tụ quanh mình một nhóm môn đệ. Sau này, họ trở thành các nhà truyền giáo lưu động, đi khắp nước Ý, đến tận vùng Provence và những vùng lân cận.

Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Catarina đón nhận một cuộc sống khác hẳn; tình yêu thúc đẩy Chị phá vỡ “những hạn chế quen thuộc áp đặt trên phụ nữ” ở thế kỷ XIV. Ngoài lời cầu nguyện và hy sinh hãm mình, Chị đã không từ chối một hoạt động nào để có thể đem lại sự hiệp nhất và canh tân Giáo Hội.

Thánh nữ đã múc lấy biết bao nhiêu sự can đảm và khôn ngoan từ đâu ? “Đức Giêsu nói với Chị: Hỡi con, hãy biết rằng chỉ mình Ta là Đấng hiện hữu, trong khi con, con chỉ là hư vô”. Do đó, mặc dù không ngừng hoạt động, Chị vẫn dành cuộc đời mình để tìm kiếm sự thân tình với Thiên Chúa. “Lạy Ba ngôi vĩnh cửu, Ngài ví tựa đại dương sâu thẳm, càng tìm con càng thấy; càng thấy con càng tìm ... Vì khi chính bản thân con được mặc lấy Ngài, con đã thấy con là hình ảnh của Ngài ... Chúa là tấm áo che cho con khỏi trần trụi. Chúa lấy sự dịu ngọt của Chúa mà nuôi dưỡng chúng con là những kẻ đang đói lả, vì Chúa ngọt ngào không chút đắng cay. Ôi lạy Ba Ngôi vĩnh cửu!” (Bài đọc - Kinh sách).

Đó chính là sự kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu.

Vì thế, khi còn rất trẻ, Chị đã nổi bật trong việc thực thi bác ái đối với người nghèo và người đau bệnh, kiên nhẫn Chịu đựng những lời dèm pha của người đời và những cuộc chiến đấu nội tâm với ma quỷ. Thánh nữ tham gia vào công tác tông đồ luôn ý thức cùng làm với Chúa Kitô và sống rất đơn thành với Chúa Giêsu. Có lần Chị hỏi Chúa: “Lạy Chúa, Chúa ở đâu khi con Chịu những cám dỗ hãi hùng như thế?” Và Chúa Giêsu trả lời: “Con của Cha, Cha ở trong trái tim con đó! Cha giúp con chiến thắng nhờ ân sủng của Cha!” Chị đến với những người cùng khổ, những người bị bỏ rơi, những người bệnh tật không ai muốn đụng tới bằng tất cả con tim cảm thông, tận tình giúp đỡ. Chị dốc toàn tâm toàn lực cho phong trào những người giáo dân phục vụ và dâng hiến của cải vật chất để duy trì các nhà thương, nhà trọ cho các bệnh nhân nghèo và các trẻ em bị bỏ rơi. Nhờ lòng yêu mến Chúa thẳm sâu và luôn cảm nhận thấy Chúa hiện diện bên mình trong mọi suy nghĩ và hành động thì vào một buổi tối nọ, khi nhiều người dân thành Siêna đổ tràn ra các ngả đường để đón mừng lễ kỷ niệm, Đức Giêsu đã hiện ra với Catarina lúc Chị đang cầu nguyện một mình trong phòng. Cũng có Đức Maria ở với Chúa Giêsu. Mẹ nắm lấy tay Catarina Siêna và đưa lên cho Con của Mẹ. Đức Giêsu xỏ một chiếc nhẫn vào ngón tay Thánh nữ và ngài trở nên “hiền thê” của Đức Chúa Giêsu. Từ đó, Thánh nữ vội vã lên đường để hoạt động vì có Chúa cùng đồng hành với Chị.(Tiểu sử Thánh Catarina)

Thánh nữ lên đường, nhưng đúng ra là Chị đang giúp Chúa thực hiện các chuyến đi trên trần gian này. Chính Chúa Giêsu là động lực cho Chị bước đi, Chính Chúa đã nâng cao tâm hồn Chị và thôi thúc Chị lên đường. Chính Chúa đưa Chị đi trong hạnh phúc trên con đường dài đến với các linh hồn hay với những sứ vụ mà Chúa trao, có Chúa cùng đồng hành con đường trở nên rất nhẹ nhàng đối với Chị, Chị không cảm thấy mỏi mệt hay sợ hãi dù phải bước đi trên con đường rất xa, vì khi có Chúa ngự trong tâm hồn, thì chính Chúa nhận gánh lấy tất cả nỗi nhọc nhằn ấy cho Chị và Chúa trở thành niềm vui và sự phấn khởi cho đôi chân Chị cất bước và Thánh nữ đã tự coi mình là bé mọn, như con thơ dại ném mình vào lòng Chúa rất nhân từ. Chị chỉ muốn những điều Chúa muốn và yêu những điều Chúa yêu.

Trong mọi hoạt động, dẫu là những việc tự nhiên như ăn uống, ngủ nghỉ cho đến những việc hãm mình, đánh tội và cứu nhân độ thế, Thánh nữ không bao giờ tìm vinh dự hay sự vui thích riêng, nhưng đã quy tất cả về Chúa; sống trong Thánh ý Chúa và lấy Thánh ý Ngài làm khuôn vàng thước ngọc cho mọi hành động. Thánh nữ đã có thể nói như Thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, nhưng là Chúa Giêsu sống trong tôi” (Gl 2,20). Chính vì điều này mà lần nào Chúa hiện ra với Thánh nữ đều gọi là bạn trăm năm, vị hôn phu và là con yêu dấu của Chúa. Nhờ đó, Catarina nhận ra rằng càng hiểu biết Thiên Chúa thì càng muốn nên một lòng một ý với Ngài, chính vì thế mà Chị đã trao dâng trọn tâm hồn mình cho Thiên Chúa không một chút do dự. Chị Thánh cho rằng lắng nghe và vâng phục Thánh ý Chúa qua những người có trách nhiệm là điều làm đẹp ý Ngài.

Trong hành trình cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Nếu được Chúa cùng đồng hành, Ngài cũng sẽ làm cho mọi khó khăn của chúng ta thành nhẹ nhàng, Ngài giúp chúng ta vượt thắng được những nỗi chán chường hay mỏi mệt. Nhưng vì chúng ta chưa ý thức đủ tác động này của Chúa, nên nhiều khi chúng ta lại tưởng mình phải đối phó với những khó khăn trong cuộc sống bằng sức lực riêng của mình. Nếu làm gì cũng có Chúa, đi đâu cũng có Chúa song hành thì chẳng bao giờ chúng ta sợ đơn độc trong cuộc hành trình. Ngay cả những lúc không nhất thiết Chúa phải làm cho chúng ta cảm thấy Ngài, thì chúng ta cũng xác tín rằng Ngài luôn có đó trong cõi thâm sâu của tâm hồn và đức tin giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện ấy. Một khi biết rằng ai đó đã đi trên con đường mà chúng ta đang bước đi và con đường đó dẫn đến đích, chúng ta sẽ can đảm bước theo dù trên đường đi có những chướng ngại. Nếu trên từng bước đi của Chị Thánh đều có Chúa, thì từng bước đi của chúng ta cũng không thể thiếu Chúa.

Qua việc chuyên cần chiêm niệm “Chân lý đệ nhất dịu ngọt”, Thánh Catarina cố gắng “nhận biết Thiên Chúa ở trong mình và mình ở trong Thiên Chúa”. Năm 1370 trong một thị kiến được Đức Giêsu truyền Chị ra đi hoạt động tông đồ. Từ đó, Thánh nữ đã hoán cải từng tội nhân cá biệt, đến những việc dàn xếp giữa những cá nhân hoặc gia đình thù nghịch với nhau; bình định, hoà giải giữa các thành phố và các quốc gia. Thánh nữ tuy là một người con gái của bác thợ thủ công và một phụ nữ thất học, không được đến trường và thụ huấn, nhưng nhờ có Chúa đồng hành Chị đã hăng hái lên đường làm việc như hai môn đệ trên đường Emaus khi nhận ra Chúa Giêsu lúc Người bẻ bánh thì họ đã thay đổi thái độ ngay. Lập tức quay trở lại Giêrusalem cho dù trời tối, cho dù đã mệt nhoài sau một ngày lội bộ. Sức mạnh ở đâu giúp họ hăng say thế? Động lực nào làm họ phấn khởi thế? Quả là một sự khác biệt lớn lao khi có sự hiện diện của Chúa Giêsu ở với họ. Trái tim tuyệt vọng của hai môn đệ được chữa lành và con tim của họ đã vui trở lại. Lòng họ đã bừng cháy lên khi nhận ra Chúa cùng đồng hành với họ trên cuộc hành trình về Emmau.

Và Chị Thánh cũng thế, chẳng bao giờ Chị Thánh quên lãng hình ảnh Đức Chúa Giêsu đang hiện diện trong trái tim mình và được thêm nhiều ân huệ lạ lùng của Chúa Thánh Thần, và hằng ngoan ngoãn tuân theo sự hướng dẫn của Người, Chị đã dùng “căn phòng tâm hồn” mà liên kết việc chiêm niệm các mầu nhiệm của Thiên Chúa với hoạt động tông đồ bên ngoài. Chính tình yêu nhiệt nồng với Chúa của Chị là nguồn của mọi hoạt động khi Chị tiếp xúc với các Giáo Hoàng, các hồng y, giám mục, vua Chúa, các nhà quí tộc, thương gia và với các tầng lớp dân chúng ... “Tôi là Catarina, đây là lời khai đề quen thuộc trong các thư của Chị, là nữ tỳ và nô lệ cho các tôi tớ của Đức Giêsu, tôi viết thư này cho các người nhân danh Máu Thánh châu báu của Chúa chúng ta, với mong ước được thấy các người được đắm mình trong Máu Thánh của Người...”

Trước cảnh thê lương của Giáo Hội đầy những thứ trần tục, tâm hồn khao khát hiệp nhất và canh tân Giáo Hội đã nung nấu tâm can Chị. Chị đã bất chấp mọi khó khăn mà dấn thân vào trong lòng Hội Thánh. Với lửa nhiệt thành yêu mến Hội Thánh và có lẽ với lòng hăng say hơn nhiều, Catarina đã táo bạo thúc giục Đức Thánh Cha thực hiện cuộc cải tổ đời sống luân lý của Giáo hội, bắt đầu với việc tuyển chọn những mục tử tốt lành. Thánh nữ khiển trách và tố giác những xáo trộn trong Giáo hội, nhưng với một tâm hồn hết sức tha thiết, bày tỏ lòng quan tâm chăm sóc Giáo hội như người mẹ, kèm theo những lời đề nghị cương quyết với khí thế nam nhi. Thánh nữ đã lên đường đi Avignon với tư cách làm người trung gian hoà bình giữa Toà Thánh và thành phố Firenza. Nhà giáo dục vĩ đại luôn dạy dỗ và thực hành đúng những gì đã dạy dỗ – Đấng thực sự đồng hành với Chị trên mỗi bước đường của cuộc đời và ơn gọi – là chính Chúa Giê-su Ki-tô. Toàn bộ đời sống công khai của Đức Ki-tô đã là một sự đồng hành với các môn đệ. Người đã ở với họ, trò chuyện với họ, cầu nguyện cho họ và với họ, sửa chữa lỗi lầm của họ, làm cho họ được thông phần vào sứ mệnh của mình, vào công cuộc cứu chuộc của Người. Và điều này làm cho các môn đệ càng có khả năng trở thành môn đệ của Chúa để đồng hành với những người khác (trích bài giảng của ĐGH Gioan Phaolo II trong ngày phong tiến sĩ cho Thánh nữ).

Và với Catarina cũng vậy, có Chúa Giêsu đồng hành, Người làm cho Chị có khả năng đồng hành cùng với đám đông, vô số đàn ông và phụ nữ. Cho nên Thánh nữ không chần chừ nói với vị đại diện Đức Kitô hãy trở về Toà Thánh: “Xin Đức Thánh Cha hãy trả lời tiếng mời gọi của Chúa Thánh Thần. Con nói cho Đức Thánh Cha: hãy đi, hãy đi và hãy đi”. Bằng lời lẽ hùng hồn, những lá thư chí tình Thánh nữ đã đến Avignon vào ngày 18 tháng 6, và có thể lên tiếng, kể cả nhờ những cuộc gặp gỡ trực tiếp với Đức Thánh Cha, về bổn phận không thể trì hoãn được nữa. Thánh nữ đã trình bày vấn đề không chút kiêu căng nhưng cũng chẳng e lệ. Vị Giáo hoàng hiền hậu cứ chần chừ trong việc quyết định, sau cùng phải nhìn nhận rằng Chúa thực sự đã nói với Ngài qua môi miệng Thánh nữ, và Ngài đã chứng thực đó là ý muốn của Chúa. Đức Gregogrio XI dứt khoát rời bỏ Avignon ngày 13 tháng 9 năm 1376 và đến Rôma vào ngày 17 tháng 1 năm 1377 giữa đoàn dân cuồng nhiệt nhảy mừng như ngày hội lớn. Người còn hướng dẫn nhiều người, giáo dân cũng như giữa hàng giáo sĩ, thuộc mọi hoàn cảnh xã hội trên đường Thánh đức và bình an.

Tâm hồn Thánh nữ bừng cháy lửa mến yêu Chúa, trong nỗ lực trở nên giống Chúa Kitô Chịu đóng đinh, nên Chị vinh hạnh được Chúa in các dấu Thánh. Vai trò phi thường mà Catarina Siena đã đảm nhận theo chương trình huyền nhiệm của Chúa quan phòng trong lịch sử cứu độ không chấm dứt với ngày lìa bỏ cõi trần để về quê trời. Thật vậy, Thánh nữ vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng trong Giáo hội bằng những gương nhân đức sáng ngời và những bút tích kỳ diệu. Cuộc đời của Thánh nữ Catarina Siena đã làm sống động và sinh sôi triển nở cách lạ lùng cho quê hương Siena và cho Giáo Hội, vì Thánh nữ đã ngoan ngoãn vâng theo “sự thúc đẩy” của Chúa Thánh Thần và sự chỉ bảo dẫn dắt từ phía Giáo Hội. Và Thánh nữ ước mong mọi phần tử trong đại gia đình Đa Minh trong vai trò truyền giáo hãy sống có Chúa đồng hành.

Chúng ta đang sống trong thế kỷ XXI, nhưng bối cảnh xã hội, Giáo Hội và con người thời nay không khác bao nhiêu so với 7 thế kỷ trước. Vẫn còn đó cơn khát tình thương, những khát khao vươn tới hạnh phúc đích thực của kiếp nhân sinh khốn cực. Tiếng “Ta khát” vẫn luôn mời gọi và thôi thúc những tâm hồn thiện chí hiến thân trong dòng chảy thương xót và ân sủng của Thiên Chúa tình yêu. Là những người đang sống trong ơn gọi Đa Minh với phương châm: “chiêm niệm và trao cho người khác những gì mình chiêm niệm” và với mục đích duy nhất là “cho phần rỗi các linh hồn”. Chúng ta phải chuyên chăm xây dựng một đời sống nội tâm sâu sắc và thật vững chắc bằng một đời sống kết hợp mật thiết với Chúa; vì ta không thể trao cho người khác những gì ta không có. Theo tinh thần cầu nguyện Thánh Catarina, ta hãy gắn bó mình với kinh nguyện hằng ngày trong cộng đoàn, bằng sự kết hợp liên lỉ trong mọi hoạt động.

Qua cuộc đời Thánh Catarina, chúng ta được chứng kiến một cuộc sống thân tình và đầy tình yêu tuyệt vời giữa Chị Thánh với Chúa và với tha nhân. Chúng ta được Chị Thánh thông chuyển cho tình yêu nồng nàn để chúng ta giữ được Chúa trong tâm hồn, và dạy chúng ta biết dấn thân đem Chúa đến cho mọi người. Biết giới thiệu, biết tỏ lộ khuôn mặt Chúa nơi chúng ta bằng đời sống Thánh thiện và gương sáng. Xin cho chúng ta biết cộng tác với kế hoạch của Chúa, để ơn cứu độ của Chúa xuyên qua cuộc đời chúng ta mà đến với mọi người. Ước mong sau những lần chúng ta gặp gỡ Chúa trong phụng vụ và trong nguyện cầu, chúng ta lại được cùng với Chúa đi vào trong mọi sinh hoạt, mọi ngõ ngách của cuộc sống con người. Xin cho khuôn mặt rạng ngời và Thánh thiện của Chúa in sâu vào tâm hồn chúng ta, để nhờ đó, Chúa có thể tiếp tục yêu thương mọi người qua chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức rằng Tình Yêu là điều duy nhất mà Chị Thánh phải sống cho người khác, những điều còn lại trong cuộc đời chỉ là phụ thuộc. Trước tiên, nếu chúng con không sống tình tương thân tương ái với những Chị em bên cạnh, thì dù chúng con có làm nên bao điều lớn lao cao trọng như Chị Thánh Catarina cũng chỉ là lo thỏa mãn tham vọng của mình thôi, chẳng có nghĩa lý gì, mà lại còn tạo thêm sự cách biệt và trống rỗng cho cuộc sống làm người. Chúa đã sống trọn tình cho chúng con, thì xin giúp chúng con cũng sống hết tình cho anh chị em mình.