$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Thời sự
»
»
Giáo hội Hoàn Vũ

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICO GỬI TỚI CÁC THÀNH VIÊN THAM DỰ DIỄN ĐÀN LIÊN TÔN G20 2021

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 161 | Cật nhập lần cuối: 11/1/2021 10:34:16 AM | RSS

Diễn đàn Liên tôn G20 (một diễn đàn hợp tác kinh tế quốc tế giữa 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới) năm nay diễn ra từ ngày 12 - 14 /9 tại thành phố Bologna nước Ý, nhằm thúc đẩy việc hàn gắn những hậu quả của đại dịch Covid-19 và nhiều cuộc xung đột đang gây nhức nhối trên thế giới.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi Sứ điệp tới các thành viên tham gia Diễn đàn Liên tôn này vào tối thứ Bảy ngày 11/9/2021. Sau đây là nội dung Sứ điệp.

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICO

GỬI TỚI CÁC THÀNH VIÊN THAM DỰ

DIỄN ĐÀN LIÊN TÔN G20 2021

Tôi xin gửi lời chào thân ái tới các thành viên tham dự Diễn đàn Liên tôn G20 năm nay, được tổ chức tại Bologna. Tôi vẫn còn giữ một kỷ niệm sống động về chuyến thăm của tôi đến Thành phố này, có nét đặc trưng, trong số những điều khác, là trường Đại học cổ kính, “luôn mở ra, giáo dục những công dân của thế giới và nhắc nhở rằng bản sắc mà một người thuộc về cũng là bản sắc của ngôi nhà chung, của đại học”. Thật tốt đẹp là quý vị đã qui tụ lại với ý định đặc biệt là vượt lên trên quyền lợi cá biệt và chia sẻ những ý tưởng và hy vọng: các chức sắc tôn giáo, các nhà lãnh đạo chính trị và đại diện của thế giới văn hóa, quý vị cùng nhau tham gia đối thoại để thúc đẩy việc đạt được các quyền cơ bản, nhất là tự do tôn giáo, và để nuôi dưỡng men của sự hiệp nhất và hòa giải tại nơi chiến tranh và hận thù đã gieo rắc chết chóc và dối trá.

Trong Diễn đàn này, vai trò của các tôn giáo thực sự rất cần thiết. Tôi muốn nhắc lại rằng nếu chúng ta muốn gìn giữ tình huynh đệ trên Trái đất, thì “chúng ta không thể đánh mất tầm nhìn Thiên đàng”. Nhưng chúng ta phải giúp nhau giải phóng chân trời thánh thiêng khỏi những đám mây đen tối của bạo lực và trào lưu cực đoan, củng cố mình trong niềm xác tín rằng “tính khác biệt của Thiên Chúa hướng chúng ta về phía những người khác về phía anh chị em của chúng ta”. Đúng vậy, tôn giáo đích thực hệ tại ở tôn thờ Thiên Chúa và yêu thương người lân cận. Và các tín hữu chúng ta không thể tự miễn chuẩn khỏi những lựa chọn tôn giáo thiết yếu này: thay vì chứng tỏ điều gì đó, chúng ta được kêu gọi để thể hiện sự hiện diện đầy tình phụ tử của Thiên Chúa trên trời qua sự hòa hợp của chúng ta dưới đất.

Tuy nhiên, ngày nay, điều này dường như chỉ là một giấc mơ xa vời. Đúng hơn, một “sự biến đổi khí hậu” nguy hại dường như đang diễn ra trong lĩnh vực tôn giáo: ngoài những thay đổi có hại ảnh hưởng đến sức khỏe của Trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, còn có những thay đổi khác “đe dọa Thiên đàng”. Như thể là “nhiệt độ” tôn giáo tính đang tăng lên. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến sự bùng nổ của thứ bạo lực khai thác điều thánh thiêng: trong 40 năm qua, đã có gần 3.000 vụ tấn công và khoảng 5.000 vụ giết chóc ở nhiều nơi thờ phượng khác nhau, đó là những nơi, thực ra, cần phải được bảo vệ như những ốc đảo của tính thánh thiêng và tình huynh đệ. Thật là điều quá dễ dàng đối với tất cả những ai báng bổ danh thánh của Thiên Chúa bằng cách bắt bớ anh chị em của họ để có được tài trợ. Một lần nữa, lời rao giảng mang tính khiêu khích của những kẻ, nhân danh một vị thần giả tạo, kích động lòng thù hận, thường lan truyền một cách vô tội vạ. Chúng ta có thể làm gì khi đối mặt với tất cả những điều này?

Là những nhà lãnh đạo tôn giáo, tôi tin rằng trước hết chúng ta phải phục vụ sự thật và tuyên bố điều gì là xấu khi nó là xấu, không sợ hãi hoặc giả vờ, ngay cả và đặc biệt là khi nó được cam kết bởi những người tuyên xưng đi theo cùng một tín ngưỡng như chúng ta. Cùng nhau, chúng ta cũng phải giúp đỡ lẫn nhau để chống lại nạn mù chữ tôn giáo đang thấm vào mọi nền văn hóa: chính sự thiếu hiểu biết đại trà đã giảm thiểu trải nghiệm đức tin thành những chiều kích thô thiển của con người và dụ dỗ những tâm hồn dễ bị tổn thương tuân theo những khẩu hiệu của trào lưu cực đoan. Trên hết, chúng ta cần giáo dục, thúc đẩy sự bình đẳng, sự phát triển dựa trên tình liên đới và tính toàn diện, nhằm tăng cơ hội cho việc đi học và giáo dục, bởi vì nơi đâu nghèo đói và ngu dốt thống trị thì trào lưu cực đoan bạo lực càng dễ dàng xảy ra hơn.

Đề xuất thiết lập một đài tưởng niệm chung dành cho những người bị thiệt mạng ở những nơi cầu nguyện chắc chắn cần được khuyến khích. Trong Kinh thánh, để đáp lại sự căm ghét của Cain, người tin vào Thiên Chúa nhưng lại giết em trai mình, khiến tiếng máu vang lên từ đất, thì câu hỏi đến từ Trời là: "Em ngươi đâu?" (St. 4, 9). Câu trả lời mang tính tôn giáo đích thực đối với việc huynh đệ tương tàn là tìm kiếm người anh em. Chúng ta hãy cùng giữ ký ức chung về những người anh chị em đã từng bị bạo hành, chúng ta hãy giúp nhau bằng lời nói và hành vi cụ thể để chống lại sự hận thù tìm cách chia rẽ gia đình nhân loại!

Các tín hữu không thể chống lại nó bằng bạo lực của vũ khí, điều này chỉ tạo thêm bạo lực, trong một vòng xoáy thù hận và trả thù vô tận. Thay vào đó, điều mà quý vị muốn khẳng định trong những ngày này sẽ dẫn đến thành quả: “Chúng ta sẽ không giết hại nhau, chúng ta sẽ nâng đỡ lẫn nhau, chúng ta sẽ tha thứ cho nhau”. Đây là những cam kết đòi hỏi những điều kiện không hề dễ dàng – Không có sự giải trừ quân bị nào mà không có lòng dũng cảm, không có sự trợ giúp nào mà không có sự cho đi miễn phí, không có sự tha thứ nào mà không có sự thật - nhưng những điều đó tạo thành con đường khả thi duy nhất dẫn đến hòa bình. Vâng, bởi vì lộ trình dẫn đến hòa bình không được tìm thấy trong vũ khí, mà là công lý. Và chúng ta, những nhà lãnh đạo tôn giáo, phải là những người đầu tiên ủng hộ các tiến trình này, làm chứng rằng khả năng chống lại cái ác không nằm ở những lời tuyên bố, nhưng ở sự cầu nguyện; không ở sự trả thù, nhưng ở sự hòa hợp; không phải ở những con đường tắt được quyết định bởi việc sử dụng vũ lực, mà ở sức mạnh liên đới kiên nhẫn và mang tính xây dựng. Bởi vì chỉ có điều này mới thực sự xứng đáng với con người. Và bởi vì Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của chiến tranh, mà là của hòa bình.

Hòa bình, một từ khóa trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Một từ mà "chúng ta không thể thờ ơ hoặc trung lập". Tôi nhắc lại: “Đừng trung lập, nhưng hãy đứng lên vì hòa bình! Đó là lý do tại sao chúng ta kêu gọi ius pacis, (quyền hòa bình) như quyền của tất cả mọi người để giải quyết xung đột mà không cần bạo lực. Đó là lý do tại sao chúng ta lặp lại: đừng chiến tranh nữa, đừng bao giờ chống lại người khác nữa, đừng bao giờ không cần người khác nữa! Mong sao những lợi ích và âm mưu, thường bị che khuất, của những kẻ chế tạo bạo lực, nuôi dưỡng chạy đua vũ trang và chà đạp lên nền hòa bình thông qua các thương vụ làm ăn, được đưa ra ánh sáng.” Hòa bình (Peace): “chữ P thứ tư” mà chúng ta đề nghị thêm vào những chữ P khác: con người (People), hành tinh (Planet), sự thịnh vượng (Prosperity), với hy vọng rằng chương trình nghị sự của G20 tiếp theo sẽ xem xét vấn đề này trong một quan điểm rộng rãi và được chia sẻ nhiều nhất có thể, bởi vì chỉ có cùng nhau chúng ta mới có thể giải quyết các vấn đề, mà trong sự kết nối ngày nay, không còn liên quan đến "ai đó", nhưng là tất cả mọi người. Tôi cũng đang nghĩ đến khí hậu và di cư. Thực sự đây không còn là lúc các liên minh chống lại nhau nữa, mà là tìm kiếm các giải pháp chung cho các vấn đề mà tất cả chúng ta phải đối diện. Những người trẻ và lịch sử sẽ phán xét chúng ta về điều này. Và quý vị, những thân hữu, đã qui tụ lại với nhau vì lý do này. Vì vậy, tận thâm tâm, tôi cảm ơn quý vị và tôi khích lệ, đồng hành với quý vị bằng lời cầu nguyện và khẩn cầu phúc lành của Đấng Tối Cao xuống trên quý vị.

Roma, Lễ thánh John Lateran, ngày 7 tháng 9 năm 2021

Giáo hoàng Phanxico

Nt. Anna Ngọc Diệp

Chuyển ngữ từ: www.vatican.va

Message of His Holiness Pope Francis to The Participants at The G20 Interfaith Forum 2021.