$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Đào tạo
»
»
Dòng Đa Minh

Phụ nữ và Đặc sủng Đa Minh

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 466 | Cật nhập lần cuối: 5/31/2021 8:27:09 AM | RSS

Phụ nữ và Đặc sủng Đa Minh

Khi cha Đa Minh bắt đầu sứ vụ rao giảng ở miền Nam nước Pháp vào những năm đầu của thế kỷ XII, thì không chỉ có nam giới mà còn có cả nhiều phụ nữ cũng nhiệt thành tham gia nữa. Những phụ nữ này đa số là những người cải đạo từ lạc giáo Albigensian. Trước đây họ đã tích cực trong việc giảng dạy các học thuyết dị giáo và bây giờ họ muốn tích cực trong việc giảng dạy chân lý. Vì vậy, phụ nữ đã chia sẻ dự án rao giảng của cha Đa Minh ngay từ đầu cách tích cực và tham gia nhiều nhất có thể vào sứ mệnh này. Tại Prouilhe, gần Toulouse, nữ tu viện đầu tiên được thành lập vào năm 1206 và đóng vai trò là cơ sở cho việc giảng thuyết của Dòng.

Phụ nữ và Đặc sủng Đa MinhTrong lịch sử của Dòng, phụ nữ luôn là những thành viên quý báu và đã tham gia vào sứ mạng của Dòng. Một số trong số họ là đan sĩ, dù không có vai trò hoạt động tông đồ bên ngoài nhưng qua đời sống cầu nguyện và thánh thiện và đã đóng góp rất nhiều vào sự phát triển lối sống thần bí. Ngoài những nữ đan sĩ, còn có những người nữ khác sống trên mọi lục địa, với những hoàn cảnh sống và địa vị khác nhau nhưng đều là những bằng chứng tuyệt vời cho sức sống và sự sáng tạo của ơn gọi Đa Minh. Chúng ta có thể nêu ra vài khuôn mặt điển hình:

- Zedislava, một phụ nữ gốc Slav và đã lập gia đình, trong thời gian tiên khởi của Dòng, bà đã gặp hai anh Hyacinth và Ceslaus của Ba Lan. Bị thu hút bởi lý tưởng Đa Minh, bà đã tuyên khấn như là giáo dân Đa Minh, và sau đó hiến thân cho công việc giảng dạy và chăm sóc người nghèo và người đau bệnh.

- Margaret Castello, một phụ nữ người Ý đã sống ơn gọi giáo dân Đa Minh. Mặc dù bị mù và dị tật nhưng vẫn thường xuyên có những người gặp khó khăn ở quê nhà đến thăm viếng để được bà an ủi và động viên.

- Jane Orvieto, một người kiếm sống bằng nghề thợ may và đồng thời sống một đời sống cầu nguyện sâu sắc. Mặc dù nghèo khó, bà luôn cố gắng quan tâm đến người khác là những người thậm chí còn nghèo hơn bà.

- Vào thế kỷ XVI, chúng ta gặp Rosa Lima, một giáo dân Đa Minh khác và là vị thánh đầu tiên của châu Mỹ. Thánh nhân kết hợp cuộc sống thần bí sâu sắc với sự phục vụ trắc ẩn dành cho những người da đỏ bị áp bức và nô lệ châu Phi. Sự chăm sóc của bà dành cho họ đặc biệt đến mức cho đến nay, tại châu Mỹ Latinh, bà được nhớ đến là “mẹ của những người nghèo”.

- Một thế kỷ sau ở Nhật Bản, Magdalene ở Nagasaki đã hiến dâng mạng sống vì đức tin Kitô giáo trong thời bách hại tàn khốc. Cô thuộc nhóm các vị tử đạo Nhật Bản được Đức Gioan Phaolô II phong chân phước vào năm 1987.

- Thế kỷ XIX chứng kiến sự thành lập của nhiều cộng đòan nữ tham gia hoạt động, được hình thành bởi những phụ nữ tiên phong, có tầm nhìn xa, theo tinh thần Đa Minh, mong muốn đáp ứng hoàn cảnh bất công của người nghèo, người bệnh tật, người thất học, người vô gia cư và những người bị bỏ rơi, tại các quốc gia riêng của họ. Những cộng đoàn này đã lan rộng khắp thế giới, và ngày nay đang tham gia vào việc mang sứ điệp phúc âm đến với người đương thời theo nhiều cách thế khác nhau. Marie Poussepin, vị sáng lập Hội Dòng Nữ Đa Minh Đức Mẹ dâng mình là một trong những phụ nữ dũng cảm này. Khi được phong chân phước vào năm 1994, bà được mọi người ca ngợi là “tông đồ xã hội của lòng bác ái”.

- Praxedes Fernandez, Một nữ giáo dân Đa Minh người Tây Ban Nha, người đã thể hiện sự quan tâm vô bờ đối với những người nghèo khổ và vô gia cư trong thế kỷ XX. Trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, tác vụ của bà trong gíao hội “vượt xa tác vụ của nhiều linh mục” vào thời điểm mà Thừa tác vụ giáo dân hầu như không được biết đến trong giáo hội.

Như thế, điểm chung của những người phụ nữ này là ơn gọi Đa Minh mà họ đã sống một cách tích cực tùy theo hoàn cảnh cụ thể của họ. Điều ấn tượng mạnh mẽ là sự đáp ứng tự phát, trắc ẩn của họ đối với những nhu cầu và nỗi khổ cụ thể của thời đại, và khả năng diễn đạt của họ theo những cách mới mẻ sứ mạng truyền giáo, giảng thuyết và giảng dạy của Dòng.

Nổi bật nhất chúng ta có thể nói là Catarina Siena, một phụ nữ có niềm say mê to lớn đối với cuộc đời, luôn đặt trọn bản thân mình vào điều mà người xác tín. Sinh tại Siena năm 1347 và qua đời tại Rôma năm 1380, Catarina được Đức Piô II phong thánh năm 1461, được Đức Phaolô VI tuyên phong là Tiến sĩ Giáo hội năm 1970, và được Đức Gioan Phaolô II phong là thánh đồng bảo trợ châu Âu năm 2000.

Catarina Siena, môn sinh của cha Đa Minh

Hơn mọi người khác, Catarina Siena có thể được coi là người đã cống hiến cho Giáo hội và cho Dòng một biểu hiện sống động của đặc sủng Đa Minh. Thật thế, Catarina là một người phụ nữ nổi bật, phi thường không chỉ trong giai đoạn lịch sử người sống, mà còn trong nhiều thế kỷ tiếp theo, như là một nhân cách sống động, mạnh mẽ, say mê và nhiệt huyết. Chân lý mà Catarina được thuyết phục nhất chính là tình yêu vượt trội, lạ lùng của Thiên Chúa đối với thụ tạo được thể hiện trong Chúa Giêsu Kitô. Kết quả của việc sống trong chân lý này là Catarina đã trở thành một nhà thần bí vĩ đại, yêu điên cuồng đối với Thiên Chúa, và đồng thời cũng là một nhân vật lịch sử quan trọng đã làm việc không mệt mỏi cho sự đổi mới của Giáo hội và thế giới.

Catarina có một tình yêu mãnh liệt đối với Thánh Đa Minh và Dòng do người thành lập. Catarina lớn lên dưới bóng của nhà thờ Đa Minh San Domenico ở Siena. Nơi đây, Catarina đã dành hàng giờ để cầu nguyện, tham gia việc cử hành phụng vụ thánh thể và lãnh nhận bí tích hòa giải. Các tu sĩ sống trong tu viện bên cạnh là bạn và là những cố vấn của người. Catarina thường xuyên nghe họ giảng và thường trò chuyện với họ. Kết quả là, qua nhiều năm, Catarina đã thấm nhuần một sự đánh giá sâu sắc về lối sống và những quan điểm thần học Đa Minh về chân lý đức tin.

Do đó, Catarina gia nhập “nhóm cư sĩ”, một nhóm các nữ giáo dân thuộc Dòng Đa Minh, mặc dù gặp nhau thường xuyên, nhưng họ sống tại nhà riêng, dâng hiến cuộc đời cho việc cầu nguyện và hoạt động bác ái. Kể từ đó, toàn bộ cuộc đời của Catarina có thể được mô tả như là sống theo đặc sủng Đa Minh. Catarina đã thực hiện nhiệm vụ rao giảng phúc âm theo mọi cách thế mở ra với mình như: dạy dỗ môn sinh; đem sứ điệp về tình yêu và sự chăm sóc của Thiên Chúa cho người nghèo và bệnh tật; loan báo tin mừng về lòng thương xót vô tận của Thiên Chúa cho tội nhân; hướng dẫn cho cả nam và nữ thuộc mọi tầng lớp xã hội; đóng vai trò là người kiến tạo hòa bình giữa các gia tộc phong kiến và các quốc gia có chiến tranh; thuyết phục Đức giáo hoàng Gregory XI từ Avignon trở về Roma; khuyến khích và hỗ trợ Đức tân giáo hoàng Urban VI và các nhà lãnh đạo giáo hội khác vào thời điểm xảy ra cuộc ly giáo.

Một cách thế quan trọng khác, và rất là Đa Minh, trong đó Catarina truyền giảng phúc âm, là thông qua chữ viết. Cuốn ĐỐI THOẠI mà Catarina đã viết là một bản tóm tắt tư tưởng thần học của thánh nhân. Tác phẩm kể về cuộc đối thoại tuyệt vời với nhân loại do Thiên Chúa khởi xướng, trong đó Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Lời hòa giải, kiến tạo hòa bình. Catarina cũng là một người viết thư phi thường, trong việc đáp ứng tất cả những ai cần sự giúp đỡ và lời khuyên của thánh nhân. Gần 400 bức thư của Catarina vẫn còn tồn tại. Theo lời của Thánh Phaolô gửi cho Timôthê, Catarina là người khẩn thiết rao giảng lời Chúa lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện (2 Tim 4,2) Không có gì ngạc nhiên khi cha Bề trên tổng quyền Dòng, Aniceto Fernandez, trong dịp thánh nữ được tuyên bố chính thức là Tiến sĩ Giáo hội vào năm 1970, đã mô tả Catarina là người phụ nữ mà “trọn vẹn tâm hồn của Thánh Đa Minh được truyền lại."

Sự cầu nguyện của Catarina

Ngay từ thời thơ ấu, Catarina đã có những dấu hiệu cho thấy ước muốn hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, và vào độ thanh xuân, Catarina đã trải qua một đời sống cầu nguyện sâu sắc. Trong suốt cuộc đời, Catarina là người nhận được những biểu hiện phi thường của tình yêu Thiên Chúa như: những cuộc mặc khải, xuất thần, thị kiến, sự hoán đổi trái tim, in dấu thánh, cuộc hôn nhân thần bí. Tuy nhiên, Catarina chưa bao giờ xem những kinh nghiệm phi thường này là điều cần thiết cho một đời sống cầu nguyện sâu sắc. Đối với Catarina, con đường dẫn đến mối tương quan đích thực với Thiên Chúa là con đường “bình thường” của đức tin, đức cậy và đức mến. Mối tương quan của Catarina với Thiên Chúa thể hiện một phẩm chất của sự giản dị tuyệt vời. Trong thời gian đầu đời, Thiên Chúa đã cho Catarina lời khuyên này: "Hãy nghĩ đến Cha và Cha sẽ nghĩ đến con." Vị giải tội của Catarina là cha Raymond kể lại rằng “Đức Chúa đã có những cuộc trò chuyện lâu dài với Catarina … và nói chuyện với Catarina như một người bạn thân thiết”. Thật vậy, Catarina nhận thức được sự hiện diện của Đức Giêsu đến nỗi thánh nữ có ấn tượng rằng "Đức Chúa thậm chí cùng nguyện Thánh Vịnh với thánh nữ khi họ đi qua đi lại trong phòng của người."

Giống như cha thánh Đa Minh, Catarina có một tình yêu nồng nàn đối với Chúa Giêsu Kitô. Chính từ Người mà Catarina biết được Thiên Chúa là ai; cũng chính từ Người mà Catarina khám phá ra con đường hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi vĩnh cửu. Khi tuyên phong Catarina là Tiến sĩ Hội Thánh, Đức Phaolô VI đã gọi ngài bằng danh xưng xứng hợp là “nhà thần bí của Ngôi Lời trở nên xác phàm, nhất là Đức Giêsu bị đóng đinh”.

Nơi Đức Giêsu bị đóng đinh, Catarina chiêm ngưỡng tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Trong một lá thư, Catarina mô tả thân thể đau khổ của Người như một cuốn sách trong đó tình yêu của Thiên Chúa được viết lên, không phải bằng mực mà bằng máu, bằng những mẫu tự lớn đến nỗi không ai mà không đọc được. Catarina đặc biệt thích ám chỉ Chúa Giêsu Kitô là Cầu nối giữa Thiên Chúa và nhân loại. Thánh nữ giải thích rằng con đường giữa trời và đất đã bị tội lỗi phá hủy và do đó con người không thể vươn tới được thiên đàng, vì vậy Thiên Chúa đã ban cho họ một cây cầu là Chúa Giêsu Kitô, để họ đạt tới đó.

Hành trình hướng về Thiên Chúa của Catarina cũng là cuộc hành trình đi vào chính mình, vào điều mà Catarina gọi là “căn phòng của sự nhận biết mình”, ở đó thánh nữ hiểu bằng kinh nghiệm và đầy đủ nhất về chính mình là ai cũng như Thiên Chúa là ai. Nhờ sự hiểu biết kép này mà Catarina tràn đầy tình yêu vô vị lợi đối với Thiên Chúa và tha nhân. Trong cuộc hành trình hướng về Thiên Chúa, đồng thời dẫn đến chỗ sâu thẳm của bản thân, Catarina trở nên ngày càng kết hợp với Thiên Chúa và thống nhất trong chính mình. Chính vì thường xuyên sống trong căn phòng nội tâm nên Catarina đã có thể kết hợp đời sống cầu nguyện chiêm niệm sâu sắc với việc tích cực quan tâm đến người khác.

Một nhà giảng thuyết lưu động ở vùng biên

Người Đa Minh được gọi là những nhà giảng thuyết lưu động. Giống như thánh Đa Minh đã rong duổi trên các nẻo đường của nước Pháp, Ý, và Tây Ban Nha để tìm kiếm những nơi rao giảng mới, Catarina luôn trong sự quan tâm tới những người chưa bao giờ nghe lời Chúa. Do đó, Catarina là một người luôn di chuyển, vốn là điều khá khác thường trong thời của người, hăng hái mang tin mừng cho người khác bao nhiêu có thể. Bất cứ khi nào cảm thấy lưỡng lự để đi tới một địa điểm mới, thánh nhân liền nhớ lại lời mà Thiên Chúa đã nói với người trong khi cầu nguyện: "Con phải mạnh dạn lao mình vào các hoạt động công khai với ý nghĩ duy nhất này là phần rỗi các linh hồn, dù nam hay nữ.. Cha sẽ luôn ở bên con.... Con hãy tiếp tục can đảm lên!" Chính vì luôn ở lại trong sức mạnh của Thiên Chúa và nhân danh Đức Giêsu Kitô mà Catarina dám rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa cho những người đương thời của người

Câu chuyện về việc giảng thuyết lưu động của Đa Minh là một câu chuyện về sứ mạng vùng biên: di chuyển từ Osma an toàn, nơi Đa Minh là Kinh sĩ Augustinô đến Toulouse bất an, nơi Đa Minh trở thành một nhà giảng thuyết lưu động; gửi những môn sinh đầu tiên tới nhiều tiền đồn tại châu Âu; ước muốn tự mình đến với những người Cumans man rợ. Là một biên phòng, Catarina luôn tìm kiếm những địa điểm mới để rao giảng sứ điệp về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Ý thức về sứ mạng của người Đa Minh không ngừng thúc đẩy và dẫn Catarina đến những biên cương mới, nơi sức mạnh chuyển hóa của phúc âm cần được thể hiện. Catarina đã không tạo sẵn những biên cương này; đúng hơn Catarina phát hiện ra chúng bằng cách đọc các dấu chỉ của thời đại. Do đó, thánh nhân đã tìm thấy chúng trong bối cảnh của thực tế lịch sử vào thời của người.

Trong xã hội Ý vào thời Catarina, có những người cai trị chính trị lạm dụng quyền lực và bóc lột những người dưới quyền họ. Đối với nhiều người trong số này, Catarina đã trực tiếp hoặc qua những lá thư, với sứ mạng loan báo Tin Mừng, kêu gọi họ trở lại từ hành vi bất công, ích kỷ để thực hành “công lý thực thi với lòng thương xót” trong cách đối xử với những người mà họ có trách nhiệm. Sứ điệp thường xuyên Catarina gửi đến những người có quyền hành là nếu họ muốn trở thành những người cai trị tốt, họ phải thực thi công lý. Không chỉ trong xã hội thế tục, mà còn trong Giáo hội vào thời đó, Catarina thấy mình ở ranh giới giữa công lý và bất công, sự sống và cái chết. Nhận thức được việc lạm dụng địa vị và quyền lực trong Giáo hội, Catarina đã can đảm và trung thực nói ra những điều xấu xa mà mình đã chứng kiến, và kêu gọi những vị lãnh đạo Giáo hội quay trở lại con đường phúc âm. Catarina có một tình yêu nồng nàn đối với Giáo hội, vì đối với thánh nữ, “Giáo hội không là gì khác hơn chính Đấng Kitô”. Chính tình yêu này đã giúp Catarina ở lại với Giáo hội trong tất cả những thời điểm đau khổ và bi thảm của Giáo hội, và không bao giờ từ bỏ hy vọng rằng mặc dù Giáo hội giống như "một khu vườn um tùm cỏ dại nhơ nhớp", và giống như một cô dâu có “khuôn mặt biến dạng vì bệnh phong cùi”, sẽ có một ngày Giáo hội được đổi mới và khôi phục lại được vẻ đẹp vốn có.

Sự nhiệt tâm truyền giáo đã đưa Catarina tới biên cương nơi mà những người bị gạt ra bên lề xã hội được tìm thấy như: gái điếm, lính đánh thuê, tù nhân, người bệnh tật và người nghèo. Xuyên suốt cuộc đời, Catarina đã thể hiện một tình yêu đặc biệt dành cho người nghèo. Sự nhạy cảm của Catarina đối với người nghèo được thể hiện qua việc thánh nhân vào ban đêm thường ẩn danh đi thăm viếng, và để lại thực phẩm, thuốc men, quần áo cho họ. Tuy nhiên, thánh nhân không chỉ giúp đỡ mà còn lên tiếng thay cho họ trong việc khiển trách những người giàu có và thế lực trong Gíao hội và xã hội đã lừa dối và từ chối các quyền lợi của người nghèo.

Là một phụ nữ, Catarina chiếm một vị trí biên cương, tạo ra một nền tảng mới và làm nhiều việc vốn thường không được làm bởi phụ nữ trong xã hội và Giáo hội thời đó. Về khía cạnh này, chúng ta có thể nghĩ về những cuộc hành trình kiến tạo hòa bình, công cuộc truyền giáo của Catarina ở vùng Val d’Orcia hoang dã và khắc nghiệt, gần Siena, và sự hiện diện của Catarina trong buổi hành quyết công khai tù nhân Niccolò di Toldo. Cuối cùng, với tư cách là một giáo dân trong Giáo hội, khi đưa ra những nhận thức thần học đích thực, theo phong cách và ngôn ngữ đặc biệt của riêng mình, Catarina là một biên phòng. Khi xướng danh thánh nữ là “Tiến sĩ Giáo hội”, Đức Phaolô VI chắc chắn đã nhận ra tầm quan trọng của biên cương này.

Người nữ của Lòng trắc ẩn

Cha Đa Minh là một người rất có lòng trắc ẩn. Trong suốt quá trình phong thánh, các nhân chứng đã làm chứng cho thấy lòng trắc ẩn là phẩm chất đặc trưng hơn hẳn các nhân đức nào khác của cha Đa Minh. Họ kể lại rằng Đa Minh vốn là một người vui tươi, vẻ mặt của người luôn rạng rỡ hạnh phúc, ngoại trừ khi người đối diện với sự đau khổ, dù là dưới bất cứ hình thức nào. Khi đó, diện mạo của thánh nhân thay đổi tức thì: người trở nên buồn bã và nước mắt không ngừng tuôn rơi. Từ ngữ mà Thánh Đa Minh dùng để rao giảng về sự đau khổ cũng là từ ngữ của lòng thương xót

Catarina cũng rao giảng phúc âm của lòng thương xót. Thánh nữ có một cảm thức sâu xa về sự đau khổ của thế giới, đặc biệt là những đau khổ bị gây ra bởi tội lỗi, và về sự cần thiết biết bao lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong cầu nguyện, vì cảm nghiệm lòng thương xót Chúa dành cho mình, Catarina dường như nghe thấy tiếng Chúa nói: "Cha muốn bày tỏ lòng thương xót đối thế giới, và Cha muốn thực hiện điều đó qua con và qua những đầy tớ khác của Cha." Sự đáp trả của Catarina là ra đi và nói với mọi người về lòng thương xót thần linh mà thánh nhân diễn tả là thuộc tính đặc biệt của Thiên Chúa.

Phúc âm của lòng thương xót được công bố cách hay nhất là khi nó được truyền đạt không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng những hành vi trắc ẩn của người giảng thuyết. Điều này cũng rất đúng với trường hợp của Catarina. Người hành khất nhận được từ thánh nhân thức ăn, quần áo; người thanh niên nài xin sự hiện diện của người khi anh bị thi hành án; người phụ nữ hấp hối phỉ báng người; những nhà thần học cao ngạo chế nhạo người: tất cả những người này và nhiều người khác nữa đều đã nhận được lòng trắc ẩn của thánh nhân một cách cụ thể, và kết quả là họ đã được biến đổi. Trong hành vi trắc ẩn này, Catarina đã không chỉ nối gót thánh Đa Minh, nhưng là theo gương chính Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã khiến cho lòng thương xót và trắc ẩn của Thiên Chúa hiển thị trong thế giới của chúng ta.

Thần học được Sống

Trở thành một môn sinh của Đa Minh là trở thành một người chuyên tâm học hành, học không chỉ vì lợi ích cho riêng mình mà còn để rao giảng phúc âm. Catarina Siena đã sống chiều kích này của đặc sủng Đa Minh như thế nào? Chúng ta đặt câu hỏi này với lưu ý rằng Catarina đã không được nhận bất kỳ trường lớp chính quy nào. Catarina chỉ được học đọc khi đã là một cư sĩ Đa Minh, và thậm chí mãi sau này mới học viết. Do đó, kiến thức thần học của Catarina không thể nói là kết quả của nhiều năm học tập và nghiên cứu. Vì thế, rất có thể là việc 'học tập” hoặc “nghiên cứu” của thánh nữ có được là qua các nguồn truyền khẩu, chẳng hạn, qua phụng vụ, qua lời rao giảng của các tu sĩ Đa Minh trong nhà thờ gần đó, qua các sách thần học và đạo đức bình dân được đọc lớn tiếng trong nhà và qua các lần trò chuyện với các nhà thần học trong số những môn sinh của người, cụ thể là với cha Raymond Capua. Catarina là một người rất thông minh, nhạy bén, và có trí nhớ siêu phàm. Những chân lý mà Catarina học được về Thiên Chúa và thân phận con người từ những người khác, thánh nhân suy ngẫm trong cầu nguyện, khai triển và mặc cho chúng thuật ngữ và hình ảnh độc đáo riêng. Thành quả cuối cùng của tiến trình học hỏi này là cái mà chúng ta gọi là thần học của thánh nữ. Đó là một “Thần học được sống” như Đức Gioan Phaolô II đã xác nhận trong Tông thư của ngài, Novo Millennium Ineunte. Đề cập đến thần học của thánh nữ trong bài giảng về việc nâng Catarina Siena lên bậc tiến sĩ, Đức Phaolô VI đã nói về sự hiểu biết “sáng suốt và sâu sắc” của người về chân lý thần linh, và về “đặc sủng huấn dụ” giúp thánh nữ có thể truyền đạt những lời khôn ngoan và tri thức cho người khác.

Điều đáng chú ý là trong phần kết thúc của cuốn ĐỐI THOẠI, Catarina, người mà xuyên suốt tác phẩm đã dần dần được trao cho thêm nhiều kiến thức để thánh nhân có thể yêu mến hơn, một lần nữa van xin sự hiểu biết: “Hãy mặc, xin hãy mặc cho con Chân lý vĩnh cửu.”

Đời sống chung

Catarina Siena không phải là một tu sĩ và vì thế, không sống trong một cộng đoàn tu trì bình thường. Do đó, có vẻ xa lạ khi tìm kiếm nơi thánh nhân sự hiểu biết về đời sống chung trong truyền thống Đa Minh. Tuy nhiên, với tư cách là một cư sĩ, Catarina thuộc một cộng đoàn Đa Minh, và chúng ta tìm thấy trong cuộc đời và các bài viết của người nhiều hiểu biết giá trị về đời sống cộng đoàn.

Đó là một đời sống chung bắt nguồn từ tình yêu thương cùng sự quan tâm sâu sắc lẫn nhau, và trong một lối sống giản dị. Lối sống này được người viết tiểu sử của thánh nữ mô tả như là lối sống của “sự nghèo khó tự nguyện, đặt tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, và thích trở thành lữ khách và hành khất… hơn là sống an nhàn và dư dả.” Đó cũng là một đời sống chung được nuôi dưỡng bằng sự cầu nguyện chung. Catarina thường xuyên cầu nguyện chung với những cư sĩ khác ở Siena. Ngày nay, khi đến thăm nhà thờ San Domenico, người ta thấy chiếc bục nhỏ ở phía sau nhà thờ, nơi họ cầu nguyện, và nơi thánh nữ nhận được nhiều ân sủng đặc biệt từ Thiên Chúa. Thực tế là chúng ta có, cho đến ngày nay, 26 lời cầu nguyện của thánh nữ là kết quả của việc cùng cầu nguyện chung này, vì trong khi qui tụ cầu nguyện, các thành viên trong các nhóm khác nhau đã tốc ký lại những điều mà Catarina đang thốt ra, mà có lẽ thánh nhân không biết.

Theo Catarina, có hai phẩm chất đặc biệt mà đời sống chung cần phải có đó là: lòng trắc ẩn và sự ít tư lợi. Catarina nhấn mạnh lòng trắc ẩn là phẩm chất giúp người ta có thể gần gũi với nỗi khổ của người khác. Nó không có chỗ cho sự xét đoán người khác.

Thiên Chúa nói với thánh nữ: “Lòng trắc ẩn là điều mà con phải có, con và người khác, và để lại sự phán xét cho Cha.” Sự ít tư lợi là một phẩm chất khác mà Catarina nêu bật. Thánh nhân dạy rằng tình yêu vô vị lợi phải là đặc trưng của đời sống chung, được mô phỏng theo tình yêu nhưng không của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người. Catarina khuyến khích đồng bạn đừng sợ sự đau đớn và sự đấu tranh cần thiết liên quan đến việc chuyển đổi từ tình yêu vị kỷ sang tình yêu vị tha trong đời sống chung, vì những điều này được Thiên Chúa cho phép để giúp họ khám phá niềm vui và tự do được gắn liền với tình yêu tự hiến, một niềm vui và tự do tràn ngập khi phục vụ người khác.

Cuối cùng, Catarina giải thích rằng cuộc hành trình của chúng ta hướng về Thiên Chúa trong cuộc đời này không phải là cuộc hành trình được thực hiện một cách cô lập mà là trong sự đồng hành của những người khác. Trên thực tế, chúng ta không thể được thu hút về phía Thiên Chúa mà không bị thu hút về phía nhau. Trong lời giảng dạy về Chúa Giêsu Kitô như chiếc cầu trên đó chúng ta bước đi để đạt đến sự sống viên mãn trong Thiên Chúa, Catarina nhấn mạnh rằng khi chúng ta tiến về phía trước dọc theo Cây Cầu này, chúng ta được qui tụ lại và hiệp nhất với nhau. Điều này là do đời sống chung trong Chúa Kitô vừa là sự phản ánh, vừa là sự chia sẻ, sự hiệp thông trọn vẹn tồn tại giữa ba ngôi vị của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Chiêm niệm và phân phát cho tha nhân điều mình chiêm niệm

Catarina Siena thường được mô tả là một phụ nữ của sự khao khát. Thật vậy, chính thánh nữ, trong câu mở đầu của cuốn Đối Thoại, tự nhận mình là người “thao thức với khao khát vô hạn.” “Khao khát khôn nguôi” của Catarina là về nhiều thứ, nhưng có lẽ tóm tắt cách tốt nhất đó là khao khát Thiên Chúa và khao khát ơn cứu độ cho thế gian. Điều này gồm gói trong câu châm ngôn tổng hợp đặc sủng Đa Minh “Chiêm niệm và phân phát cho tha nhân điều mình chiêm niệm”. Giống như Thánh Đa Minh, Catarina là một nhà giảng thuyết chỉ lưu tâm tới Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn. Sự khao khát Thiên Chúa của Catarina là niềm khao khát sâu xa được kết hợp với Đấng duy nhất có thể thỏa mãn mình trọn vẹn. Thánh nhân đã diễn đạt ước muốn này một cách hùng hồn bằng những lời sau:

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi vĩnh cửu, Chúa là đại dương sâu thẳm. Càng đi vào trong Chúa, con càng khám phá, và càng khám phá, con càng tìm kiếm Chúa nhiều hơn... nơi sâu thẳm tâm hồn được thỏa mãn, nhưng vẫn luôn khao khát Ngài, khát khao Ngài, Thiên Chúa Ba Ngôi vĩnh cửu, khao khát được gặp Ngài với ánh sáng của ánh sáng của Ngài.”

Ngược lại với mối bận tâm tập trung vào bản thân vốn làm trái tim bị co lại và teo tóp, sự khao khát ấy mở rộng trái tim đến nỗi không chỉ có chỗ cho Thiên Chúa mà còn cho toàn thể nhân loại. Catarina Siena có loại khát vọng này, được diễn tả qua việc không ngừng khao khát phần rỗi cho thế gian. Lời cầu nguyện của thánh nữ nói lên điều này: “Con nài xin Ngài bày tỏ lòng thương xót đối với thế giới và Giáo hội thánh thiện... Xin đừng trì hoãn việc bày tỏ lòng thương xót thế giới”. Hoạt động của Catarina cũng được thúc đẩy bởi khao khát này đã khiến thánh nữ ngày càng tiến xa hơn, và ngày càng tới với nhiều người hơn.

Như trong một lá thư, Catarina đã khẳng định rằng Thiên Chúa là ngọn lửa và chúng ta là những tia lửa. Đây là một lối ẩn dụ mang tính Đa Minh tuyệt vời vì nó nhắc chúng ta rằng: chỉ những ai được tiếp xúc với Thần lửa mới có thể bùng cháy với khát vọng cứu rỗi thế giới. Catarina đã có mối thâm giao với Thiên Chúa, và vì thế, thánh nữ đã sống trong thế giới như là một tia lửa tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết được phát ra từ chính ngọn lửa thần linh. Catarina là một người Đa Minh đích thực.

Nt. Anna Ngọc Diệp

Lược dịch từ: Sr. Mary O'Driscoll, O.P. “Women and the Dominican Charism, with Particular Reference to Catherine of Siena