$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Thời sự
»
»
Giáo hội Hoàn Vũ

Đức Thánh Cha cảnh báo sự nguy hiểm của tính cứng ngắc

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 300 | Cật nhập lần cuối: 5/16/2020 3:27:17 PM | RSS

Hôm Thứ Sáu, trong Thánh Lễ dâng tại Nhà Nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha đã dâng Thánh Lễ với ý chỉ cầu nguyện cho các gia đình và cảnh bảo sự nguy hiểm của sự cứng ngắc.

“Hôm nay là ngày quốc tế Gia đình, chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình, xin Thánh Thần của Chúa, thần khí của tình yêu, tôn trọng và tự do- được phát triển nơi các gia đình.”

Những ngày đầu của Giáo Hội.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng, trong bài đọc thứ nhất (Công vụ 15, 22-31), thời kỳ đầu của Giáo Hội có cả bình an, bách hại và xáo trộn, hỗn loạn đan xen trong đó.

Vào thời điểm của sự bình an, Giáo Hội lớn lên và lời của Thiên Chúa được loan truyền. Và cũng có những sự bách hại bắt đầu với Stephano, rồi Phaolô, từ một người bắt đạo trở thành người bị bách hại. Giáo hội thời kỳ đầu cũng có những xáo trộn như tình trạng mà bài đọc thứ nhất kể lại.

Những Kitô hữu trở lại tại Antiokia, Syria, và Cilicia đã tin vào Đức Giêsu, được rửa tội, và được lãnh nhận Chúa Thánh Thần mà không phải qua giai đoạn trung gian. Tuy nhiên, một số người gốc Do Thái cảm thấy rằng người ngoại trở lại thì trước hết họ phải trở thành người Do Thái trước đã, rồi sau đó mới trở thành Kitô hữu, gọi là những Kitô hữu sống theo luật Do Thái, nghĩa là phải qua giai đoạn chuyển tiếp. Điều này gây nên xáo trộn cho những người ngoại trở lại và khiến họ thắc mắc về tình trạng của họ. Những người ngoại trở lại này cảm thấy họ là Kitô hữu hạng hai.

Vì lý do này, các Tông đồ đã viết thư cho giáo đoàn tại Antiokia, Syria và Cilicia. Các Tông đồ thừa nhận rằng, có một vài người trong số những người tại các giáo đoàn đã làm cho các tông đồ phiền lòng vì sự giảng dạy của họ, và cũng những người này đã gây nên sự xáo trộn trong tâm hồn của những người Kitô hữu trở lại, trong khi đó, các tông đồ không hề có bất kỳ sự ủy thác giảng dạy nào đối với những người này.

Nguy hiểm của sự cứng ngắc

Đức Thánh Cha đã suy tư về thái độ của những nhà rao giảng, thuyết giảng của thời kỳ đầu này.

“Sự cứng ngắc không đến từ Thánh Thần của Thiên Chúa, sự cứng ngắc đặt câu hỏi về sự nhưng không của ơn cứu chuộc và sự sống lại của Đức Kitô”.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng, những người Kitô hữu giữ luật Do Thái là những người đã có những cuộc tranh cãi về thần học, mục vụ và đạo đức về sự nghiêm khắc của họ. Họ muốn một tôn giáo tuân theo đầy đủ các qui định, và như vậy họ tước mất sự tự do của Chúa Thánh Thần và niềm vui của Tin Mừng.

Chính Đức Giêsu cũng đã phải đối đầu với những tiến sĩ luật vì sự cứng ngắc của họ, Đức Giêsu nói “khốn cho các ngươi, những kinh sư và Pharisiêu giả hình, các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người.” (Mt 23,15). Những tiến sĩ luật đã thao túng lương tâm của các tín hữu, biến họ thành những con người cứng ngắc.

Đức Thánh Cha đã đưa ra một ví dụ của những người phái Pêlagiô, nổi tiếng về sự cứng ngắc. Ngài cũng đưa thêm những ví dụ gần đây về các tổ chức hoạt động tông đồ mà bên ngoài thì làm việc hiệu quả nhưng sau đó, những tổ chức này đã bị phát hiện là tham nhũng, thậm chí cả những người sáng lập tổ chức.

Ngài lưu ý rằng, sự cứng ngắc ngăn chặn chúng ta nếm hưởng sự tự do đến từ sự công chính hóa. Chúng ta chỉ có thể tận hưởng ân huệ của tự do khi chúng ta loại bỏ sự cứng ngắc ra khỏi tâm trí mình.

“Công chính hóa là điều nhưng không. Cái chết của Đức Giêsu là sự nhưng không, và chúng ta không phải trả phí cho sự công chính hóa qua cái chết của Người. Tất cả là nhưng không, hoàn toàn miễn phí!”

Niềm vui của tự do tin mừng

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra rằng các Tông đồ đã giải quyết vấn đề cứng ngắc đó bằng việc viết thư cho những người Kitô hữu trở lại tại Antiokia, Syria và Cilicia. Các ngài viết “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm.” Những điều này là những điều đạo đức thông thường. Chúng giúp những người mới trở lại khỏi phải bị lẫn lộn Ki tô giáo với ngoại giáo. Khi những Ki tô hữu này- là những người bị xáo trộn- nhận được lá thư, họ đã vui mừng với sự khích lệ mà các tông đồ trao cho họ. Sự xáo trộn của họ đã biến mất, và họ được trở lại với niềm vui.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “tinh thần của sự tự do nơi tin mừng luôn mang đến niềm vui”. Đây là những gì mà Đức Giêsu đã mang lại với sự sống lại của Người. Đó không phải là sự cứng ngắc nhưng là được nhận lãnh nhưng không. Các môn đệ đã trải nghiệm niềm vui này với Đức Giêsu khi Người nói với họ “Thầy không gọi các con là tôi tớ…Thầy gọi các con là bạn hữu” (Gioan 15,15).

Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ chúng ta phân định được hoa trái của sự nhưng không nơi tin mừng hoa kết quả của sự cứng ngắc.

“Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi tinh thần cứng ngắc, loại tinh thần cướp đi sự tự do nơi chúng ta.”

Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P