$('.body .wrap-content .nhomtintuc').each(function() { $(this).find('header').insertBefore($(this).find('.img')).addClass('row p-2'); }); $(".body .wrap-content .nhomtintuc .card").removeClass("flex-sm-row"); $(".trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh header").insertBefore('.trangchu .wrap-content .ct13960 .tinchinh .tomtat'); $('.desktopversion header .navbar').removeClass("bg-success text-light").addClass("bg-light text-dark"); $('.desktopversion header .navbar .nav-pr').removeClass("text-light").addClass("text-dark");
»
Đào tạo
»
»
Dòng Đa Minh

Hướng tới tương lai: Truyền Thống Tri thức Đa Minh

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1177 | Cật nhập lần cuối: 5/4/2018 9:56:47 AM | RSS

Những người được hình thành trong truyền thống trí thức Đa Minh không phải là "hủy hoại cuộc sống" mà là "thiêu đốt cuộc sống" – thiêu đốt bằng tình yêu của Thiên Chúa và vì Dân Chúa, đặc biệt là những người thiếu thốn và dễ bị tổn thương nhất –

Ngay từ thời khai sinh, việc học đã trở thành một phần quan trọng của nếp sống Đa Minh. Thực tế là, thánh Đa Minh đã gửi các tu sĩ tiên khởi tới các trường đại học ở Paris và Bologna, vốn là trung tâm trí thức và tôn giáo thời đó. Thánh phụ biết rằng, nếu những người muốn theo ngài để rao truyền chân lý, thì họ cần được huấn luyện, không phải bằng lối sống cách ly với thế giới trong các đan viện, nhưng là thâm nhập vào các trường đại học, nơi mà họ có thể gặp được những trào lưu trí thức mới, nơi mà họ học để biết cách tư duy phê phán, và để cho bản thân được biến đổi qua những cuộc gặp gỡ với người khác.

1. Học tập là một Đặc Sủng

Học tập là một đặc sủng, là quà tặng của Thiên Chúa. Đó là món quà nhằm thiêu đốt chúng ta bằng ngọn lửa của Chân lý, của tình yêu Thiên Chúa và vì Dân Người. Một trong những biểu tượng mà chúng ta thường thấy để diễn tả đặc sủng này, đó là hình ảnh Ngọn Đuốc. Thánh Đa Minh thường được phác họa qua hình ảnh của một Con Chó ngậm Cây Đuốc. Người ta kể rằng thân mẫu của ngài, đang khi mang thai, đã mơ thấy mình sẽ sinh ra một con chó ngậm cây đuốc và sẽ "thiêu đốt cả thế giới.”

2. Học tập và Chiêm niệm

Đặc sủng học tập liên quan mật thiết với đặc sủng chiêm niệm. Đối với người Đa Minh, có một sự xuyên suốt giữa cầu nguyện và học hành. Đối tượng trong việc học Đa Minh trước hết là Kinh Thánh. Thánh Đa Minh được biết đến như là người lúc nào cũng mang bên mình Tin Mừng theo thánh Matthêu và thư của thánh Phaolô. Nhưng việc học trong truyền thống Đa Minh không chỉ bị giới hạn trong Kinh Thánh, nhưng mỗi lĩnh vực của cuộc sống đều là đối tượng để khám phá, vì tất cả tạo thành đều mạc khải cho thấy Đấng Sáng Tạo. Thánh Albert đã viết "Cả thế giới là thần học đối với chúng ta, bởi vì 'Trời xanh rao truyền vinh quang Thiên Chúa'” (Tv 24, 1). Tuy nhiên, thánh Thomas Aquinas cảnh báo rằng: "Sự sai lầm trong hiểu biết của chúng ta về tạo thành sẽ gây ra một sai lầm trầm trọng trong hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa.” Tương tự như vậy, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế giới ngày nay nhấn mạnh rằng, chúng ta cần cẩn thận nghiên cứu các dấu hiệu của thời đại vì chúng phản chiếu ánh sáng của Tin Mừng. Do đó, trong truyền thống Đa Minh, có một trí thức lưu động, có nghĩa là, chúng ta sẵn sàng tìm kiếm sự thật ở bất cứ nơi nào mà chúng ta có thể tìm thấy.

Trong khi học tập và chiêm niệm quyện chặt vào nhau trong đời sống Đa Minh, thì thật đáng ngạc nhiên khi chúng ta lại thấy rằng, nhiều lần thánh Đa Minh đã chuẩn chước giờ cầu nguyện cho anh em để ưu tiên cho việc học. Thậm chí điều này đã được viết thành luật, đó là Bề trên có thể miễn cho anh em bất cứ điều gì gây cản trở cho việc học hành, giảng thuyết, hoặc vì lợi ích của các linh hồn. Thánh Đa Minh cũng chủ trương rằng việc nguyện Thánh vịnh cộng đoàn cần được thực hiện cách gọn nhẹ để anh em có thể mau chóng tiếp tục việc học của mình.

3. Học tập vì Sứ vụ

Giống như bất kỳ đặc sủng nào khác, việc học trong truyền thống Đa Minh không được trao cho bất kỳ một cá nhân hay một nhóm nào chỉ để thưởng thức riêng mà là để được thắp lên và chia sẻ ánh sáng cho người khác. Phương châm của chúng ta là, Chiêm niệm và chia sẻ cho người khác hoa trái của sự chiêm niệm. Cũng vậy, điều quan trọng của việc học là để chia sẻ những thành quả với người khác, đặc biệt dưới hình thức của việc giảng thuyết.

Điều cần lưu ý là, khi người Đa Minh chia sẻ hoa trái của việc chiêm niệm hoặc học tập thì nó không được chuyển trao như là một sản phẩm hoàn chỉnh; đúng hơn, nó là sự thông chia cách thế làm sao để thâm nhập vào một lối sống, - lối sống học tập và chiêm niệm. Nó cũng giống như câu phương ngôn: Nếu bạn muốn nuôi một người trong một ngày, hãy cho họ con cá; nếu bạn muốn nuôi người ấy cả đời, hãy dạy cho họ cách câu cá. Vì vậy, người Đa Minh hiếu học là người biết dạy người khác cách để học tập.

Một khía cạnh quan trọng nữa của học tập vì sứ vụ, đó là chính Sứ vụ đó, một cách cụ thể đối với những người nghèo nhất, họ phải được ưu tiên hơn những công cụ của việc học. Câu chuyện nổi tiếng trong cuộc đời của thánh Đa Minh đã minh họa điều này. Khi còn là sinh viên, ngài có một bộ sách về tôn giáo được ghi trên giấy da. Thánh nhân rất quý bộ sách này, nhưng một ngày kia, ngài đã bán nó đi để có tiền giúp người nghèo. Thánh nhân khẳng định rằng: "Tôi không thể học trên những tấm da chết trong khi những người đang sống phải chết vì đói.”

4. Học tập và Đời sống cộng đoàn

Học tập trong truyền thống Đa Minh không phải là một nỗ lực đơn phương, được thực hiện cá thể hoặc riêng lẻ nhưng bản chất của nó là mang tính cộng đoàn- cùng nhau thực hiện vì Giáo Hội. Điều này không có nghĩa là người Đa Minh không có sự tách biệt và yên tĩnh cần thiết để dành cho việc học và nghiên cứu khoa học. Nhưng trong truyền thống Đa Minh, các nhóm cùng nhau nghiên cứu một chủ đề, hoặc cùng đọc một cuốn sách, rồi sau đó, cùng qui tụ lại để chia sẻ thành quả nghiên cứu của mình. Việc học của chúng ta luôn luôn là một nỗ lực cộng đoàn và thành quả là cũng là của cả cộng đoàn.

5. Học tập như một cam kết sống động trong hiện tại với một viễn ảnh hướng tới tương lai.

Học tập trong truyền thống Đa Minh không phải là học thuộc lòng các văn bản cũ. Hơn nữa, học về quá khứ không phải là để ghìm chúng ta lại đó, nhưng là hướng tới khả năng hiểu biết về lịch sử để giải thích hiện tại và giúp chúng ta có được sự khôn ngoan trong tương lai. Khi thánh Đa Minh gửi các anh em tiên khởi tới các trường đại học, ngài đã thực hiện điều này, vì các trường đại học là trung tâm của trí thức và tôn giáo.

6. Học tập như là sự Chuyển hóa

Việc học trong truyền thống Đa Minh chuyển hóa chúng ta và thế giới một cách sâu sắc, dẫn chúng ta tới sự viên mãn của triều đại Thiên Chúa.

Cha Timothy Radcliffe, tổng quyền Dòng từ năm 1992-2001 đã diễn tả việc học như là sự "mở rộng tâm trí và trái tim cho những cách thế khác nhau của nhân loại", với việc "học để biết chú tâm, học để biết lắng nghe." Việc chú tâm và lắng nghe này không chỉ đơn giản là thu thập dữ liệu, nhưng là lớn lên trong sự khôn ngoan, có khả năng để chất vấn cách thế riêng của mỗi người trong việc chiêm ngắm thế giới.
Điều này cần một sự khiêm tốn nhất định. Chân phước Jordan Saxony, người kế vị thánh Đa Minh nói rằng "Thánh Đa Minh hiểu biết mọi sự thông qua sự khiêm tốn của trái tim." Việc học Đa Minh không phải là việc của cái đầu mà thôi nhưng là sự gắn kết của khối óc, của con tim, và của toàn bộ con người. Sự chuyển hóa diễn ra khi có được sự cởi mở của trái tim, của tâm trí, và chính bản thân cho những cách thức mới của sự hiểu biết, và hiện sinh là một kinh nghiệm của niềm vui và sự giải thoát! Cha Timothy Radcliffe thậm chí còn đi xa hơn khi nói rằng: Niềm vui của việc học không phải là khám phá ra rằng bạn đúng, nhưng là nhận ra rằng bạn sai!

Là người Đa Minh, với truyền thống học tập, truy tìm Chân lý, và tranh luận chúng ta có một món quà để trao tặng. Sự tranh luận theo truyền thống Đa Minh là khi chúng ta đi vào cuộc đối thoại bằng sự tôn trọng đối với những người có vị thế khác với chúng ta để cùng nhau đạt tới sự thật. Khi thực hành điều này, Thánh Thomas Aquinas bắt đầu với giả định, theo một nghĩa nào đó, là đối phương của ngài luôn luôn đúng. Cha Timothy Radcliffe nhận xét: "Thật là dễ để nhận ra sai lầm của người khác, nhưng liệu chúng ta có đủ can đảm để nghe những gì họ có thể dạy cho chúng ta không?"

Để đi vào tranh luận đòi hỏi sự nghiên cứu cần mẫn về vấn đề, cũng như phân tích nghiêm túc về bối cảnh xã hội và văn hóa. Mục đích không phải là để chứng minh rằng trường hợp của tôi là đúng đến độ dẫn đến sự chia rẽ nghiêm trọng, nhưng đúng hơn, mục đích là để đạt tới sự thống nhất cao hơn, thông qua sự hiểu biết sâu hơn về viên kim cương đa chiều, đó là sự thật, và đạt tới sự tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau để mang lại khả năng chữa lành và hòa giải. Mục đích không phải là để xóa bỏ mọi khác biệt vì muốn có sự thống nhất, nhưng là tôn trọng và khuyến khích sự khác biệt, để cùng tham gia một cách trung thực, yêu thương, và cùng nhận ra rằng Sự Thật ẩn giấu ở những nơi mà chúng ta không ngờ tới.

Trong truyền thống Đa Minh, Sự thật không là một điều để bị sở hữu. Chúng ta không bao giờ có thể nói "sự thật của tôi" hoặc chắc chắn là tôi biết "sự thật" một cách tuyệt đối. Đối với người Đa Minh, sự thật là một cái gì đó phải được tìm kiếm một cách khiêm tốn với một sự cởi mở để tìm thấy nó ở những nơi bất ngờ, như chúng ta học được từ các nền văn hóa, truyền thống, và tôn giáo khác. Thánh Thomas Aquinas nói rằng "Chúng ta là những người hành khất sự thật, sẵn lòng để van xin một chút ánh sáng từ tất cả mọi người mà chúng ta gặp gỡ trên đường." Điều này đòi hỏi một sự sẵn sàng để "vượt qua," để nhìn với đôi mắt của người khác, và để buông bỏ một số chắc chắn của bản thân.

Một ví dụ cho thấy Đức Giêsu đã thực hiện điều này, đó là trong cuộc đối thoại với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng trong Tin Mừng Gioan 4, 4-42. Đức Giêsu không chỉ băng qua lãnh thổ địa lý nhưng Ngài còn đi vào thế giới thần học của người phụ nữ đó khi Ngài đã dùng từ ngữ và cách nói của bà để nói về Đấng Messia được mong chờ như là thày dạy và ngôn sứ giống như Moses, chứ không phải là cách mọi người vốn quen dùng khi nói về một Đấng Messia thuộc hoàng tộc Đavít. Sự cam kết vượt qua ranh giới của sự khác biệt như thế dẫn chúng ta đến gần Sự Thật, đó là giải thoát chúng ta bằng sức mạnh của sự chữa lành và hòa giải.

7. Học tập là lao động của Tình yêu

Đặc điểm cuối cùng của Học tập trong truyền thống Đa Minh đó là: Việc học là lao động của tình yêu. Lúc đầu tôi có nói rằng học tập là một món quà nhưng không Thiên Chúa trao tặng cho chúng ta, nhưng nó cũng phải được trau dồi qua sự tận tụy và kỷ luật mỗi ngày! Người Đa Minh đôi khi nói về việc bị đóng đinh trên bàn học. Điều này không có ý nói học tập là một gánh nặng nhưng muốn ám chỉ việc học là một khổ chế, nó đòi hỏi sự từ bỏ chính mình cách trọn vẹn để đáp lại với Đấng đã thiêu đốt chúng ta bằng ngọn lửa đam mê Chân lý bằng tình yêu đối với Thiên Chúa và Dân Người. Học tập là lao động của tình yêu, nhưng nó là một tình yêu đắt giá. Cũng như Đức Giêsu, việc truy tìm chân lý của chúng ta là tự nguyện trong vui tươi nhưng điều này không thể thành hiện thực mà không trải qua thử thách của đau khổ và cái chết. Giống như Đức Giêsu, chúng ta được thiêu đốt bởi ngọn lửa của tình yêu thánh thiêng để thắp sáng công trình chuyển hóa cho việc khai sinh triều đại của Thiên Chúa.

Các bạn đều đã được hình thành trong truyền thống trí thức Đa Minh, vậy các bạn sẽ chuyền trao di sản này như thế nào?

Nt. Anna Emmanuel Ngọc Diệp

Lược dịch bài nói chuyện của Sr. Barbara Reid O. P., Ph. D.,

Facing the Future: The Dominican Intellectual Tradition,

tại trường Đại học Aquinas, Grand Rapids, MI, năm 2012.