$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Đào tạo
»
»
Dòng Đa Minh

Một hướng nhìn về tinh thần cầu nguyện của Thánh Catarina Siena

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1344 | Cật nhập lần cuối: 4/26/2019 9:23:13 AM | RSS

Thánh Catarina Siena sinh vào hậu bán thế kỷ XIV (25.03.1347), thời điểm rối ren của đất nước Ý và cả trong Hội Thánh Chúa: các thành phố nước Ý phân rẽ, tranh giành quyền lợi và chống đối lẫn nhau; Giáo Hội có hai Đức Giáo Hoàng, tinh thần thế tục len lỏi và làm tục hóa hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân! Tình yêu thương, sự hiệp thông của con người đã bị phá đổ, thay vào đó là sự mâu thuẫn, chia rẽ, căm ghét và giết hại lẫn nhau!

Trong bối cảnh “BaBel thế kỷ XIV”, sự hiện diện của Thánh Catarina đã trở thành ân ban của Chúa cho đời và cho người.

Là những tu sĩ Đa Minh được đào tạo để sống tinh thần: Chiêm niệm và chia sẻ cho tha nhân điều đã chiêm niệm; “đường sống” của chúng ta xoay quanh quỹ đạo từ Chúa đến với tha nhân và từ tha nhân đến với Chúa. Thánh nữ Catarina là bậc thầy của chúng ta về “đường sống” này, Ngài đã biết đường về Trời và Ngài cũng đã biết đường vào đời.

Trong ước nguyện dõi bước thánh Catarina – Vị Thánh Bổn Mạng - Chúng ta cùng chiêm ngắm gương lành cầu nguyện của thánh nữ Catarina Siena như một cách thế để cải thiện và làm nên con đường sống cho chính mình.

  1. Cầu nguyện: “bà mẹ” dưỡng nuôi đời sống thiêng liêng

Linh đạo về cầu nguyện của thánh Catarina đưa chúng ta vượt thoát khỏi “bức tường bức bí” trong cảm nhận bó buộc phải làm cho xong, làm cho đủ việc cầu nguyện theo luật định; để sống bầu khí ấm êm, nếm hưởng sự ngọt ngào ý vị của cầu nguyện. Vì, theo thánh Catarina cầu nguyện không phải là việc làm của bổn phận nhưng là thể hiện sự gắn bó thiết thân: cầu nguyện như “bà mẹ”.

Để diễn tả ý nghĩa sâu xa và ý vị này, thánh Catarina đã đưa ra vấn nạn: “Chúng ta được chữa lành khỏi tính kiêu ngạo và ích kỷ ở đâu? chúng ta có được một trái tim khiêm nhường và đại lượng ở đâu? Trong lúc đau khổ và thử thách, chúng ta khám phá ra tình yêu Thiên Chúa bao bọc chúng ta ở đâu? Chúng ta uống nước thanh khiết ở đâu và biết yêu thương với một trái tim tự do ở đâu? Chúng ta đói khát trao dâng sự sống cho Thiên Chúa và cho ơn cứu độ thế giới ở đâu?”. Và chính Ngài đã trả lời vấn nạn nêu lên cách xác quyết: “Chỉ trong đôi cánh tình yêu dịu dàng của “bà mẹ cầu nguyện”, cầu nguyện sẽ đổ đầy cái bình tâm hồn chúng ta bằng máu của con chiên và bao quanh bằng lửa, ngọn lửa của tình yêu Thiên Chúa”.

Từ trải nghiệm thiêng liêng của thánh Catarina về cầu nguyện, chúng ta có thể nói: cầu nguyện chính là “bà mẹ” dưỡng nuôi đời sống thiêng liêng; từ đó, chúng ta có thể hiểu được lý do tại sao thánh nữ đã thiết tha gắn bó với việc cầu nguyện, khiến Cha Raymondo Capua đã có nhận định về Ngài: chị đã gắn bó với cầu nguyện như với người mẹ thực sự và đã cố gắng với tất cả nhiệt tình, kiên trì để đạt tới thói quen cầu nguyện không ngơi nghỉ. Bà mẹ cầu nguyện đã nuôi dưỡng chị trong an ủi và thử thách, đã đưa chị tới sát ngực Chúa và đã dịu dàng lo cho chị mọi nhu cầu.

Ai trong chúng ta lại không thấy mình cần có mẹ và trân quý mối tình mẫu tử! Trải nghiệm thiêng liêng của thánh Catarina về “bà mẹ” cầu nguyện là một trải nghiệm thiêng liêng có sức đánh động tâm linh chúng ta và hối thúc chúng ta gắn bó với việc cầu nguyện cũng như thực thi viêc cầu nguyện bằng cả tâm tình mến yêu và trân quý.

  1. Cầu nguyện không ngơi nghỉ

Nơi thánh nữ Catarina, cầu nguyện không chỉ là một hành vi nhân linh mang tính nhất thời hoặc chỉ là một phần riêng lẻ trong đời sống; nhưng là hồn thiêng xuyên suốt cả đời sống và làm nên một đời sống thật.

Cầu nguyện giữ vai trò chủ đạo trong đời sống và không tách rời khỏi những hoạt động trong đời sống của thánh nữ. Chính vì thế, khi biết cha Raymondo Capua, nhà giảng thuyết Đa Minh đang bận rộn và mải mê với bao công việc, thánh nữ đã gửi đến cha Raymond lời khuyên và cũng là lời nhắc nhớ: “Hãy xây dựng một căn phòng trong tâm hồn, và đừng bao giờ bước ra khỏi đó!”.

“Hãy xây dựng một căn phòng trong tâm hồn, và đừng bao giờ bước ra khỏi đó!”. Thoạt nghe lời khuyên mang tính cảnh giác dành cho một nhà giảng thuyết, chúng ta thấy có cái gì đó không ổn cho chúng ta để đón nhận, nhất là những lúc bận rộn, phải quay cuồng giữa bao công việc và đòi hỏi của hoạt động sứ vụ. Tuy nhiên, khi nhìn vào cuộc đời thánh Catarina với rất nhiều cuộc hành trình sứ vụ và biết bao công việc Ngài đã thực hiện, thì lời khuyên “Hãy xây dựng một căn phòng trong tâm hồn, và đừng bao giờ bước ra khỏi đó!”, lại trở thành lời khuyên có giá trị thiết thực cho chúng ta. Điều đó có nghĩa là: hãy cứ giảng dạy, hãy cứ hoạt động, hãy cứ làm việc, hãy đối diện với tất cả lo toan, vất vả và bận rộn của người tông đồ! Nhưng, hãy nhớ: phải chuyên cần cầu nguyện và cầu nguyện không ngừng!. Đối với thánh Catarina: khi bề bộn với những hoạt động bên ngoài mà chúng ta vẫn gắn bó sâu xa với thế giới nội tâm, vẫn giữ cho mình một “căn buồng nội tâm”, thì chúng ta sẽ khám phá ra một nơi cư ngụ bên trong chúng ta, đó là “vực thẳm linh thánh”; và, chính tại nơi này, chúng ta sẽ nhận ra “chúng ta là ai và Thiên Chúa là Đấng nào”, từ đó, chúng ta có thể thấu hiểu tận căn: mình phải sống và hành động thế nào cho xứng hợp. Cầu nguyện liên lỉ dẫn đến một đời sống hoạt động luôn có Chúa, chỉ vì Chúa, vì Giáo Hội và vì lợi ích tha nhân.

Là người hoạt động, nếu không muốn nói là nhà hoạt động lừng danh, mà vẫn luôn chuyên chăm cầu nguyện, thánh Catarina đã phản chiếu chói ngời tính hài hòa của đời sống Đa Minh: chiêm niệm và hoạt động.

Bước theo thánh nữ Catarina, chúng ta được mời gọi: hãy cầu nguyện không ngơi nghỉ! Hãy để việc cầu nguyện luôn song hành và hòa nhịp vào sứ vụ! Hãy hoạt động trong chiêm niệm và hãy chiêm niệm trong hoạt động để sống thánh trong ơn gọi và là người nữ Tông đồ Đa Minh đích danh.

  1. Cầu nguyện: hoàn thiện phẩm cách bạn trăm năm của Đức Kitô

Thánh nữ Catarina không chỉ đặt việc cầu nguyện vào vị trí thiết thân mà chúng ta cần gắn bó mà còn đặt việc cầu nguyện vào vị trí ưu việt, làm nên tư cách và phẩm vị nghĩa thiết của người thuộc về Đức Kitô. Lời của thánh Catarina gửi đến những người được chọn để trở nên bạn nghĩa thiết với Đức Kitô : hãy kiên tâm cầu nguyện để xứng đáng làm bạn trăm năm của Chúa”, vừa mang nghĩa một lời kêu gọi, đồng thời cũng mang nghĩa tuyên bố và xác định: không cầu nguyện, không thể có tư cách và phẩm vị xứng bạn trăm năm của Đức Kitô.

Như vậy, việc cầu nguyện theo tinh thần của thánh Catarina còn có giá trị “làm đẹp dung mạo” của chúng ta, và làm cho chúng ta, những người quyết tâm chọn Đức Giêsu làm bạn trăm năm, trở nên “vừa mắt Người”.

Chúng ta không thể xa rời việc cầu nguyện nếu chúng ta muốn mãi mãi là người trung thành với Đức Kitô! Chúng ta cũng không thể thờ ơ với việc cầu nguyện nếu chúng ta muốn giữ trọn những Lời cam kết thánh!

Và, trên hết, chúng ta cần cầu nguyện và cầu nguyện không ngừng, để trong giờ phút cuối của cuộc đời, Đức Giêsu nhận ra: chúng ta thuộc về Ngài!

***

Cùng Thánh Catarina sống khinh nghiệm:

  • Cầu nguyện là “bà mẹ” nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng,
  • Cầu nguyện không ngơi nghỉ,
  • Cầu nguyện để sổng đúng tư cách “bạn trăm năm Đức Kitô”,

Sẽ cho ta:

  • Nhận biết Chúa là AI, để hết lòng yêu mến và kính thờ Chúa cho phải đạo,
  • Nhận biết mình là hư vô, là thụ tạo yếu hèn, để sẵn sàng từ khước chính mình, hầu được sống cho Chúa và trong Chúa,
  • Nhận biết tha nhân trong Chúa, để chân nhận tha nhân chính là “mình thứ hai”, hầu biết yêu và biết xót thương tha nhân như chính mình.

Nt. Maria Nguyễn Thị Túy Phượng