$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Thời sự
»
»
Giáo phận Xuân Lộc

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo: Tâm thư Tháng 5/2018 gửi Cộng Đoàn Dân Chúa Giáo phận Xuân Lộc

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 500 | Cật nhập lần cuối: 5/11/2018 8:47:13 AM | RSS

LINH MỤC, TU SĨ THÁNH
ĐỂ GIÁO PHẬN TRỞ THÀNH
CỘNG ĐOÀN THÁNH

Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Tông huấn “Gaudete et Exsultate” (Hãy Vui Mừng và Hân Hoan) về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay được Đức Thánh Cha Phanxicô công bố ngày lễ Thánh Giuse, 19 tháng 3 vừa qua, gợi hứng cho tôi chia sẻ với quý Cha và quý Tu sĩ về đề tài nên thánh mà tôi đã có dịp đề cập trong Lời Chủ Chăn tháng 6 năm 2017. Với bài chia sẻ hôm nay, tôi ao ước làm sáng tỏ thêm tầm quan trọng của “ơn gọi” nền tảng này và mở rộng suy tư về cuộc đời và công việc mục vụ của các Linh mục và Tu sĩ. Tôi sẽ không làm bản tóm lược Tông huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng lấy đôi ba ý tưởng trong Tông huấn như những gợi ý để suy tư thêm về một vài yếu tố thiết thực với hoàn cảnh của chúng ta. Đề tài của bài chia sẻ này là “Linh mục và Tu sĩ Thánh để Giáo phận trở thành Cộng đoàn Thánh”.

1. Khơi nên lòng khát khao nên thánh trong toàn thể cộng đoàn Dân Chúa
Trong đoạn cuối cùng của Tông huấn “Gaudete et Exsultate” (Hãy vui mừng và hân hoan), Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Tôi hy vọng là những trang Tông huấn này sẽ hữu ích để làm cho toàn thể Giáo Hội dấn thân thúc đẩy lòng khát khao nên thánh. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần đổ vào lòng chúng ta sự ao ước sâu đậm nên thánh để làm sáng Danh Chúa và chúng ta hãy khích lệ nhau theo chiều hướng này. Như vậy, chúng ta sẽ chia sẻ cho nhau niềm hạnh phúc mà thế gian không thể lấy đi được.” (Vui Mừng và Hân Hoan, 177).

Gần ba mươi năm trước đó, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng có lời nói tương tự trong Thông điệp “Redemptoris Missio” (Sứ mệnh Đấng Cứu Thế). Ở số 90 trong Thông điệp gồm 92 số, ngài viết: “Ơn gọi truyền giáo phát sinh từ ơn gọi nên thánh… Sự thánh thiện phải được coi là nhu cầu nền tảng và là điều kiện không thể thay thế để thực hiện sứ mệnh cứu chuộc của Giáo Hội… Mỗi tín hữu được kêu gọi nên thánh và dấn thân truyền giáo… Sự canh tân việc dấn thân truyền giáo đòi phải có những nhà truyền giáo thánh thiện. Chỉ đổi mới các phương pháp mục vụ, hoặc chỉ tổ chức và điều hành cách hoàn hảo hơn các nguồn lực của Giáo Hội không thôi thì chưa đủ; cũng không đủ nếu chỉ tìm kiếm cho chính xác hơn những nền tảng thánh kinh và thần học của đức tin. Điều cần thiết là khơi dậy “nhiệt huyết nên thánh” mới mẻ nơi các nhà thừa sai truyền giáo, cũng như nơi toàn thể cộng đồng tín hữu kitô, đặc biệt nơi những cộng tác viên gần gũi của các nhà truyền giáo”.

Hai trích dẫn trên đây cho thấy các Đức Thánh Cha quan tâm đến hai điều: Một là mọi thành phần Dân Chúa gồm Giám mục, Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân đều được mời gọi nên thánh; Hai là nhu cầu cần khơi lên trong tâm hồn mọi người lòng khát khao nên thánh.
Mặc dù ơn gọi phổ quát nên thánh của mọi thành phần Dân Chúa đã được Công đồng Vaticanô II xác quyết, đặc biệt qua chương V của hiến chế “Lumen Gentium” (Ánh sáng muôn dân), với tựa đề “Ơn gọi phổ quát nên thánh trong Giáo Hội”, nhưng trong thực tế, điều này xem ra chưa thực sự bén rễ trong tâm trí mọi người. Vẫn biết là nhiều con cái của Giáo Hội có đời sống tốt lành, thánh thiện, biểu lộ đặc biệt trong những hoàn cảnh khó khăn và họ có thể được coi là những vị thánh đương thời. Tuy nhiên, cảm tưởng chung là rất nhiều tín hữu của Chúa, kể cả các Linh mục và Tu sĩ, chưa xác tín là cần nên thánh. Do đó, họ chỉ cố gắng giữ những luật lệ tối thiểu của đời sống đức tin và tỏ ra hài lòng với vài thực hành luân lý của mình. Còn việc mục vụ thì chỉ nhắm giúp cho Dân Chúa “giữ” Đạo qua việc tuân thủ luật Chúa, luật Giáo Hội, những qui định của giáo phận, giáo xứ và tổ chức thành công các buổi lễ theo truyền thống.

Đối với các Linh mục và Tu sĩ, ơn gọi phổ quát nên thánh của mọi thành phần Dân Chúa là một thách đố với hai chiều kích. Chiều kích thứ nhất là chính đời sống của mỗi Linh mục và Tu sĩ. Nếu tất cả mọi người đều được mời gọi và có thể nên thánh (x. LG 39) thì hơn ai hết, các Linh mục và Tu sĩ phải là những người dẫn đầu trong việc dấn thân nên thánh. Đây là một trong những lời kêu gọi khẩn thiết và cấp bách nhất của Công Đồng, vì nhờ việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm, Linh mục và Tu sĩ “mang lại và phải mang lại cho thế giới một chứng tá và một mẫu gương rạng ngời về sự thánh thiện của Giáo Hội” (LG 39). Như vậy, một Linh mục, Tu sĩ chỉ đích thực thực hiện ơn gọi của mình nếu dấn thân trên đường nên thánh.

Chiều kích thứ hai là trách nhiệm mục vụ của mỗi Linh mục và Tu sĩ. Nếu các tín hữu cũng được mời gọi nên thánh thì công tác mục vụ của các Linh mục và Tu sĩ không thể giới hạn trong việc giúp các tín hữu “giữ đạo” và tổ chức các sinh hoạt đạo đức sầm uất, nhưng phải vươn tới một viễn tượng cao đẹp hơn, tức là khơi lên trong Dân Chúa lòng khát khao nên thánh và hướng dẫn mọi người biết đường nên thánh. Trong viễn tượng này, việc dấn thân mục vụ sẽ trở thành nguồn vui, cho dù đôi lúc vẫn còn cảm nhận những mệt nhọc thể xác. Ngoài ra, sự hiện diện của những con chiên khó tính, lười biếng và ngỗ nghịch tuy có khi gây ra đau khổ, sẽ được chấp nhận như một thách đố tình yêu của mục tử và trở thành nguồn gợi hứng cho các sáng kiến mục vụ “để họ được sống và sống sung mãn hơn” (Ga 10,10), tức là giúp họ nên thánh.

Để thực hiện viễn tượng mục vụ nói trên, nhất thiết các Linh mục và Tu sĩ phải khơi lên được trong chính lòng mình sự khát khao nên thánh và nuôi dưỡng nó luôn sống động để trở thành ánh sáng chiếu soi và sức mạnh thúc đẩy cuộc sống trong mọi giây phút. Lúc đó, sự thánh thiện sẽ hiện ra trước mắt như vẻ đẹp có sức hấp dẫn và lôi cuốn.

Khơi dậy lòng khát khao nên thánh là việc hết sức đơn giản, nhưng lại cũng rất khó khăn. Đơn giản vì cơn khát sự thánh thiện cũng chính là cơn khát Thiên Chúa để được thuộc trọn về Ngài và được thấm nhuần tâm tư của Ngài, mà chính Ngài đã đặt để trong tâm khảm từng người. Nỗi khát mong này được Thánh vịnh 63 diễn tả như sau: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.” Tâm tình của Thánh vịnh đã được thánh Agostinô diễn tả bằng chính kinh nghiệm sống động của ngài như sau: “Chúa đã dựng nên con cho Chúa. Lòng con sẽ mãi mãi khắc khoải bao lâu chưa yên nghỉ trong Chúa” (Tự thuật 1,I,1).

Lòng khát khao nên thánh, tuy đơn giản, nhưng lại rất khó khăn vì không một quyền lực nào có thể ép buộc hoặc một lợi ích trần thế nào có đủ sức mạnh thúc đẩy người ta nên thánh. Chỉ tình yêu của Chúa được đón nhận trong một lương tâm hướng thiện nơi một người mới có thể khơi dậy và thúc đẩy họ dấn thân sống thánh thiện. Vì vậy, ước muốn nên thánh khó có thể được khơi lên trong một tâm hồn bề bộn nhiều thứ đam mê có thể lấn át tiếng gọi của Thiên Chúa. Do đó, để lòng khát khao nên thánh có thể vươn lên, cần phải loại bỏ những cơn khát khác phát sinh từ tư lợi, dục vọng, thú vui, kiêu căng, tự ái. Để loại bỏ những đam mê nói trên cần phải để ý đến hai yếu tố hết sức quan trọng nếu không muốn rơi vào ảo vọng.

Yếu tố thứ nhất là cần phải coi nhẹ, và dứt bỏ không những điều xấu mà cả điều tốt, kể cả tình nghĩa cha mẹ (x. Lc 14,26, St 12,1-4), nếu nó cản trở chúng ta kết hợp với Chúa. Chúa đòi chúng ta một hiến dâng triệt để vì “Một người đạt tới sự kết hiệp với Thiên Chúa và sự thánh thiện là người chấp nhận Đức Kitô là tình yêu duy nhất của mình.”
[1] Yếu tố thứ hai là sự thành thực: can đảm nhìn vào lòng mình và thành thực nhận diện những tình cảm, ý nghĩ sâu thẳm trong tâm hồn để gọi chúng với chính tên của chúng. Cơn cám dỗ rất lớn và nguy hiểm trong đời sống thiêng liêng là làm ngơ, giả điếc để không phải trực diện sự thật của lòng mình hoặc cố gắng tạo ra những lý lẽ không thật hay gượng ép để biện minh cho mình. Nơi một người để mình bị lôi cuốn vào tâm tình và lối sống giả dối này, lòng khát khao Chúa sẽ bị vùi dập bởi các thứ đam mê và người đó sẽ không cảm nghiệm được vẻ đẹp và sức hấp dẫn của sự thánh thiện.

2. Nên thánh trong đời thường
Gắn liền với viễn tượng ơn gọi phổ quát nên thánh của mọi thành phần Dân Chúa là khái niệm “nên thánh trong đời thường”. “Nên thánh” không phải là đặc ân dành riêng cho một số người, mà là bản chất của mọi người đã được rửa tội để trở nên một thụ tạo mới (2 Cr 5,17), thành nghĩa tử của Thiên Chúa (x. Gl 4,5-7), thông phần bản tính Thiên Chúa (x. 2 Pr 1,4), thành chi thể Đức Ki-tô (x.1Cr 6,15; 12,27) và thành đền thờ Chúa Thánh Thần (x.1Cr 6,19) (x. GLGHCG 1265).

Ngay từ thời kỳ khởi đầu, Giáo Hội đã được gọi là “Dân Thánh” và trong lịch sử của Giáo Hội, những tín hữu được tuyên dương là “Thánh” để trở thành mẫu gương cho mọi người, thuộc đủ mọi thành phần trong Giáo Hội, mọi lứa tuổi, mọi giai cấp trong xã hội. Nhiều văn kiện của Giáo Hội, đặc biệt hiến chế “Lumen Gentium” của Công đồng Vaticanô II đều nhắc nhở mọi người nên thánh. Dựa vào truyền thống và giáo huấn từ ngàn đời của Giáo Hội, Tông huấn “Gaudete et Exsultate” một lần nữa nhắc nhở và mời gọi, đồng thời cũng chỉ ra một vài điểm nhấn cho việc nên thánh trong hoàn cảnh hiện tại.

  • - Ai cũng có thể nên thánh và nên thánh trong hoàn cảnh sống cụ thể của mình. Có thể đó là một hoàn cảnh đặc biệt, ngoại thường, nhưng cũng có thể là hoàn cảnh bình thường của một Linh mục và Tu sĩ trong sứ vụ và trách nhiệm cụ thể của mình, một bà mẹ, một người cha đang lo lắng mưu sinh, nuôi dạy con cái, hoặc những người có trách nhiệm ngoài xã hội, phục vụ lợi ích chung… Trong mọi hoàn cảnh, phải lấy tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân làm ngôi sao dẫn đường. Tình yêu trung tín và quảng đại đến độ can đảm chịu thiệt thòi vì Chúa và chấp nhận hy sinh, quên mình để mưu ích cho tha nhân.
  • - Khuôn mặt của sự thánh thiện là vui tươi, hạnh phúc và an bình trong mọi hoàn cảnh. Các Thánh là những người hạnh phúc vì các ngài đã khám phá ra Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực và con đường dẫn tới hạnh phúc là Các Mối Phúc Thật. Trong mọi hoàn cảnh, các ngài luôn hạnh phúc vì đã nhận Chúa là gia nghiệp đời mình và lòng trí các ngài không lệ thuộc, cũng không còn dính bén vào các thụ tạo.
  • - Trong thế giới ngày nay, bạo động và gian dối lan tràn mọi nơi, đặc biệt thể hiện qua lời nói, được nhân lên nhiều lần qua những phương tiện truyền thông. Nhiều khi nhân danh quyền tự do ngôn luận người ta moi móc, nói xấu và có khi còn “làm chứng gian”. Nỗ lực nên thánh đòi người tín hữu của Chúa phải thanh tẩy lòng trí khỏi những hận thù, hiềm tị, ghen ghét, phải cẩn thận tìm hiểu sự thật và canh phòng miệng lưỡi để không gây tủi nhục, làm mất thanh danh người khác, gây thêm giả dối, bất công và bạo lực trong môi trường sống.
  • - Chính Thiên Chúa là nguồn mạch của sự thánh thiện. Ngài thông truyền sự thánh thiện của Ngài cho con cái loài người. Do đó, hành trình nên thánh luôn song hành với đời sống nội tâm và cầu nguyện để vun đắp “tình thân” sâu xa với Chúa Giêsu (x. Lc 15,14-15; 12,14), hân hoan chọn Chúa là gia nghiệp duy nhất đời mình (x. Mt 13,44.46) và đem hoa trái trong các hoạt động mục vụ.

Kính thưa quý Cha và quý Tu sĩ, để kết thúc bài chia sẻ này, tôi muốn nhắc lại lòng ao ước đã bày tỏ với quý Cha và quý Tu sĩ trong Lời Chủ Chăn tháng 6 năm 2017: “Tôi luôn cầu nguyện và ước ao được nhìn thấy trong Giáo phận một hàng ngũ Linh mục và Tu sĩ thánh thiện, hết lòng với Thiên Chúa và hết mình với đoàn chiên đã được Ngài trao phó để hướng dẫn, chăm sóc và phục vụ thay cho Ngài”. Để Giáo phận trở thành “Thánh địa của Lòng Thương Xót”, các Linh mục và Tu sĩ phải là những người chất chứa trong tâm hồn Lòng Thương Xót của Chúa. Cũng thế, để Giáo phận trở thành Dân Thánh, hàng Linh mục và Tu sĩ của Giáo phận phải là những người thánh thiện, dấn thân trên đường nên thánh và là những thầy dạy dẫn đường nên thánh.

Xin Đức Mẹ là mẫu gương của đời sống thánh thiện dẫn dắt và nâng đỡ tất cả chúng ta trong nỗ lực nên thánh và hướng dẫn đoàn Dân Chúa trên đường nên thánh để cùng nhau trình bày cho các Anh Chị Em lương dân vẻ đẹp của Thiên Chúa là Đấng Thánh.

Thân mến chào quý Cha và quý Tu sĩ.
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc